Tỉnh Bến Tre ngoài dừa thì đừng quên thưởng thức thứ đặc sản to bự tổ chảng này nhé?

Thứ hai, ngày 11/01/2021 19:05 PM (GMT+7)
Tỉnh Bến Tre được mệnh danh là “thủ phủ dừa xanh”. Những vườn dừa rợp mát, sông nước mênh mang và các hoạt động liên quan đến cây dừa đã giúp tỉnh Bến Tre đón hàng triệu lượt khách tham quan. Song ngoài dừa, Bến Tre còn có đặc sản khác, nức tiếng.
Bình luận 0

Đến Bến Tre ăn bánh xèo

Đến tỉnh Bến Tre vào một ngày nắng rợp, tôi chợt nhớ những câu thơ viết về thời khẩn hoang lập ấp ở xứ này:

Nơi đây xưa kia

Cù lao An Hóa, cù lao Minh và cù lao Bảo hiên ngang bên sóng nước

Phù sa bốn nhánh Cửu Long bồi tụ mà thành

Một vùng hoang vu dần dần ấm bước chân những người đi khai hoang, mở đất

Cọp dữ trên rừng, cá sấu dưới sông…

Mồ hôi của lưu dân gieo xuống đất giồng

Ươm màu xanh cho xứ dừa nổi tiếng…

Tỉnh Bến Tre được mệnh danh là “thủ phủ dừa xanh”. Những vườn dừa rợp mát, sông nước mênh mang và các hoạt động liên quan đến cây dừa đã giúp tỉnh Bến Tre đón hàng triệu lượt khách tham quan. Song ngoài dừa, tỉnh Bến Tre còn có đặc sản khác, nức tiếng.

 

Tỉnh Bến Tre ngoài dừa thì thứ đặc sản to bự tổ chảng này nhé? - Ảnh 1.

Bánh xèo củ hủ dừa - một đặc sản không nên bỏ qua khi đến tỉnh Bến Tre. Nguồn: DULICH VIETNAM

Bến Tre có bốn con sông lớn là Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên bao bọc. Những vườn dừa rợp mát, tổng diện tích lên đến 72.000ha, sông nước mênh mang và các hoạt động liên quan đến cây dừa đã giúp Bến Tre đón gần 1,9 triệu lượt khách tham quan (năm 2019), trong đó có gần 800.000 lượt khách quốc tế. 

Cây dừa bầu bạn với người Bến Tre, đến khi kết thúc đời dừa, cây để lại cho người một đặc sản: củ hủ dừa.

Là phần tinh túy ở bên trong cây dừa, củ hủ dừa trắng tinh, hình tháp, giòn và ngọt, rất được ưa thích. Để có củ hủ thì phải chặt cây, nhưng tỉnh Bến Tre dừa bạt ngàn nên củ hủ dừa không hiếm như những nơi khác. 

Có củ hủ dừa, bánh xèo Bến Tre trở nên khác biệt với bánh xèo miền Tây nói chung. Đến “thủ phủ dừa xanh”, du khách không nên bỏ qua món ăn dân dã này.

Người tỉnh Bến Tre không “đúc” mà “chiên” bánh xèo. Cái bánh to bự tổ chảng được chiên trong chảo, trên bếp gas, vàng ươm, giòn rụm. 

Bên cạnh “thành phần quan trọng” là củ hủ dừa, bánh xèo Bến Tre còn có hến, thịt heo và tôm đất. 

Theo anh Bùi Quang Hùng, bếp trưởng một nhà hàng nổi tiếng tại TP Bến Tre, sự khác biệt lớn nhất của bánh xèo Bến Tre với bánh xèo miền Tây nói chung là có đặc sản củ hủ dừa, còn hến thì một số nơi ở miền Tây cũng có. 

Bí quyết để bánh xèo giòn là ở cách pha bột - một hỗn hợp gồm bột gạo, nước cốt dừa, lòng đỏ trứng gà - và “canh” lửa. 

Bánh xèo Bến Tre ăn kèm rau, trong đó có lá cách - một loại lá rất quen thuộc trên xứ dừa. Nước chấm được làm từ... nước dừa tươi, bổ sung vài món đồ chua.

Ngày ba buổi, buổi nào người Bến Tre cũng có thể ăn bánh xèo. Đặc biệt, vào dịp Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 Âm lịch), bánh xèo là món chủ lực. Người xứ dừa chiên bánh xèo trước cúng tổ tiên, sau là để ăn khi gia đình quây quần bên nhau.

 

Tỉnh Bến Tre ngoài dừa thì thứ đặc sản to bự tổ chảng này nhé? - Ảnh 4.

Du khách tham quan vườn bưởi da xanh ở ấp 3, xã Nhơn Thạnh, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Ảnh: CTV

 Những vườn bưởi bên sông

Từ huyện Giồng Trôm, một con sông miên man trôi về hướng tây bắc. Đến địa phận TP Bến Tre, sông chia thành hai nhánh, một nhánh theo hướng bắc đổ ra sông Ba Lai tại ngã tư An Hóa, một nhánh theo hướng tây nam đổ ra sông Hàm Luông tại xã Mỹ Thạnh An. 

Đó là sông Bến Tre, dài khoảng 30 cây số. Những con sông ở Bến Tre từng là tuyến đường thủy quan trọng của “thủ phủ dừa xanh”, trước khi những con đường vươn đến các ấp.

Mỹ Thạnh An, Nhơn Thạnh và Phú Nhuận là 3 xã ở vùng ven TP Bến Tre, nổi tiếng bởi một đặc sản khác ngoài dừa: bưởi da xanh. 

Nghe kể rằng ngày trước, người ở ấp 3 xã Nhơn Thạnh tiên phong trồng bưởi da xanh, bây giờ cả xã chuyên trồng bưởi da xanh.

Có những gia đình trồng xen bưởi với dừa, có người bỏ hẳn cây dừa để trồng bưởi. Lại nghe nói do thổ nhưỡng mà bưởi da xanh ở tỉnh Bến Tre ngon nổi tiếng. Chăm chút vườn bưởi, nhiều gia đình ở đây có tiền nuôi con ăn học, xây nhà cửa khang trang.

Khi đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Phú Yên đến tỉnh Bến Tre, nhà văn Nguyễn Nhật Nam (Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu) đưa các đồng nghiệp đến Nhơn Thạnh - xã ở bờ Nam sông Bến Tre, cách trung tâm thành phố chừng 4 cây số. 

Sử sách ghi rằng Nhơn Thạnh được hình thành từ thế kỷ thứ XVIII do lưu dân người Việt từ vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi đến đây khai hoang, lập ấp. 

Ở hạ lưu Cửu Long giang, có sông rạch chằng chịt và được phù sa bồi đắp nên đất đai nơi này rất màu mỡ. Vườn nối tiếp vườn, Nhơn Thạnh giờ đây có trên dưới 300ha trồng bưởi da xanh.

Gia đình nhà văn Nguyễn Nhật Nam sống ở ấp 3, trồng nhiều dừa và bưởi. Các con ông mời khách phương xa thưởng thức đặc sản quê nhà. Những múi bưởi căng mọng, hồng tươi, ngọt thanh. 

Anh Nguyễn Phan Công Bằng, con rể nhà văn Nguyễn Nhật Nam, cho biết vợ chồng anh có 2-3 công đất (2.000-3.000m2) luân phiên thu hoạch bưởi da xanh. Cây bưởi trồng 3-4 năm thì có trái. Một chùm bông đậu 3-4 trái, người ta sẽ bỏ bớt những trái bị lỗi, giữ lại trái đẹp để “nuôi”. 

Mỗi cây chừng 50 trái, có khi ít hơn. Nhà vườn sẽ “canh” theo độ tuổi, hình hài của cây để “nuôi” trái, làm sao cho cây không phải “nuôi” quá nhiều trái. Mùa thu hoạch chính là mùa Tết, thương lái đến vườn mua với giá 65.000-70.000 đồng một ký bưởi da xanh, mỗi trái bưởi nặng từ hơn một ký đến hai ký rưỡi.

Trồng bưởi da xanh cực hơn trồng dừa. Cây bưởi da xanh sẽ có trái quanh năm nếu được chăm sóc, bón thúc. 

Vì vậy, ngoài vụ chính, nhà vườn lai rai thu hoạch cả năm. Tuổi thọ của cây bưởi da xanh phụ thuộc vào nhà vườn, bắt cây ra trái nhiều thì tuổi thọ ngắn. “Bưởi da xanh cũng khó trồng. Nếu chăm sóc kỹ, cây sống bền thì đủ nuôi con ăn học”, anh Bằng nói.

Anh Bằng dân Bến Tre, là kỹ sư nông nghiệp. Ra trường, lập gia đình, anh mở vựa phân vi sinh, trồng bưởi và “bốc thuốc” chữa bệnh cho cây bưởi. Khi cây bệnh, chủ vườn sẽ bẻ một nhánh, mang đến. 

Anh Bằng nhìn nhánh bưởi, “bốc thuốc” cho cây. Qua những gì mà kỹ sư này chia sẻ, có thể cảm nhận anh hài lòng với công việc của mình.

Một người Bến Tre nói rằng nếu để ý, sẽ thấy bưởi da xanh khi chín vỏ chỉ hơi ngả vàng, nhưng không vàng như bưởi 5 roi; không có vị đắng; múi bưởi khô ráo; độ ngọt cao hơn. Có lẽ vì những đặc tính đó mà bưởi da xanh được mệnh danh là “vua của các loại bưởi”.

Khi những con đường vươn đến các ấp, hình ảnh xuồng ghe dập dìu chở sản vật của xứ dừa dần lui vào quá vãng. Nhưng trái ngọt và những điều đặc biệt của tỉnh Bến Tre vẫn luôn để lại dư vị, dư âm trong lòng khách phương xa.

Yên Lan (Báo Phú Yên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem