Mát tay nuôi “chim tiền tỷ” chả thấy cho ăn bao giờ, một người Long An vùng Đồng Tháp Mười hái ra tiền

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 26/04/2024 12:56 PM (GMT+7)
Tham công tiếc việc, có đến 7ha đất trồng lúa, chị Lê Thị Minh Thi ở vùng Đồng Tháp Mười, xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh, (tỉnh Long An) vẫn đầu tư xây nhà yến để nuôi chim yến và bất ngờ hằng tháng ung dung hái tiền.
Bình luận 0
Mát tay nuôi “chim tiền tỷ” chả thấy cho ăn bao giờ, một người Long An vùng Đồng Tháp Mười hái ra tiền- Ảnh 1.

Nhà nuôi chim yến của chị Lê Thị Minh Thi (xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An). Ảnh: T.Đ

Chị Minh Thi tính, một căn nhà nuôi yến có diện tích sàn 340m2 của chị cho doanh thu "ăn đứt" mảnh ruộng 7ha mà chồng chị đang cày cuốc.

Nuôi yến ăn thua nhau kinh nghiệm

Chúng tôi đi xem vùng nuôi yến mới ở ấp Hiệp Thành (xã Tân Bình) vào một buổi trưa nắng gay gắt. Chị Minh Thi, Trưởng ấp Hiệp Thành, cũng là dân nuôi yến, ngồi tiếp chúng tôi cho biết, cái ấp trồng lúa bao đời này thời gian gần đây "bày đặt" xây nhà nuôi yến. Hiện, cả ấp có 3 nhà nuôi yến, trong đó nhà nuôi yến của chị Minh Thị tầm cỡ nhất.

Chị Minh Thi cho biết, giữa năm 2022, chớp thời cơ nhà ở đang xây lại, chị Minh Thi lồng ghép xây thêm nhà nuôi yến phía sau với 2 tầng, tổng diện tích sàn là 340m2, vốn đầu tư 2,5 tỷ đồng.

"Trước khi quyết định đầu tư xây nhà nuôi yến, tôi đã đi tham khảo 7 nhà nuôi yến xa gần. Rồi tôi gặp công ty xây nhà yến để nhờ tư vấn địa hình nuôi yến, kỹ thuật thiết kế, kết cấu nhà nuôi yến; dụng cụ dẫn dụ; bảo hành…", chị Minh Thi thổ lộ.

Mát tay nuôi “chim tiền tỷ” chả thấy cho ăn bao giờ, một người Long An vùng Đồng Tháp Mười hái ra tiền- Ảnh 2.

Nuôi chim yến không khó, thắng thua là do kinh nghiệm. Ảnh: T.Đ

Chị Minh Thi cho rằng, nuôi yến không khó. Mỗi tháng chỉ kiểm tra nhà yến một lần để thông ống (lỗ thông gió) cho nhà yến mát. 

Nếu vào mùa nắng nóng, người nuôi yến phải thông ống ra dài thêm, còn mùa lạnh thì bịt bớt các lỗ ống lại. Bên cạnh đó, giữ rắn, chuột, kiến không cho vào nhà nuôi yến, để tránh làm yến sợ bỏ đi. Còn tất nhiên là không lo cho yến ăn, vì chúng tự tìm kiếm thức ăn ngoài thiên nhiên trước khi về tổ.

Chị Minh Thi cho biết thêm, trong năm vào các tháng 2, 7 và 11 là những tháng chim nở con. Vào các tháng này, người nuôi yến không được thu hoạch tổ để yến nhân đàn. Còn những tháng khác là thời gian thu tổ yến.

Theo chị Minh Thi, vùng đất "rồn phèn" huyện Tân Thạnh nuôi yến khá thích hợp bởi thời tiết mát mẻ và vùng thức ăn phong phú, dồi dào. 

Ví như, nhà nuôi yến của chị Minh Thi, chủ công ty thiết kế nhà yến cho biết, thường khoảng 2 năm từ khi xây, nhà nuôi yến mới có yến về. Nhưng thực tế, chỉ khoảng 1 năm, chị Minh Thi đã thấy yến về làm tổ trong nhà nuôi yến. Hiện, tổng đàn yến đang tăng lên khá tốt.

"Nuôi yến dễ nhưng phải có kinh nghiệm mới thành công. Nếu vào nhà nuôi yến mà thấy mát thì con chim yến sẽ ở được, không bỏ đi", chị Minh Thị chia sẻ.

Nuôi chim yến vùng Đồng Tháp Mười "ăn đứt" trồng lúa

Mát tay nuôi “chim tiền tỷ” chả thấy cho ăn bao giờ, một người Long An vùng Đồng Tháp Mười hái ra tiền- Ảnh 3.

Chị Minh Thi và sản phẩm yến sào từ nuôi yến. Ảnh: T.Đ

Nâng niu tổ yến được được đặt trong chiếc hộp xin xắn, chị Minh Thị bộc bạch, nuôi yến thu nhập cao hơn trồng lúa rất nhiều.

Hiện, nhà nuôi yến của chị Minh Thi cho sản lượng 300– 500g tổ yến/tháng. Với sản lượng này, chị không đủ yến sào bán cho người dân tại địa phương. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, chị Minh Thi phải mua thêm tổ yến từ các nhà nuôi yến khác.

Hiện, giá tổ yến thô chị Minh Thi bán cho thương lái là 1,8 triệu đồng/100g, còn với người dân địa phương là 1,7 triệu đồng/100g.

Theo chị Minh Thi, với đà phát triển nuôi yến thế này, chị sẽ đầu tư xây thêm nhà nuôi yến mới.

"Làm ruộng là lấy ngắn cắn dài, còn xây nhà nuôi yến là để phát triển kinh tế. Trồng cây ăn trái, rau màu nhiều lúc giá cả không ổn định, bấp bênh, nhưng giá tổ yến thì tốt, khá ổn định", chị Minh Thi thổ lộ.

Mát tay nuôi “chim tiền tỷ” chả thấy cho ăn bao giờ, một người Long An vùng Đồng Tháp Mười hái ra tiền- Ảnh 4.

Nghề nuôi yến ở huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An) đang cần sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng để phát triển bền vững. Ảnh: T.Đ

Chị Minh Thi kiến nghị, chính quyền, ngành chức năng xem xét, hỗ trợ bà con đủ điều kiện nuôi yến, tạo điều kiện để người nuôi yến tham gia Chương trình OCOP, xây dựng thương hiệu,… nhằm phát triển kinh tế tốt hơn.

Theo UBND huyện Tân Thạnh, hiện tổng số nhà nuôi yến trên địa bàn huyện (tính đến ngày 1/10/2023) là 149 nhà. Trong đó, nhà nuôi yến là 118 nhà và nhà ở chuyển đổi công năng (vừa ở vừa nuôi yến) là 31 nhà.

Ngoài ta, tổng số chủ cơ sở, hộ dân có nhà nuôi yến hoặc nhà ở chuyển công năng sang nuôi yến là 110 hộ dân, cơ sở. Trong đó, có 2 cơ sở là Yến sào Trí Sơn và Yến sào Minh Triết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem