Chủ nhật, 12/05/2024

Khan hiếm nhà ở xã hội, TP.HCM kiến nghị nhiều cơ chế tăng nguồn cung

16/10/2022 6:00 PM (GMT+7)

Thời gian qua, sự khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội tại TP.HCM đã khiến ước mơ sở hữu một căn nhà đối với hàng ngàn công nhân lao động trở nên xa vời.

Nguồn cung nhà ở xã hội vẫn đang thiếu hụt

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, nhà ở xã hội tại TP.HCM giai đoạn 2016 – 2021 đã xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 19 dự án với tổng diện tích đất 24,67ha, 1.188,761 m2 sàn xây dựng, tương đương 14.954 căn hộ. Vốn ngân sách đã đầu tư 620 căn hộ (chiếm 4,15%), vốn doanh nghiệp đầu tư 14.334 căn (chiếm 95,85%).

Hiện nay, TP.HCM có 9 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với tổng diện tích 17,54ha, quy mô 6.231 căn hộ; trong đó có 5 dự án đang chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020. Giai đoạn tiếp theo (2021-2025), TP.HCM dự kiến triển khai 25 dự án, với tổng số hơn 28.600 căn hộ. Như vậy, số nhà ở xã hội trên thống kê đã thấp, nhưng con số hình thành trên thực tế còn ít hơn.

Khan hiếm nhà ở xã hội, TP.HCM kiến nghị nhiều cơ chế tăng nguồn cung - Ảnh 1.

Nhà ở xã hội tại TP.HCM chưa đủ đáp ứng nhu cầu người lao động. Ảnh: H.T

Về kiểm tra, xét duyệt đối tượng, điều kiện được thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội: đã kiểm tra xác nhận, xét duyệt 18.141 đối tượng, trong đó 17.632 đối tượng đủ điều kiện được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách; xét duyệt 509 đối tượng đủ điều kiện được thuê, thuê mua nhà ở xã hội đầu tư bằng vốn ngân sách.

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản TP.HCM đang thiếu hụt nguồn cung dự án (nhất là các sản phẩm nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp) và nguồn cung nhà ở xã hội.

Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá nguồn cung nhà ở xã hội vẫn đang thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu rất lớn của đại đa số người có thu nhập thấp trong đô thị. HoREA cho hay, hiện có rất nhiều dự án chưa thể triển khai do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài, tiến độ thực hiện chậm, thậm chí không thực hiện được.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cảnh báo TP.HCM đang xảy ra khá phổ biến tình trạng một số dự án thuộc diện là quỹ đất 20% xây nhà xã hội trong các dự án nhà ở thương mại thuộc phân khúc cao cấp, do chi phí giá đất quá cao không phù hợp xây dựng nhà giá rẻ. Theo đó, thành phẩm nhà ở xã hội tại các dự án cao cấp đang lên đến 45-60 triệu đồng một m2, vượt khả năng chi trả của người có thu nhập thấp cần mua nhà ở xã hội.

Khan hiếm nhà ở xã hội, TP.HCM kiến nghị nhiều cơ chế tăng nguồn cung - Ảnh 3.

Nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà với nhà ở xã hội vì thủ tục đầu tư phức tạp. Ảnh: H.T

Ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội nhiều và khó hơn so với thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Ngoài ra, nguồn vốn hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội cũng chưa được triển khai.

TP.HCM kiến nghị nhiều cơ chế gỡ khó cho nhà ở xã hội

Liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội, TP.HCM mới đây đã kiến nghị Trung ương cần tạo nguồn vốn dài hạn, ổn định với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ cho chủ đầu tư vay thực hiện dự án nhà ở xã hội và các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở được vay mua nhà.

Theo đó, TP.HCM kiến nghị Trung ương cho phép thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc thành phố để đầu tư, phát triển, quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn. Ưu tiên sử dụng các quỹ đất Nhà nước trực tiếp quản lý do các doanh nghiệp đang sử dụng làm nhà xưởng tại các quận, huyện thuộc diện phải di dời vào các khu công nghiệp cũng như quỹ đất do các cơ quan Nhà nước hiện đang quản lý thuộc diện sắp xếp lại để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.

Đồng thời, TP.HCM cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể: bổ sung quy định về quy trình xác định chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư khi bàn giao lại quỹ đất ở 20% trong dự án cho Nhà nước.

Khan hiếm nhà ở xã hội, TP.HCM kiến nghị nhiều cơ chế tăng nguồn cung - Ảnh 4.

TP.HCM kiến nghị Trung ương cần tạo nguồn vốn dài hạn thu hút doanh nghiệp. Ảnh: H.T

Kiến nghị nghiên cứu quy trình theo hướng đơn giản và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội. Kiến nghị các dự án phát triển nhà ở thương mại, phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha đến dưới 10 ha được chấp thuận đầu tư trong khoảng thời gian từ ngày Nghị định số 188/2015/NĐ-CP ngày 20/11/2013 có hiệu lực đến trước ngày Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 xin điều chỉnh gia hạn thời gian thực hiện dự án (không thay đổi mục tiêu, chỉ tiêu quy hoạch), thì khi thực hiện điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án kiến nghị vẫn thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội tại thời điểm được chấp thuận đầu tư trước đây.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng cần mở cơ chế cho phép linh hoạt hoán đổi vị trí quỹ nhà xã hội ở nơi có giá vừa túi tiền hơn để có thể phát triển được quỹ nhà giá trên dưới 20 triệu đồng một m2 phục vụ người có thu nhập thấp. Chủ tịch HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được lựa chọn hình thức: hoặc dành quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội trong dự án; hoặc hoán đổi quota 20% quỹ đất hoặc nhà ở bằng số lượng nhà ở xã hội tương đương.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Gỡ khó tiền sử dụng đất tại TP.HCM

Gỡ khó tiền sử dụng đất tại TP.HCM

Công tác xác định tiền sử dụng đất là một vướng mắc về pháp lý mà doanh nghiệp bất động sản TP.HCM đang gặp phải. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã đề xuất nhiều giải pháp để khơi thông điểm nghẽn trên.

Hàng trăm dự án tồn đọng tại TP.HCM đang chờ định giá đất

Hàng trăm dự án tồn đọng tại TP.HCM đang chờ định giá đất

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho hay số lượng hồ sơ dự án tồn đọng chưa xác định được giá đất trên địa bàn thành phố còn rất lớn. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ cấp sổ hồng của hàng loạt công trình.

Cần 34,4 tỷ USD cho metro tại TP.HCM

Cần 34,4 tỷ USD cho metro tại TP.HCM

Tổng mức đầu tư dự kiến để phát triển hệ thống metro (đường sắt đô thị) tại TP.HCM đến năm 2060 là gần 824.496 tỷ đồng, tương đương khoảng 34,4 tỷ USD. Theo kế hoạch này, toàn hệ thống sẽ dài 510km đến năm 2060.

Trái chiều phân khúc căn hộ và đất nền phía Nam

Trái chiều phân khúc căn hộ và đất nền phía Nam

Phân khúc căn hộ ở TP.HCM và vùng phụ cận cho thấy sự cả thiện cả về nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ trong tháng 4. Tuy nhiên, phân khúc đất nền vẫn ảm đạm.

Xu hướng mới của văn phòng cho thuê để giữ chân khách

Xu hướng mới của văn phòng cho thuê để giữ chân khách

Thị trường văn phòng cho thuê đang ghi nhận xu hướng chuyển dịch về nhu cầu từ phía khách thuê, buộc chủ đầu tư văn phòng thay đổi không chỉ về giá mà còn nhiều yếu tố để giữ chân khách thuê.

Hiện trạng những vỉa hè đang cho thuê ở trung tâm TP.HCM

Hiện trạng những vỉa hè đang cho thuê ở trung tâm TP.HCM

Vỉa hè tại 11 tuyến đường ở quận 1 đã kẻ vạch phân chia giữa khu vực để xe, buôn bán và lối đi bộ.