Ba chàng trai Quảng Trị cất bằng đại học, cao đẳng về nhà làm bún quê, thế mà cho thu nhập tốt

Ngọc Vũ Thứ ba, ngày 14/11/2023 07:20 AM (GMT+7)
Ba chàng trai tốt nghiệp đại học, cao đẳng ở những thành phố lớn, nhiều cơ hội việc làm nhưng họ đã trở về làng bún Linh Chiểu (xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) để khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu bún sạch cho quê hương.
Bình luận 0

Ba chàng trai đó là Nguyễn Hữu Vinh (1990, cử nhân Đại học Giao thông vận tải TP HCM), Nguyễn Đăng Tôn Cảnh (1991, thạc sĩ Quản trị kinh doanh Đại học Kinh tế Huế) và Nguyễn Phước Ánh (1991, cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng).

Bún sạch Vạn Linh trên nền truyền thống

Những năm trở lại đây, nhiều khách hàng đến các siêu thị lớn, nhỏ khu vực miền Trung thường tìm mua bún Vạn Linh. Để giải đáp câu hỏi, vì sao bún Vạn Linh có sức hấp dẫn lớn đến vậy, chúng tôi đã truy xuất nguồn gốc và tìm về nơi sản xuất.

Cất bằng đại học, cao đẳng về nhà tạo thương hiệu bún sạch cho quê hương - Ảnh 1.

Nguyễn Đăng Tôn Cảnh (ngoài cùng bên phải) giới thiệu quy trình sấy khô bún tươi trong vòng 24h cho chị Phan Thị Hoàng Yến – Bí thư Huyện đoàn Triệu Phong. Theo anh Cảnh, quá trình sản xuất, kinh doanh, nhóm của anh đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của chính quyền, đoàn thể địa phương, trong đó có Đoàn thanh niên. Ảnh: Ngọc Vũ.

Bước qua cổng làng Linh Chiểu, chúng tôi men theo con đường bê tông đến khu làng nghề do UBND huyện Triệu Phong quy hoạch. Xưởng bún Vạn Linh nằm trong khu này, rộng khoảng 100m2, nền, tường ốp gạch men, máy móc bằng inox bóng loáng, sạch sẽ.

Nguyễn Đăng Tôn Cảnh – trưởng nhóm bún Vạn Linh tiếp chúng tôi với nụ cười tươi và dáng vẻ thư sinh vốn có. Cảnh cho biết, làng bún Linh Chiểu đã trải qua 4 đời người, tròn 100 năm. Bà cố nội của Cảnh là một trong những bậc khai sinh làng nghề này.
Nhờ làm bún, người dân trong làng có thu nhập ổn định, nông dân trồng lúa không lo đầu ra. Thế nhưng, làm bún truyền thống còn nhiều hạn chế, không bắt kịp nhu cầu khách hàng. Câu hỏi, làm thế nào để phát huy làng bún quê hương luôn là nỗi trăn trở của Cảnh cũng như Vinh và Ánh.

Năm 2015, sau khi bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, Cảnh nghỉ làm công ty xi măng ở Huế để về quê tạo thương hiệu bún sạch ở quê hương.

"Mình có máu kinh doanh. Hồi sinh viên mình đã cùng các bạn khác hùn vốn kinh doanh nhiều thứ lặt vặt, cốt yếu để lấy kinh nghiệm, sau này có cơ hội sẽ mở mang" – Cảnh chia sẻ.

Cất bằng đại học, cao đẳng về nhà tạo thương hiệu bún sạch cho quê hương - Ảnh 2.

Nhóm thanh niên gác lại tấm bằng đại học, cao đẳng về quê sản xuất bún với ước mong tạo nên thương hiệu bún sạch cho làng nghề nơi mình sinh ra, lớn lên. Ảnh: Đ.Đ.

Với quan điểm "một cây làm chẳng nên non/ba cây chụm lại thành hòn núi cao", Cảnh tìm đến Vinh và Ánh để bàn bạc việc "chấn hưng" làng bún. 3 người bạn nối khố cùng chí hướng nên thống nhất rất cao.

Nhiệt huyết, tinh thần lạc quan là nguồn năng lượng dồi dào của tuổi trẻ. Thế nhưng, thứ họ thiếu vô cùng lớn là kinh nghiệm và nguồn vốn khởi nghiệp.

100 triệu đồng là số tiền nhóm của Cảnh gom góp được để sửa lại nhà xưởng của gia đình, thuê máy làm bún, đóng bao bì, thuê nhân công…

Sau một thời gian khởi nghiệp, nhóm tích luỹ được vốn nên đầu tư mua máy móc, chuẩn hoá quy trình sản xuất bún sạch, đặt an toàn thực phẩm lên hàng đầu.

"Ở quê có nhiều hộ sản xuất bún nên chúng mình phải làm ra sản phẩm có nét riêng mới có thể cạnh tranh" – Cảnh nói.

Cất bằng đại học, cao đẳng về nhà tạo thương hiệu bún sạch cho quê hương - Ảnh 3.

Bún sạch Vạn Linh nhận được nhiều chứng nhận, giải thưởng lớn của tỉnh Quảng Trị là nhờ vào uy tín, chất lượng sản phẩm. Ảnh: V.L

Nét riêng được Cảnh phân tích rằng, bún truyền thống, sau khi làm xong sẽ cho vào rổ, rá, thúng để bán, không có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc... Còn nhóm của Cảnh sẽ đóng gói bún thành từng phần nhỏ, có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, thương hiệu bún Vạn Linh. Đặc biệt, bún Vạn Linh thâm nhập thị trường siêu thị, cửa hàng để tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

Sau thời gian dài miệt mài quảng bá, đến nay bún sạch Vạn Linh đã có mặt trong các siêu thị khu vực miền Trung, từ Nghệ An đến Quảng Nam. Mỗi ngày có khoảng 1 tấn bún tươi Vạn Linh được xuất bán ra thị trường. Đặc biệt, bún sạch Vạn Linh đã được chứng nhận OCOP 3 sao càng giúp khách hàng yên tâm, tin dùng.

Bún tươi sấy khô Nhất Linh

Từ thành công của bún tươi Vạn Linh, đầu năm 2022 nhóm của Cảnh bắt đầu nghiên cứu làm bún tươi sấy khô.

Cảnh cho hay, bún tươi có những hạn chế nhất định như phạm vi tiếp cận khách hàng hẹp, khó vận chuyển đi xa, thời gian bảo quản ngắn… Muốn khắc phục nhược điểm đó cần phải đổi mới, sáng tạo. Cách tốt nhất là sấy khô bún tươi để tăng thời gian bảo quản, dễ dàng vận chuyển.

Cất bằng đại học, cao đẳng về nhà tạo thương hiệu bún sạch cho quê hương - Ảnh 4.

Bún sạch Vạn Linh được đăng bán trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội... Ảnh: N.V

"Ngày xưa mỗi lần bán ế, cha mẹ mình lại đem bún tươi về phơi nắng cho thật khô, rồi ăn dần. Mình thấy sợi bún sau khi phơi cũng có nét đặc trưng, giữ được lâu. Từ đó, mình nghĩ đến việc sấy khô bún tươi và được nhóm tán thành" – Cảnh tâm sự.

Trước tiên, nhóm phải nghiên cứu quy trình làm bún tươi phù hợp để chuyển tiếp đến công đoạn sấy liên tục trong 24h, tạo ra sản phẩm chất lượng. Sau hàng chục mẻ bún bị loại bỏ vì thất bại, cuối năm 2022 nhóm của Cảnh đã tự tin tung ra thị trường bún tươi sấy khô mang thương hiệu Nhất Linh. Sản phẩm này sản xuất theo tiêu chuẩn Haccp, mỗi hộp 200gr, dễ dàng sử dụng, bảo quản 12 tháng.

Bước đầu, mỗi tháng có khoảng 5.000 hộp bún tươi sấy khô Nhất Linh được đưa vào chuỗi các siêu thị khu vực miền Trung, đến tay khách hàng. Cảnh cho biết, đã có đơn vị đặt vấn đề hợp đồng cung cấp sản phẩm nhưng nguồn lực của nhóm chưa đủ đáp ứng nên chưa dám ký.

Cất bằng đại học, cao đẳng về nhà tạo thương hiệu bún sạch cho quê hương - Ảnh 5.

Nguyễn Đăng Tôn Cảnh giới thiệu bún tươi sấy khô và góc trưng bày của mình. Ảnh: Ngọc Vũ.

Dù thời điểm này, xưởng sản xuất bún của nhóm Cảnh đã đầu tư tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng gồm nhiều loại máy móc hiện đại. Nhưng tới đây, nhóm phải tiếp tục nghiên cứu để tối ưu sản phẩm, "gia cố" thêm tiềm lực kinh tế, hạ tầng sản xuất mới dám tính chuyện vươn xa hơn bằng những hợp đồng lớn.

Cảnh cho biết, mỗi năm nhóm có doanh thu 5 tỷ đồng, sau khi trừ các loại chi phí có lãi 500 triệu đồng. Không những vậy, cơ sở của nhóm bạn trẻ này còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương 5 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ.

"Chúng mình mong muốn trong tươi lai sẽ tạo được khu trải nghiệm làng bún cho du khách, trong đó có học sinh tham quan, để hiểu hơn giá trị của hạt gạo quê hương, góp phần vào phát triển du lịch cộng đồng" – Cảnh chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem