Người Raglai trong Vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Bài 2): Chiến khu 19-một niềm tự hào

Đức Cường Thứ ba, ngày 18/07/2023 06:00 AM (GMT+7)
Hành trình khám phá Vườn Quốc gia Núi Chúa, (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) tìm hiểu cuộc sống của người Raglai ở thôn Cầu Gãy và Đá Hang, chúng tôi biết được nơi đây từng là chiến khu quan trọng của quân và dân Ninh Thuận trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng chiến khu xưa nay đang thay đổi từng ngày.
Bình luận 0
Người Raglai trong Vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Bài 2): Chiến khu 19-một niềm tự hào - Ảnh 1.

Người Raglai, rừng Núi Chúa tiếp che chở, nuôi sống bộ đội

Theo lời các vị lớn tuổi ở huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận), những năm trước 1975, lúc bấy giờ, mặc dù địch tìm đủ mọi cách để đàn áp, chia rẽ quân và dân nhưng đồng bào dân tộc Raglai xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải vẫn một lòng theo Đảng đến ngày thống nhất đất nước.

Cuộc sống người Raglai trong vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Kỳ 2):Quyết một lòng Đảng chống giặc ngoại xâm - Ảnh 1.

Rừng Núi Chúa, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) từng là chiến khu 19 của cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ảnh: Đức Cường

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết những cánh rừng Núi Chúa từng là chiến khu 19 (CK 19) của cách mạng Việt Nam trong thời kháng chiến.

Ông Cao Văn Đen, Bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn Cầu Gãy cho biết, xưa kia địa bàn Núi Chúa là nơi người Raglai sinh sống và cũng là địa bàn nóng bỏng giữa quân ta với địch. Thời điểm đó, các bậc cha anh người Raglai sớm giác ngộ cách mạng, một lòng theo Đảng đánh giặc và đó là một niềm tự hào của bà con ở đây.

Đứng chỉ tay về núi Đá Đỏ cao chừng 500 mét so với mực nước biển, ông Cao Văn Đen cho biết, nơi đó từng là nơi sinh sống của đồng bào Raglai trong thời kháng chiến. Nơi đây có không khí trong lành và mát mẻ quanh năm. Đứng trên núi Đá Đỏ có thể quan sát từng đường đi, nước bước của quân địch.

"Nhờ thông thạo núi rừng mà các thế hệ cha ông người Raglai đã kịp thời thông tin, cảnh giới để bộ đội ta đánh giặc cho đến ngày đại thắng…", ông Đen kể.

Cuộc sống người Raglai trong vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Kỳ 2):Quyết một lòng Đảng chống giặc ngoại xâm - Ảnh 3.

Ông Cao Văn Đen, Bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) trò chuyện cùng phóng viên. Ảnh: Đức Cường

Theo chân anh Mâu Văn Trùng, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Đá Hang, chúng tôi có dịp gặp nhân chứng sống trải qua kháng chiến chống Mỹ trên rừng Núi Chúa đó là cụ bà Cao Thị Hè 78 tuổi, người Raglai ở thôn Đá Hang.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cụ Hè là một trong số ít phụ nữ Raglai thường xuyên tiếp tế lương thực cho bộ đội ta trên Núi Chúa.

Cụ Hè cho biết, ngày xưa hiếm có lúa gạo để ăn như bây giờ. Lương thực đem lên núi cho bộ đội chủ yếu là bắp, khoai và đậu. Muốn có gạo thì bà phải đi bộ đường núi qua tận vùng Ba Tháp cách đó hơn 20 km(huyện Thuận Bắc) gùi lúa về rồi giả thành gạo rồi mới đem lên núi cho bộ đội.

Cuộc sống người Raglai trong vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Kỳ 2):Quyết một lòng Đảng chống giặc ngoại xâm - Ảnh 4.

Anh Mâu Văn Trùng và cụ Cao Thị Hè ở thôn Đá Hang. Ảnh: Đức Cường

"Có lần trên đường tiếp tế cho bộ đội, tôi bị một toán quân địch rượt bắn rất dữ dội. Lúc đó, dù phải gùi bắp đậu trên lưng nhưng tôi vẫn gắng sức chạy. Tôi quyết cố gắng thoát khỏi sự nguy hiểm để mang lương thực cho bộ đội ta ăn no, có sức đánh giặc. Lúc trở lại xuống núi, tôi vác theo 2 khẩu súng bị hư để bàn giao cho cán bộ miền xuôi sửa chữa…", cụ Hè tự hào kể.

Theo cụ Hè, dù địch đã thực hiện chính sách "dồn dân lập ấp", "tát nước bắt cá" nhằm cắt đứt mối liên hệ giữa đồng bào với cách mạng. Tuy nhiên, sự đàn áp của địch không thể làm lung lay ý chí của người Raglai một lòng theo cách mạng.

CLIP: Cụ Cao Thị Hè, thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) kể về quá khứ theo cách mạng chống giặc. T/h: Đức Cường\

Làm con nuôi của bộ đội biên phòng

Ngồi trò chuyện hồi lâu, cụ Hè gọi đứa cháu nội tên Cao Văn Hiếu ra khoe với chúng tôi. Cụ Hè cho biết, Hiếu là cháu nội của cụ và hiện là con nuôi của cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Vĩnh Hải đóng trên địa bàn. Ngoài Hiếu ra, còn có cháu Tỉnh (em họ của Hiếu) cũng là con nuôi của các chiến sĩ Biên phòng Vĩnh Hải.

Cuộc sống người Raglai trong vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Kỳ 2):Quyết một lòng Đảng chống giặc ngoại xâm - Ảnh 6.

Cụ Hè cùng cháu nội Cao Văn Hiếu là con nuôi của đồn biên phòng Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) Ảnh: Đức Cường

Kể về hoàn cảnh éo le của 2 đứa cháu nội Hiếu và Tỉnh, cụ Hè cho biết, mẹ của 2 cháu đều là con gái của cụ (theo chế độ mẫu hệ nên gọi bằng bà nội).  Khi Hiếu và Tỉnh mới chập chững biết đi thì mẹ của các cháu cũng lâm bệnh rồi lần lượt ra đi. Bố các cháu không chịu khổ được nên cũng bỏ đi từ đó đến nay.

"Có 8 người con nhưng cũng mất gần hết do ốm đau, bệnh tật nên chỉ còn lại 4 người và mấy người cháu…", cụ Hè buồn giọng

Năm 2019, biết được hoàn cảnh của anh em họ Cao Văn Hiếu và Cao Văn Tỉnh,  Đồn Biên phòng Vĩnh Hải đã trực tiếp đến gia đình vận động, nhận nuôi hai cháu ăn học tại Đồn.

"Mấy hôm nay đang trong kỳ nghỉ hè nên được về thăm gia đình, hàng ngày Hiếu đi vớt rong biển để phơi khô bán kiếm tiền phụ nội…", cụ Hè chia sẻ.

Cũng theo cụ Hè, từ khi được Đồn Biên phòng Vĩnh Hải nhận nuôi, Hiếu và Tỉnh nhận được tình yêu thương, sự chỉ bảo tận tình, kèm cặp mỗi ngày của các chú bộ đội. Nhờ đó Hiếu giờ đã tự tin hơn, luôn có ý thức vươn lên trong học tập. Từ học sinh yếu kém, nay em đã vươn lên học sinh tiên tiến, chăm ngoan hơn…

Cuộc sống người Raglai trong vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Kỳ 2):Quyết một lòng Đảng chống giặc ngoại xâm - Ảnh 8.

Hai anh em họ người Raglai Hiếu và Tỉnh là con nuôi cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Đức Cường

Em Cao Văn Hiếu cho biết, rất vui, tự hào khi được làm con nuôi của các chú bộ đội biên phòng, tại đây 2 anh em cháu được quan tâm, yêu thương như chính gia đình mình.

"Hết kỳ nghỉ hè năm nay, cháu sẽ lên lớp 9, cháu hứa sẽ cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này được làm cán bộ phục vụ người dân thôn mình…", Cao Văn Hiếu tâm sự.

Nằm dưới chân núi Chúa thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) là nơi in đậm dấu tích lịch sử của một thời hào hùng chống xâm lược.

Căn cứ này lấy tên là CK19 vì được thành lập vào ngày 19/8/1946, tồn tại trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đến chống Mỹ, cho tới ngày đất nước thống nhất.

Chiến khu 19 là một trong những nơi đóng quân của Bộ chỉ huy quân sự của huyện và tỉnh, để tham gia chỉ đạo, thực hiện tác chiến trong chiến tranh. Hiện nay, tại Chiến khu 19 vẫn còn những di tích để lại như hầm hào, bếp Hoàng Cầm.

Bờ biển huyện Ninh Hải là nơi tập kết vũ khí và quân trang từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Đại đội trưởng phụ trách Chiến khu 19 đầu tiên là ông Thái Chu Lương.

Sau khi hy sinh, đại đội được vinh dự mang tên ông, tức đại đội Thái Chu Lương. Chính quyền và nhân dân địa phương mong muốn được các cơ quan chức năng khôi phục, tôn tạo khu di tích này để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.

Mời độc giả Báo điện tử Dân Việt đón đọc bài: Người Raglai trong Vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Bài 3): Vườn cây và "biệt phủ" giữa rừng già.

Người Raglai trong Vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Bài 2): Chiến khu 19-một niềm tự hào - Ảnh 9.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem