Vị Trạng nguyên đầu tiên của vùng đất Hải Phòng, thi đỗ năm 44 tuổi, ông là ai mà người dân thờ phụng?

Thu Thủy Thứ hai, ngày 17/07/2023 05:50 AM (GMT+7)
Dưới triều Lê Thánh Tông, ở làng Ráng, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là thôn Thanh Lãng, xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng), có một người nối nghiệp Nho gia, am hiểu kinh Phật,chiêm tinh, lí số, đỗ Đệ nhất giáp, mang tên Lê Ích Mộc.
Bình luận 0

Lê Ích Mộc sinh ngày 02 tháng 2 năm 1458, lúc còn nhỏ ông vốn là một cậu bé thông minh, ham học và ngoan ngoãn, được bà con làng xóm yêu quý. 

Đổ cát lên mâm san bằng dùng viết chữ

Hàng ngày, sau những buổi phụ giúp cha mẹ, cậu thường tới chùa Ráng (chùa Thanh Lãng – Diên Phúc tự) nghe các nhà sư giảng kinh và mượn sách về tự học. Cảm động trước tấm lòng say mê, hiếu học của Ích Mộc, các nhà sư đã nhận ông làm đệ tử để kèm cặp thêm kinh sử.

Clip: Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc đượ nhân dân thờ phụng tại thôn Thanh Lãng, xã Quảng Thanh (huyện Thủy Nguyên, TP. hải Phòng). Video: Thu Thủy

Tương truyền, Lê Ích Mộc thường lấy cát đổ lên mâm xoa phẳng, dùng ngón tay viết chữ lên để đọc, ghi nhớ rồi xóa đi. 

Đó là cách học "nhập tâm", giúp ông nhớ lâu, hiểu kỹ. Với học vấn uyên bác, các vị cao tăng chùa Láng đã dốc lòng dạy dỗ Lê Ích Mộc, trong khoảng 5 năm ông đã thông hiểu cả Tứ thư, Ngũ kinh lẫn giáo lý nhà Phật. 

Sách "Đại Việt đỉnh nguyên Phật lục" ca ngợi tài học của Lê Ích Mộc như sau: "Tam đông túc học chí Kim Cương" – nghĩa là 3 năm tu học, ông đã thấu triệt tinh thần và giáo lý của Kinh Kim Cương.

Vị Trạng nguyên đầu tiên của vùng đất Hải Phòng, thi đỗ năm 44 tuổi, ông là ai mà người dân thờ phụng?  - Ảnh 2.

Hình ảnh khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc sau nhiều năm được trùng tu xây dựng lại. Ảnh:Thu Thủy

Năm 1502, đời Lê Hiến Tông, triều đình mở hội thi kén người tài, tự tay vua Hiến Tông ra đề thi về đạo trị nước của bậc đế vương. Lê Ích Mộc trình bày một cách mạch lạc, trôi chảy trên 25 trang giấy về niềm khát vọng chấn hưng Phật giáo, hiến nhiều kế sách về đạo trị nước của các bậc đế vương qua thực tế các triều đại. Văn ông ý tứ dồi dào, đầy ký ức, không bỏ sót ý nào.

Khi duyệt bài của ông, Hiến Tông – một vị vua có phong cách thi nhân thành tao của thời Lê vô cùng sửng sốt mà thốt lên rằng: "Bài văn của Lê Ích Mộc hơn hẳn mấy tầm so với bạn đồng khoa, trẫm rất hài lòng duyệt cho người ấy xứng bậc khôi nguyên". 

Khoa thi năm ấy sĩ tử đi ứng thi có mấy mươi ngàn người, triều đình chọn lấy đỗ 61 người có bài thi xuất sắc nhất, trong đó Lê Ích Mộc đỗ Đệ nhất giáp "Tiến sĩ cập đệ nhất danh" (tức Trạng nguyên). Sau gần 30 năm đèn sách, Lê Ích Mộc đã đỗ Trạng nguyên năm ông 44 tuổi.

Vị Trạng nguyên đầu tiên của vùng đất Hải Phòng, thi đỗ năm 44 tuổi, ông là ai mà người dân thờ phụng?  - Ảnh 3.

Hình ảnh khu cổng vào khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc. Ảnh: Thu Thủy

Từ khoa thi này, triều đình có lệ treo Bảng Vàng ghi tên người đỗ ở cửa nhà Thái học càng thêm phần vinh hiển, ông là Trạng nguyên của "Tam giáo", tinh thông Nho lão, am tường kinh Phật và là người tiếp tục phát triển tư tưởng "Tam giáo đồng nguyên", "cư trần lạc đạo" của Thiền phái Trúc Lâm.

Nhà Mạc thay nhà Lê, trạng nguyên làm chức Tả thị lang

Sau khi đỗ Trạng nguyên, Lê Ích Mộc bước vào cuộc đời làm quan trong giai đoạn thịnh trị của triều Lê sơ không còn nữa. Năm 1527, nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, Mạc Đăng Dung xưng vương. Mến mộ tài đức của Trạng nguyên Lê Ích Mộc, nhà Mạc đã trọng dụng ông cho giữ chức Tả thị lang.

Vị Trạng nguyên đầu tiên của vùng đất Hải Phòng, thi đỗ năm 44 tuổi, ông là ai mà người dân thờ phụng?  - Ảnh 4.

Ban thờ Trạng nguyên Lê Ích Mộc trong khu tưởng niệm. Ảnh: Thu Thủy

Trước sự tin tưởng của vua Mạc Đăng Dung, ông cống hiến bỏ tài trí, hiểu biết của mình giúp triều đại mới, với mong muốn thực hiện ý nguyện giúp quốc thái dân an. Song chỉ được một thời gian ngắn, giữa bối cảnh lịch sử mâu thuẫn trong triều Mạc trở nên gay gắt, ông "treo ấn từ quan" về trí sĩ tại quê nhà.

Sau khi về trí sĩ tại quê nhà, Lê Ích Mộc đã đem kiến thức mình có được truyền dạy cho người đời. Đối với học trò, từ những người cao tuổi nhiều năm đèn sách, cho đến lớp thiếu niên còn non trẻ, ông luôn hết lòng dạy dỗ, uốn nắn từng nét chữ, sửa đổi từng câu văn, thường xuyên trao đổi với học trò ngay cả những người đã đỗ đạt.

Vị Trạng nguyên đầu tiên của vùng đất Hải Phòng, thi đỗ năm 44 tuổi, ông là ai mà người dân thờ phụng?  - Ảnh 5.

Hình ảnh tấm bia được khắc họa hình ảnh Trạng nguyên Lê Ích Mộc“áo gấm về làng” . Ảnh :Thu Thủy

Với kiến thức uyên sâu của mình, nhiều người vẫn thường lui tới trường để nghe người Trạng nguyên bình văn giảng sách.

Không chỉ luyện rèn học trò ông thường khuyên dạy dân làng lao động sản xuất, cách cư xử để xóm làng hòa thuận, ấm êm. 

Ngôi chùa Diên Phúc và từ chỉ Thanh Lãng nhờ có Lê Ích Mộc mà trở thành trung tâm đào tạo nhân tài và giáo hóa cả một vùng rộng lớn của huyện Thủy Đường thời bấy giờ.

Không ỷ lại là một nhà sư, một trí sĩ, ông còn tích cực cùng với dân làng Ráng khai phá vùng đầm lầy ven sông, trồng cây gây rừng. Lê Ích Mộc đã cùng với học trò của mình chiêu mộ dân lưu tán, khai khẩn vùng đất bãi hoang hóa ven sông, mở rộng làng xã lập nên vùng đất Quảng Cư (tức thôn Thanh Lãng ngày ngay).

Vị Trạng nguyên đầu tiên của vùng đất Hải Phòng, thi đỗ năm 44 tuổi, ông là ai mà người dân thờ phụng?  - Ảnh 6.

Hình ảnh mộ cụ Trạng nguyên Lê Ích Mộc nằm trên quả đồi đằng sau khu tưởng niệm ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.

Suốt cuộc đời gắn bó với quê hương, Trạng nguyên Lê Ích Mộc không chỉ mở mang phát triển chùa Ráng (Diên Phúc tự), nơi ông ăn học thành tài mà còn xây dựng thêm một số canh phật khác như chùa Vang (tức Bắc Linh Tự), chùa Lốt (tức Đông Linh Tự)… Khi vị Trạng nguyên qua đời vào năm1538, mộ phần của ông ngự tại rừng lim quan Trạng thuộc xóm Sỏi, thôn Thanh Lãng.

Trải qua hàng trăm năm trường tồn, lăng mộ quan Trạng và khu lưu niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc đã trở thành một di sản văn hóa vượt khuôn khổ làng xã cấp quốc gia vào năm 1993.

Nhằm tôn vinh, bảo tồn các di tích gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Trạng nguyên Lê Ích Mộc, trong nhiều năm qua, huyện Thủy Nguyên luôn giữ gìn, tôn tạo di tích tưởng niệm Trạng nguyên (gồm nhà tưởng niệm, từ đường, lăng mộ, đền Quảng Cư, chùa Lốt, chùa Vang) thành quần thể kiến trúc vừa có ý nghĩa tâm linh vừa mang giá trị lịch sử nhân văn sâu sắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem