Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: Có một ngành đang trở thành "cuộc đua" mới giữa các quốc gia

Tào Nga Thứ bảy, ngày 04/05/2024 18:52 PM (GMT+7)
"Đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành 'cuộc đua' mới giữa các quốc gia, các nền kinh tế trong thế kỷ 21", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết.
Bình luận 0

Ngày 4/5, tại Trường Đại học Phenikaa diễn ra Hội thảo quốc tế "Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu". 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, Hội thảo quốc tế với quy mô lớn, lựa chọn chủ đề hết sức thời sự là "Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu" là dịp để Chính phủ, các Bộ, ngành lắng nghe ý kiến của các đơn vị đào tạo, các tổ chức/doanh nghiệp trong nước và quốc tế để xây dự chiến lược phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nói chung và nguồn nhân lực của ngành nói riêng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: Có một ngành đang trở thành "cuộc đua" mới giữa các quốc gia- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghệ vi mạch bán dẫn. Ảnh: TN

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, là bộ phận cốt lõi của ngành công nghiệp điện tử, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của các công nghệ, giải pháp công nghệ mới hiện nay. Từ các hệ thống dân dụng như hệ thống năng lượng, giao thông, điện toán hay các tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (BigData), viễn thông 5G, siêu máy tính, tự động hóa đến các hệ thống quốc phòng, an ninh… đều dựa vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn.

Thế giới đã chứng kiến thị trường chip bán dẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định trong suốt 20 năm qua được dự báo sẽ trở thành ngành công nghiệp với quy mô hàng nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn có tính toàn cầu hóa. Với các đặc thù là sự phức tạp của sản phẩm, đòi hỏi sự đầu tư lớn về sản xuất và yêu cầu cao về trình độ lao động, kích thước, hiệu năng xử lý quyết định năng lực cạnh tranh của sản phẩm và ưu thế của các nhà sản xuất.

Xét theo chuỗi giá trị của sản xuất vi mạch (không kể đến khâu bán hàng, phân phối) có thể chia thành 6 công đoạn: (1) Chế tạo vật liệu; (2) Chế tạo thiết bị sản xuất chíp bán dẫn; (3) Công cụ thiết kế, (4) Thiết kế (gồm thiết kế hệ thống và gia công thiết kế), (5) Sản xuất (manufacture), (6) lắp ráp và đóng gói, kiểm thửThiết kế mô dun (gia công thiết kế), (3) sản xuất, (4) lắp ráp, (5) kiểm thử và đóng gói (assembly and packaging), kiểm thử. Trong chuỗi giá trị này, chưa có quốc gia hoặc lãnh thổ nào đạt được quyền tự chủ chiến lược hoàn toàn mà có sự phụ thuộc, phân công lẫn nhau.

Do đó, đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành "cuộc đua" mới giữa các quốc gia, các nền kinh tế trong thế kỷ 21".

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: Có một ngành đang trở thành "cuộc đua" mới giữa các quốc gia- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng Lãnh đạo các Bộ/Ban ngành, Đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, các doanh nghiệp lớn thuộc lĩnh vực công nghệ, công nghiệp bán dẫn, cùng các chuyên gia, kỹ sư hàng đầu trong ngành vi mạch đến từ các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế. Ảnh: TN

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết thêm, Việt Nam có lợi thế về địa kinh tế; môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, với các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn; nguồn nhân lực trẻ, có trình độ cơ bản và khả năng tiếp cận công nghệ mới; nguồn nguyên-vật liệu thuận lợi… Một điểm mạnh, làm nên sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư hàng đầu, là vị thế và uy tín quốc tế ngày càng quan trọng trong khu vực và quốc tế.

Việt Nam hiện có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, hai bên đặc biệt nhấn mạnh hợp tác đột phá là đổi mới sáng tao và công nghệ cao; Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hoa Kỳ về phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn trong khuôn khổ chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Joe Biden tháng 9/2023.

Gần đây, các tập đoàn sản xuất vi mạch bán dẫn hàng đầu (NVIDIA, Intel, Samsung…) đã có nhiều chuyến thăm, làm việc, khẳng định sự quan tâm, đẩy mạnh nghiên cứu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, phát triển, hướng tới xây dựng các trọng điểm sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.

Như vậy, có thể nói, Việt Nam nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn và hiện đang đứng trước thời cơ to lớn để trở thành một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phenikaa Hồ Xuân Năng cho hay: Hội thảo tập trung trao đổi về thị trường nhân lực bán dẫn, chia sẻ về kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn của các công ty và trường đại học kinh nghiệm hàng đầu thế giới, việc chia sẻ các phương tiện và phòng lab dùng chung cho đào tạo và thiết kế chip bán dẫn, tính khả thi của việc đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn Việt Nam đến năm 2030. Trong đó, chú trọng nội dung về cách làm thế nào để có thể hình thành một tháp nhân lực bán dẫn Việt Nam từ nguồn nhân lực đầy tiềm năng của Việt Nam.

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Phenikaa với các trường đại học: Arizona State University-Hoa Kỳ, Chang Gung University Đài Loan (Trung Quốc), các công ty Synopsys, SiCADA, Công ty cổ phần Công nghệ VMO Holding. Liên minh đào tạo nhân lực và nghiên cứu bán dẫn VASA cũng chính thức ra mắt tại hội thảo. 

Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều cơ sở giáo dục đại học thông báo đã mở hoặc chuẩn bị mở ngành này như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Tại nhiều trường đại học hiện nay, nội dung về Thiết kế vi mạch, bán dẫn đã nằm trong các ngành gần như Điện – Điện tử, Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật máy tính, Vật lý kỹ thuật... Tuy nhiên, việc mở ngành mới, tách chương trình này thành một chuyên ngành riêng trong năm 2024 theo các trường nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường và đón đầu chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem