Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nhiều ý tưởng giúp học sinh tiếp cận sinh động

Tào Nga Thứ bảy, ngày 04/05/2024 16:07 PM (GMT+7)
Theo các nhóm tác giả nghiên cứu, chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại cho dân tộc Việt Nam nhiều giá trị trên các lĩnh vực, trong đó có giáo dục lịch sử nên được đưa vào dạy học trong chương trình phổ thông từ rất sớm.
Bình luận 0

"Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại. Từ một chiến thắng quân sự, Điện Biên Phủ đã trở thành một biểu tượng của lòng yêu nước, của chiến tranh nhân dân, là đề tài của nhiều nghiên cứu và nguồn cảm hứng của các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong suốt 70 năm qua. Điện Biên Phủ là một nội dung quan trọng trong chương trình lịch sử ở trường học phổ thông của Việt Nam. 

Nội dung về Điện Biên Phủ được thể hiện như thế nào thông qua các bộ sách giáo khoa trong trường phổ thông ở Việt Nam? Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình GDPT 2018) đã định hướng nội dung và phương pháp dạy học nội dung chiến thắng Điện Biên Phủ nhằm phát triển các năng lực và phẩm chất cho thế hệ trẻ ra sao, cần làm gì để giảng dạy tốt nội dung này?", TS. Nguyễn Văn Ninh, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và ThS. Khổng Thị Thu Trang, Trường THPT Chuyên Hạ Long, Quảng Ninh nêu vấn đề trong Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: "Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954: Tầm vóc thời đại và giá trị di sản", do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp cùng Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup và sự hỗ trợ tài chính của Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam tổ chức.

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nhiều ý tưởng giúp học sinh tiếp cận sinh động- Ảnh 1.

Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: "Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954: Tầm vóc thời đại và giá trị di sản". Ảnh: Tào Nga

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Đa dạng cách tiếp cận cho học sinh

Trong chương trình phổ thông 2006, Chiến thắng Điện Biên Phủ bao gồm 4 bài, 1 tiết lớp 12 về Lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945-1954. Còn trong chương trình mới nằm trong sách giáo khoa lớp 12 với 2 bài, 4 tiết. Nhiều nhóm tác giả đã có những đề xuất giúp học sinh tiếp cận sự kiện lịch sử này sinh động hơn như "Đi để hiểu", ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường...

Theo PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hưởng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và ThS. Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ, Trường Đại học Cần Thơ: "Thực hành lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử năm 2018 đã trở thành nội dung bắt buộc và được chú trọng cần phải tổ chức, đòi hỏi giáo viên cần linh hoạt trong việc xây dựng và tổ chức các bài thực hành khi dạy, ngay cả đối với chương trình lịch sử lớp 12 chưa áp dụng theo sách giáo khoa mới. 

Lịch sử lớp 12 giai đoạn 1945 – 1954 học về "Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược", giáo viên nên tổ chức cho học sinh thực hành tìm hiểu về chiến thắng Điện Biên Phủ bởi sự kiện này không chỉ có tác động đến cuộc kháng chiến của quân dân Việt Nam mà nó còn mang tầm ảnh hưởng quốc tế".

Nói về thiết kế và sử dụng bộ công cụ đánh giá trong dạy học "Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 – 1954" trong chương trình giáo dục phổ thông 2022, TS. Nguyễn Thị Bích, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Vũ Thu Thảo, Phạm Thị Thu Uyên, Học viên Cao học K32 – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá: "Trong dạy học phát triển năng lực, bộ công cụ đánh giá đóng vai trò quan trọng nhằm kiểm chứng mục tiêu, điều chỉnh hoạt động dạy và học và là nền tảng quan trọng để giáo viên đánh giá chất lượng dạy học. Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử năm 2018 đã triển khai đến lớp 11 (năm học 2023 – 2024), tuy nhiên giáo viên vẫn còn lúng túng với việc đánh giá năng lực, đặc biệt là thiết kế bộ công cụ đánh giá".

Vì vậy, nhóm tác giả đề xuất quy trình thiết kế và sử dụng bộ công cụ đánh giá (vận dụng trong dạy học "Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 – 1954"), từ đó định hướng cho giáo viên có thể thiết kế và sử dụng bộ công cụ đánh giá để dạy học hiệu quả các chủ đề lịch sử ở trường THPT.

Nhóm tác giả PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (phối hợp, hỗ trợ thực nghiệm sư phạm) đã có bài tham luận về ứng dụng thực tế ảo (AR) về di tích quốc gia đặc biệt "Chiến trường Điện Biên Phủ trong dạy học chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 ở Trường THPT. 

Nhóm tác giả cho biết: "Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một trong những thắng lợi vĩ đại của quân dân Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc (1945 – 1975), góp phần vào bảo vệ và phát huy thành quả của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Chiến thắng này đã để lại cho dân tộc Việt Nam nhiều giá trị trên các lĩnh vực, trong đó có giáo dục lịch sử nên được đưa vào dạy học trong chương trình phổ thông từ rất sớm. 

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học về chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ góp phần quan trọng vào bồi dưỡng kiến thức, giáo dục và rèn luyện các kỹ năng học tập cho học sinh. Trên cơ sở khẳng định ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, sự cần thiết của việc ứng dụng thực tế ảo tăng cường (AR) trong dạy học lịch sử; chúng tôi sẽ đề xuất việc dạy học lịch sử về chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 thông qua Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ có sự hỗ trợ của ứng dụng thực tế ảo tăng cường (AR)".

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nhiều ý tưởng giúp học sinh tiếp cận sinh động- Ảnh 2.

Hội thảo là một sự kiện khoa học quan trọng của giới nghiên cứu và giảng dạy lịch sử nước nhà. Ảnh: Tào Nga

Hơn 90 bài viết về Chiến thắng Điện Biên Phủ

PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 – 2024), Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: "Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954: Tầm vóc thời đại và giá trị di sản" là diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên lịch sử cả nước đánh giá ý nghĩa và tầm vóc thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ, tái định vị sự kiện quan trọng này trong một diễn trình lớn hơn của lịch sử dân tộc, khu vực và toàn cầu; đồng thời nghiên cứu phát huy các giá trị di sản của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội hiện nay.

Vì vậy, hội thảo không chỉ có ý nghĩa lớn trong bối cảnh cả nước hướng tới kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ mà còn là một sự kiện khoa học quan trọng của giới nghiên cứu và giảng dạy lịch sử nước nhà.

Với tinh thần, trách nhiệm và sự quan tâm sâu sắc dành cho sự nghiệp nghiên cứu và giáo dục lịch sử, Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức hội thảo vui mừng khi nhận được sự quan tâm, tham gia viết bài của nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên lịch sử đến từ các cơ quan, đơn vị trong cả nước với tổng số 92 bài viết chất lượng ở 6 chủ đề được tuyển chọn đăng kỷ yếu".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem