Thứ sáu, 17/05/2024

Món ngon nhiều người muốn đi ăn đầu tiên sau khi hết giãn cách

05/09/2021 1:00 PM (GMT+7)

Nhiều người chia sẻ, việc đầu tiên khi hết giãn cách, đó là đi ăn phở. Nam hay Bắc cũng được, miễn là một tô phở nóng đủ vị hợp gu. Và chắc chắn, không ít người sẽ quất hẳn 2 - 3 tô một lúc.

Phở, quốc hồn quốc túy, đỉnh cao ẩm thực dân tộc, tinh hoa bếp núc Việt Nam, xa gần đều biết, bạn bè quốc tế ưa chuộng... Chắc khó mà liệt kê được hết đầy đủ các mỹ từ của bao thế hệ dành cho món ăn này.

Vì sao hết giãn cách, nhiều người chỉ mong ăn một lúc 2-3 tô phở Sài Gòn? - Ảnh 1.

Món phở Việt được hai idol của nhóm nhạc đình đám Blackpink (Hàn Quốc) lựa chọn trong một nhà hàng Việt tại Seoul. Ảnh: MXH.

Ca ngợi về phở thì các cụ như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Thạch Lam, Tô Hoài... đã viết nhiều lắm rồi, và viết về phở, có lẽ khó còn ai viết hay hơn.

Xét về phong cách nấu phở, tạm chia làm 2 trường phái là phở Bắc và phở Nam. Trong phở Bắc lại chia thành 2 thể loại là phở Nam Định và phở Hà Nội.

Vì sao hết giãn cách, nhiều người chỉ mong ăn một lúc 2-3 tô phở Sài Gòn? - Ảnh 2.

Phở Hà Nội nổi tiếng được nhiều nhà văn nhắc đến. Ảnh: T.L


Phở Nam Định nước dùng còn hơi nồng vị xương bò, gia vị cũng khá gắt, nước không trong, phù hợp với những người thích cho thêm gia vị như hạt tiêu, nước mắm, tỏi ngâm... 

Phở Hà Nội, nước trong, hương thơm thoang thoảng, ngoài việc nặn thêm ít chanh, gần như không thể cho thêm gia vị nào cả. Và "kinh đô của phở", "xứ xở của phở", phải nói là ở Hà Nội.

Đây là món ngon nhiều người muốn đi ăn đầu tiên sau khi hết giãn cách - Ảnh 3.

Phở Hà Nội xưa. Ảnh: Internet.

Nhưng, vùng đất phương Nam với Sài Gòn vẫn luôn là vùng đất hào phóng, có thể hấp thu và nâng tầm nhiều đặc sản của vùng miền địa phương và của cả các quốc gia khác trên thế giới, món phở cũng vậy.

Trở lại món phở, sau khi hình thành tại miền Bắc, một số người đã mang món ngon này vào Sài Gòn vào độ những năm 1940. 

Một trong những hàng phở vẫn còn hoạt động từ thời kỳ này đó chính là tiệm phở Cao Vân (đường Mạc Đĩnh Chi), ông cụ bán phở học nghề từ người anh, vào Sài Gòn từ lúc 16 - 17 tuổi, giữ được tiệm phở cho đến ngày nay.

Vì sao hết giãn cách, nhiều người chỉ mong ăn một lúc 2-3 tô phở Sài Gòn? - Ảnh 4.

Một tiệm phở ở Sài Gòn. Ảnh: Internet.

Khi món phở "hành phương Nam", người Sài Gòn lúc đó ăn tiệm là ăn trong những tiệm của người Hoa, thấy món ăn này khá tương đồng với món hủ tiếu mỳ, nên họ ăn đúng như cách ăn hủ tiếu mỳ của người Hoa, cho rau giá, tương đen, tương đỏ... vào.

Do cho nhiều nguyên liệu khá "trật chìa" so với bài bản nguyên thủy của món phở ở miền Bắc, nên cách nấu cũng phải biến tấu theo. Nước dùng ngọt hơn, nhiều quế hơn, bánh phở từ sợi mảnh thành sợi dày, thịt ăn kèm có thêm món bò viên sẵn có. Và nhanh chóng phát triển thành trường phái phở Nam, ổn định cho đến ngày nay và lan tỏa khắp các tỉnh Nam Bộ.

Một số tiệm nổi tiếng như phở Hòa (Pasteur), phở Lệ (Võ Văn Tần), phở Minh (Pasteur), phở cô Anh (Hồ Hảo Hớn). Mà hay một chỗ, người Nam nấu phở Nam ngon đã đành, mà người Bắc nấu phở Nam có khi còn ngon hơn người Nam! Nếu có cơ hội thì nên tìm hiểu phở cô Anh, cả nhà nấu phở, quê ở Hà Nội, nhưng hương vị phở là Nam rặt.

Dù không thể trở thành món ăn duy ngã độc tôn, đứng đầu xếp sòng như ở phía Bắc, phở ở phía Nam cũng có địa vị hết sức xứng đáng. 

Đi bất kỳ địa phương nào cũng có hàng phở, khó có thể chỉ ra được một cá nhân nào ở phía Nam chưa từng ăn phở, chắc chỉ trừ những người ăn chay trường từ nhỏ. Thậm chí ăn chay, vẫn có món phở chay.

Hiện tại ở Sài Gòn, phở - bánh mỳ - hủ tiếu - cơm tấm, có thể xem như tứ trụ của ẩm thực vùng đất mới, có Tây – có Tàu – có Nam – có Bắc, cho dù xuất xứ từ đâu, tất cả đều được biến tấu trở lại để đạt được khẩu vị cho quảng đại dân chúng Sài Gòn. 

Các món vừa nêu, có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi đâu, vào bất kỳ thời gian nào trong ngày, và có đủ cả các trường phái.

Vì sao hết giãn cách, nhiều người chỉ mong ăn một lúc 2-3 tô phở Sài Gòn? - Ảnh 6.

Phở Con Voi nổi tiếng một thời ở Sài thành. Ảnh: Internet.

Nếu phở Bắc ở miền Bắc tịnh tiến theo thời gian, thì phở Bắc ở miền Nam lại chia nhiều trường phái.

 Trước hết là phở Cao Vân như đã nêu, giữ hương vị phở Bắc hồi trước 1945. Sau dạo ban đầu, đến 1954, cư dân gốc miền Bắc chiếm một số lượng đáng kể, thành thử các hàng phở Sài Gòn cũng phải thích nghi theo sự thay đổi của thị trường.

Phở theo nguyên bản kiểu Bắc, nghiêm cẩn không rau, không giá, không tương đen, không sa tế... xuất hiện nhiều hơn, và có thị phần đáng kể. Một số hàng đến nay vẫn giữ nguyên hương vị từ 1954 như: Phở Dậu (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), hoặc phở Tàu Bay (Lý Thái Tổ).

Đến sau 1975, lại đón một lượng người di cư nữa, lại xuất hiện thêm những hàng phở theo hương vị ở thời điểm đó, đấy là phở Phú Gia (Lý Chính Thắng).

Hiện tại, hầu như lúc nào cũng thấy người Bắc vào Nam mở hàng phở. Vậy là ở Sài Gòn, phở Bắc cũng có phở Bắc 45, Bắc 54, Bắc 75... thi nhau khoe hương đua sắc. Và một cách tình cờ, Sài Gòn cũng bảo lưu được những hương vị phở xa xưa nay không còn ở chính kinh đô phở Hà Nội.

Nghe nói, sinh thời, cựu Phó Tổng thống chế độ cũ Nguyễn Cao Kỳ là mối ruột của phở Dậu, thành thử hàng phở này còn có biệt danh là "phở Nguyễn Cao Kỳ". Tức là, với món phở, Hà Nội có thể có trăm tiệm như một – nghiêm cẩn đủ vị; còn Sài Gòn có thể có hẳn một tiệc buffet với đủ trường phái phở, nếu cần.

Vì sao hết giãn cách, nhiều người chỉ mong ăn một lúc 2-3 tô phở Sài Gòn? - Ảnh 7.

Phở Cao Vân nhiều khách ghé thăm. Ảnh: Tư liệu.

Còn xét mức độ phổ biến theo các phân khúc thị trường, thì phở có đủ cả, từ phở xe, phở tiệm, phở nhà hàng. Lúc cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton ăn phở 2000 khi thăm Việt Nam, lại thêm một mỹ danh mới là "phở Tổng thống".

Chỉ 80 năm bén rễ ở thành phố này, phở đã có nhiều phát triển và biến đổi với đủ phong cách khác nhau, phục vụ toàn bộ các thành phần trong nước và quốc tế. Cũng từ chính thành phố này, phở đã xuất ngoại ra thế giới để có được danh tiếng như ngày hôm nay.

Và nhiều người phải thừa nhận, việc đầu tiên khi hết giãn cách, đó là đi ăn phở. Nam hay Bắc cũng được, miễn là một tô phở nóng đủ vị hợp gu. Và chắc chắn, không ít người sẽ quất hẳn 2 - 3 tô một lúc.


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

“Đã thèm” với lễ hội Bánh mì tại TP.HCM

“Đã thèm” với lễ hội Bánh mì tại TP.HCM

Lễ hội Bánh mì đang diễn ra tại TP.HCM thu hút rất đông người dân và du khách. Lễ hội năm nay thay đổi địa điểm tổ chức, kỳ vọng mang lại nhiều trải nghiệm thú vị về ẩm thực cho khách tham quan.

Vì sao Việt Nam nên "hãm phanh" trong phân khúc khách sạn, resort hạng sang?

Vì sao Việt Nam nên "hãm phanh" trong phân khúc khách sạn, resort hạng sang?

Mỗi năm tại Việt Nam có đến gần 20 triệu phòng trống ở các khách sạn bốn và năm sao, theo công ty tư vấn bất động sản Knight Frank. Vì vậy, các chủ đầu tư cần đi chậm lại trong phân khúc này.

Lễ hội Bánh mì, nhớ đi bằng được!

Lễ hội Bánh mì, nhớ đi bằng được!

Chưa nước nào thống kê được, có bao nhiêu loại bánh mì, nói chi cả thế giới và số lượng không ngừng gia tăng. Điều chắc chắn, bánh mì phổ biến nhất, lâu đời nhất, được làm từ bột mì, trộn nước và nướng.

Cháo đậu cà, món ăn giải nhiệt hoài niệm của người Hà Nội

Cháo đậu cà, món ăn giải nhiệt hoài niệm của người Hà Nội

Hà Nội có rất nhiều món ăn ngon, làm xiêu lòng biết bao thực khách. Trong đó, món cháo đậu cà bình dân ít người biết tới nhưng luôn là thức quà đặc biệt với người Hà Nội.

Giới trẻ TP.HCM chi gần chục triệu cho thú chơi matcha

Giới trẻ TP.HCM chi gần chục triệu cho thú chơi matcha

Không chỉ sẵn sàng chi 200.000 đồng cho ly matcha cao cấp 100 ml, nhiều người trẻ đầu tư gần chục triệu đồng để sở hữu dụng cụ tự pha chế tại nhà.

Tin vui: Vietjet khai trương đường bay Hà Nội - Hiroshima

Tin vui: Vietjet khai trương đường bay Hà Nội - Hiroshima

Đón hè sôi động, hãng hàng không Vietjet tưng bừng khai trương đường bay thẳng Hà Nội - Hiroshima, đường bay thứ tám của Vietjet giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản và đường bay thẳng đầu tiên giữa Việt Nam và Hiroshima.