Doanh nghiệp Việt đang loay hoay khai thác cơ hội từ công nghệ AI mang lại?

Nguyễn Thịnh Thứ ba, ngày 09/01/2024 15:42 PM (GMT+7)
Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ AI (Trí tuệ nhân tạo), doanh nghiệp Việt đã và đang ở đâu trong “cuộc đua” này?
Bình luận 0

Năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Sau 2 năm triển khai, Việt Nam đạt được thành tựu đáng khích lệ. Năm 2022 Việt Nam đứng thứ 55 trên thế giới về chỉ số sẵn sàng về AI, tăng 7 bậc so với năm 2021, theo báo cáo của Oxford Insights.

Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp đạt những thành tựu đáng ghi nhận về nghiên cứu ứng dụng AI, như: FPT, Viettel AI, VNPT AI, VIN AI... Trong đó, VIN AI đã vào Top 20 công ty toàn cầu dẫn đầu về nghiên cứu AI do Thundermark Capital tổ chức bình chọn vào năm 2022, sánh ngang nhiều công ty tên tuổi đến từ các nước phát triển.

Doanh nghiệp Việt đang loay hoay khai thác cơ hội từ công nghệ AI mang lại?- Ảnh 1.

Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình.

Tuy nhiên tại Việt Nam, việc triển khai trí tuệ nhân tạo còn đối mặt với nhiều thách thức, như hạn chế về nguồn vốn và pháp lý, bảo mật thông tin, thiếu nhân lực chuyên môn, thiếu sự đầu tư một cách hệ thống về cơ sở hạ tầng công nghệ, thiếu sự phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và Chính phủ.

Giám đốc Kinh doanh VNPT AI Vũ Trọng Đạo đánh giá, dù có nhiều tiềm năng, AI vẫn chưa được ứng dụng triệt để tại Việt Nam. Ở Việt Nam chỉ có khoảng 16% doanh nghiệp ứng dụng AI so với con số 33% của châu Á và 36-37% của toàn cầu.

Trong khi đó, Giám đốc Digital & Technology Nguyễn Gia Vũ cho rằng, doanh nghiệp không nên cố gắng chạy theo phong trào AI mà cần dựa vào bài toán cụ thể, từ đó hãy tìm giải pháp mà AI hỗ trợ.

Thực tế, trong báo cáo của Goldman Sachs mới đây, Việt Nam bị xếp vào nhóm các quốc gia hưởng lợi ít nhất từ AI.

Dù có tiềm năng lớn nhưng Việt Nam chưa khai thác hết các cơ hội mà công nghệ AI mang lại. Về điều này, các nước phát triển như Anh, Mỹ, Nhật, Singapore hay nước đang phát triển như Hàn Quốc, Brazil đã ứng dụng tốt AI trong mô hình kinh doanh để tăng trưởng năng suất lao động hàng năm.

Việt Nam cùng các quốc gia khác như Ấn Độ, Kenya, Nigeria và Trung Quốc thuộc tốp 5 quốc gia ít bị ảnh hưởng bởi làn sóng của AI nhất, hay nói cách khác tốc độ tăng năng suất lao động thấp nhất dưới tác động của AI. Theo bảng số liệu của Goldman Sachs, Việt Nam đang được xếp ở nhóm gần cuối bảng, chỉ lớn hơn Ấn Độ và Kenya, so với cột trung bình là toàn cầu. Trong khi đó, đa số các nhóm nước phát triển như Hồng Kông, Israel, Nhật Bản, Thụy Điển,… lại ứng dụng rất tốt AI trong mô hình kinh doanh và năng suất tăng từ khoảng 1,2% đến 1,7%.

Ngành công nghiệp AI dự kiến sẽ tăng từ 95,06 tỉ USD lên 1,8 nghìn tỉ USD vào năm 2030, dự kiến sẽ là một trong những động lực chính của nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới. Nhưng các công ty vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng tận dụng cơ hội này.

Chỉ số sẵn sàng AI đầu tiên của Cisco cho thấy chỉ 27% tổ chức ở Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ để triển khai và tận dụng AI, trong đó 84% nghiêm túc thừa nhận quan ngại về tác động của AI đối với hoạt động kinh doanh nếu họ vẫn bị động trong 12 tháng tới.

Năm 2024 đến cùng với làn sóng cách mạng AI tiếp theo, các công ty Việt Nam sẽ khá chật vật giải quyết các vấn đề về AI trong tổ chức, không chỉ từ góc độ công nghệ mà còn cả về nhân sự khi có những nhân viên đã sẵn sàng nhưng cũng có những người chưa sẵn sàng sử dụng công nghệ đó.

Doanh nghiệp Việt đang loay hoay khai thác cơ hội từ công nghệ AI mang lại?- Ảnh 2.

Doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khi ứng dụng AI.

Nói về lĩnh vực AI với doanh nghiệp Việt, PGS-TS.Nguyễn Xuân Hoài - Viện trưởng Viện trí tuệ nhân tạo Việt Nam chia sẻ: "Phải nói thẳng rằng đây là cuộc cạnh tranh rất khốc liệt. Phát triển thị trường là điều quan trọng nhất, nó liên quan đến kĩ thuật, tiền đầu tư, mô hình kinh doanh rồi thu hồi vốn.

Với doanh nghiệp Việt, câu chuyện là họ lựa chọn mục tiêu gì. Nếu cạnh tranh toàn cầu, với các Big Tech thì rất khó. Cách thứ hai, doanh nghiệp Việt có thể lựa chọn "đứng trên vai người khổng lồ", tức là điều chỉnh theo các bài toán cụ thể. AI vẫn là thị trường mở, cơ hội là có. Thứ ba, chúng ta phải làm khác đi, tìm những ngõ ngách, ứng dụng theo chuyên ngành, thực tế và đáp ứng các tiêu chi của doanh nghiệp, đất nước như an toàn, bảo mật…".

Báo cáo của Goldman Sachs cũng chỉ ra, tính chuẩn hóa trong mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam chưa có (ISO), dẫn tới nguyên nhân không thể tạo ra được một điểm chạm trong việc ứng dụng AI vào các khâu cần thiết của công việc. Chỉ khi ISO chuẩn hóa cao, AI mới có thể phân tích và đánh giá các quy luật, từ đó thúc đẩy hiệu suất của từng đầu việc cụ thể trong từng vị trí việc làm trong công ty.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem