Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2023: Tăng cường hợp tác để tối đa hóa lợi thế và giảm thiểu rủi ro của AI

Bùi My Thứ ba, ngày 12/12/2023 17:30 PM (GMT+7)
Tại hội nghị bàn tròn về "Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo hẹp trong nền kinh tế số" thuộc Tuần Lễ số Quốc tế Việt Nam năm 2023, các đại diện từ nhiều quốc gia đã cùng chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình, giải pháp đột phá để phát triển AI "hẹp".
Bình luận 0

Ngày 12/12, tại TP.Hạ Long, Bộ TTTT chủ trì, phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh khai mạc Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2023, nhằm thực hiện chương trình hợp tác quốc tế, triển khai các sáng kiến của Việt Nam thúc đẩy hợp tác khu vực, phát triển quan hệ đối tác số.

Tuần Lễ số Quốc tế Việt Nam năm 2023: Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo hẹp trong nền kinh tế số - Ảnh 1.

Khai mạc Tuần lễ số Quốc tế Việt nam 2023. Ảnh: Bùi My

Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2023 diễn ra từ ngày 12 đến 15/12, bao gồm chuỗi các sự kiện: Hội nghị bàn tròn về trí tuệ nhân tạo; Hội nghị ASEAN về 5G; Hội thảo ASEAN về kinh nghiệm phát triển và khai thác nền tảng số cho chính phủ số; Hội thảo ASEAN về chuyển vùng di động; Hội thảo khu vực về hạ tầng CNTT an toàn và đa dạng. 

Lợi ích của trí tuệ nhân tạo

Phát biểu tại Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, bên cạnh việc chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng “cứng” với hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, trong những năm qua, Quảng Ninh đã “đi trước, đón đầu”, tập trung xây dựng hạ tầng “mềm“, hạ tầng số từng bước đồng bộ, hiện đại phục vụ chuyển đổi số. 

Tuần Lễ số Quốc tế Việt Nam năm 2023: Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo hẹp trong nền kinh tế số - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy phát biểu chào mừng hội nghị. Ảnh: BTC

Tỉnh Quảng Ninh đã xác định phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh; từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP của tỉnh. 

Chia sẻ tại hội nghị, ông Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sự phát triển của AI mang lại cả cơ hội và thách thức cho tất cả chúng ta. Các quyết định về cách sử dụng và điều chỉnh AI sẽ đóng vai trò quyết định trong việc định hình tương lai của chúng ta. Chính vì vậy, Việt Nam đã chọn chủ đề của Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam lần thứ 2 là ứng dụng trí tuệ nhân tạo hẹp (AI hẹp).

Tuần Lễ số Quốc tế Việt Nam năm 2023: Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo hẹp trong nền kinh tế số - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Bùi My

AI hẹp là AI chuyên biệt và tập trung, được thiết kế và đào tạo cho một nhiệm vụ cụ thể hoặc một nhóm nhiệm vụ hẹp. Chúng có hiệu quả cao trong phạm vi được xác định trước. AI hẹp hiện đã sẵn sàng để áp dụng rộng rãi.

Cuộc cách mạng AI mang đến cơ hội cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia thích ứng nhanh, sẵn sàng thay đổi và đón nhận sự thay đổi. Các nước đang phát triển nếu biết nắm bắt cơ hội và tận dụng hiệu quả lợi ích của AI sẽ có tiềm năng phát triển đột phá, bắt kịp các nước phát triển. Cuộc cách mạng AI là một hành trình dài, đòi hỏi chúng ta phải tăng cường hợp tác để tối đa hóa lợi thế và giảm thiểu rủi ro.

Mở đầu và cũng là điểm nhấn của Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2023, là hội nghị bàn tròn về "Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo hẹp trong nền kinh tế số". Với chủ đề chính là AI - chủ đề thu hút sự quan tâm lớn nhất hiện nay từ giới công nghệ đến các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới, hội nghị có sự tham dự của nhiều đại diện từ các cơ quan quản lý cấp quốc gia, đại sứ, chuyên gia đến từ 22 quốc gia trên thế giới; các tổ chức quốc tế lớn, các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu...

Tuần Lễ số Quốc tế Việt Nam năm 2023: Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo hẹp trong nền kinh tế số - Ảnh 4.

Quang cảnh hội nghị bàn tròn về “Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo hẹp trong nền kinh tế số”. Ảnh: Bùi My

Tại hội nghị bàn tròn này, các lãnh đạo, quan chức cấp cao từ một số nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình, giải pháp đột phá để phát triển AI "hẹp". 

Cụ thể, theo ông Nomura Eigo, Cục trưởng Cục Quan hệ Quốc tế, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho hay, AI hiện đang phát triển và lan rộng nhanh chóng. Trách nhiệm của chúng ta, với tư cách thành viên của cộng đồng quốc tế, là tối đa hóa lợi ích của công nghệ đồng thời giảm thiểu rủi ro vì lợi ích chung. Nhật Bản sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy Al an toàn, bảo mật và đáng tin cậy trên toàn thế giới.

Giảm thiểu rủi ro từ trí tuệ nhân tạo

Còn ông Masanori Kondo - Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Châu Á - Thái Bình Dương (APT) cho biết, trí tuệ nhân tạo mang đến nhiều lợi ích vô cùng lớn cho sự phát triển kinh tế, tạo ra những sự thay đổi trong quản lý, cung cấp các dịch vụ xã hội. Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo còn có tiềm năng ứng dụng trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, logistics, chăm sóc khách hàng...

Tuy nhiên, ông Masanori Kondo cũng thừa nhận những lo ngại về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo không đúng cách: Quyền riêng tư; không công bằng hoặc phân biệt đối xử; phụ thuộc vào công nghệ; rủi ro bảo mật...

Do đó, việc cùng nhau phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo hẹp một cách có trách nhiệm sẽ tạo ra một thế giới tươi sáng hơn, kết nối nhiều hơn và thích ứng hơn. 

Tuần Lễ số Quốc tế Việt Nam năm 2023: Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo hẹp trong nền kinh tế số - Ảnh 5.

Tại hội nghị, ông Nomura Eigo, Cục trưởng Cục Quan hệ Quốc tế, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản. Ảnh: BTC

Ông Brian D. McFeeters, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), những tiến bộ của AI mang đến những cơ hội đặc biệt để giải quyết nhiều thách thức cấp bách hiện nay. Tại Việt Nam, AI được ước tính sẽ tạo thêm 109 tỷ USD cho GDP của đất nước vào năm 2030.

Chúng tôi tin rằng hợp tác khu vực công-tư, chia sẻ kiến thức và tham vấn cộng đồng là rất quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro liên quan đến AI, đồng thời thúc đẩy các hệ sinh thái hỗ trợ để đổi mới phát triển. Chúng tôi mong muốn được thông qua hướng dẫn của ASEAN về quản trị và đạo đức AI cũng như các cơ hội trong tương lai để hợp tác với Bộ TTTT về vấn đề quan trọng này.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cũng có dịp giới thiệu và quảng bá các sản phẩm, giải pháp, ứng dụng AI nổi bật, tìm kiếm cơ hội kết nối, thiết lập quan hệ đối tác với các doanh nghiệp công nghệ quốc tế...

Tuần Lễ số Quốc tế Việt Nam năm 2023: Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo hẹp trong nền kinh tế số - Ảnh 6.

Đại diện Việt Nam tại hội nghị bàn tròn về "Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo hẹp trong nền kinh tế số". Ảnh: BTC

Ông Trần Mạnh Quân, Phó Giám đốc Khối nền tảng trợ lý ảo, Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Tập đoàn Viettelchia sẻ, nhìn từ sự thành công của Chat GPT, có thể nhận thấy những tiến bộ, tiện ích trợ lý ảo mang lại cho cuộc sống hiện nay, đặc biệt là trong việc tương tác, tìm hiểu kiến thức... 

Tại Việt Nam hiện nay, Bộ TTTT cũng đã phê duyệt việc nghiên cứu, thử nghiệm phát triển một trợ lý ảo phiên bản cơ bản dành cho cán bộ, công chức nhà nước và ứng dụng trợ lý ảo phiên bản dành cho Bộ TTTT. Đây là những bước đi đầu tiên của Việt Nam nhằm ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ, tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy công chức. Trợ lý ảo sẽ được phát triển theo hướng cá thể hóa, càng dùng càng thông minh, từ đó giúp nâng tầm tri thức người Việt...







Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem