Chủ nhật, 12/05/2024

Đổ xô mua đất Lâm Hà chờ lên Đà Lạt 2

25/02/2022 6:30 PM (GMT+7)

Những ngày này ở Lâm Hà, mỗi quán cà phê đều có thể là… văn phòng kinh doanh địa ốc.

Trên những chuyến bay từ Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đến Liên Khương (Lâm Đồng) sau Tết, có rất nhiều du khách không lên TP. Đà Lạt du lịch như thường lệ. Một số rẽ sang huyện Lâm Hà, nơi đang “sốt” đất.

Đổ xô mua đất Lâm Hà chờ lên Đà Lạt 2 - Ảnh 1.

Khách đi ô tô từ TP.HCM lên Lâm Hà xem đất

Đất “sốt” trên cao nguyên

Vừa xuống sân bay Liên Khương, nhóm 4 phụ nữ trung niên từ TP.HCM liền gọi taxi đi Lâm Hà. Họ có kế hoạch này từ trước Tết và thu thập các thông tin về một số mảnh đất nơi đây.

Chị Lê Thanh, một người trong nhóm mau miệng: “Năm nay chúng tôi hợp tuổi, “đi coi” thầy bảo mua đất ở hướng Lâm Đồng sẽ thắng”.

Ở Nam Ban (thị trấn chính của huyện Lâm Hà), nhóm phụ nữ trên không phải là cá biệt. Rất nhiều người từ Hà Nội và các tỉnh khác đến đây từ rất sớm, không phải đầu năm 2022 mà là từ 1-2 năm trước.


Lâm Hà là một huyện nằm cách sân bay Liên Khương về phía Tây khoảng 25km và cũng cách Đà Lạt cùng khoảng cách đó. Nối cả 3 điểm thì đây là một tam giác cân. Trong tương lai, thành phố Đà Lạt sẽ mở rộng về hướng Tây Bắc này, nơi đây đang được gọi là Đà Lạt 2.

Lâm Hà là vùng đất nằm trên cao nguyên Di Linh và cuối dãy Langbiang, khí hậu mát mẻ quanh năm, có nét tương đồng với Đà Lạt.

Sau năm 1975, nơi đây là vùng kinh tế mới, ngoài dân bản địa là người dân tộc thiểu số thì người từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc được đưa đến đây sinh sống.

Cho nên ở đây có nhiều tên địa danh rất quen thuộc với người Hà Nội như: Gia Lâm, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức…

Những ngày này, xe mang biển số tỉnh đổ lên rất nhiều. Ngoài thị trấn Nam Ban thì 14 xã còn lại của huyện đều là đất nông nghiệp, đất rẫy, chủ yếu trồng cà phê.

Đường có đường bê tông hoặc đường đất. Xe chúng tôi lắm phen phải vất vả tránh những chiếc xe khác (đều là những người đi tìm đất) đi ngược chiều vì đường rất nhỏ, chưa tới 3m, phải dạt vào vệ đường để nhường nhau.

Anh Hoàn, một người bản địa là “cò đất” đưa những người khách đi coi đất cho biết: Từ sau khi dịch Covid-19 “hạ nhiệt” đất ở Lâm Hà rất “nóng”.

Lượng khách đến đây tăng lên mỗi ngày. Khách có điều kiện thì đi máy bay, không thì đi ô tô. Cả khách từ các tỉnh gần như: Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận thì đi xe máy. “

Có những lúc khách ở phòng công chứng còn đông hơn ở quán cà phê”, anh nói.

Tại thị trấn Nam Ban, giá đất tăng vùn vụt, gấp 3-4 lần so với cách đây 2 năm. Giá những căn mặt phố, tuỳ vị trí, dao động từ 30-40 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, ở Nam Ban, người ta tìm mua đất nghỉ dưỡng, đất thổ cư nông nghiệp hàng chục hecta hơn là mua đất ở.

Đất nông nghiệp và thổ cư ở Lâm Hà còn khá lớn. Anh Hoàn cho biết, giá trên những trang mạng rao bán đất ở đây chỉ có tính tham khảo, không đáng tin cậy: “Thực tế giá hiện nay cao hơn nhiều và rất khó tìm được đất đẹp”.

“Ở thị trấn Nam Ban - nơi có giá đất cao nhất huyện không thể còn những mảnh đất 500m2 có giá 1-1,5 tỷ đồng (trên 2 triệu đồng/m2), bởi khi quy hoạch thành phố nơi đây sẽ là đất đô thị”, anh Hoàn nêu ví dụ.

Tại Đông Thanh, đất nông nghiệp thổ cư có giá từ 500 nghìn đồng - 1,5 triệu đồng/m2. Với những khu đất nông nghiệp đã được quy hoạch đường sá, kéo điện có giá 5 triệu đồng/m2.

Hiện phần lớn người mua đất dồn về các xã Đông Thanh, Gia Lâm, Phi Tô… Anh Quang Anh, một người vừa xuống tay mua 1,3ha đất thổ cư nông nghiệp ở xã Đông Thanh với giá trên 16 tỷ nói: “Tôi mua 4 thửa đất liền kề gộp lại. Hiện trạng là đất trồng cà phê, có một phần thổ cư nông nghiệp, sau này lên đất ở dễ hơn, có giá hơn. Trước mắt cứ để đó, sau này có thể khai thác kinh doanh làm nơi nghỉ dưỡng hoặc có thể bán lại”.

Những ngày này ở Lâm Hà, mỗi quán cà phê đều có thể là… văn phòng kinh doanh địa ốc.

Háo hức chờ Đà Lạt 2

Đổ xô mua đất Lâm Hà chờ lên Đà Lạt 2 - Ảnh 3.

Giá đất nông nghiệp trên đồi được phân lô, có đường nhựa, có điện đang được kêu giá 5 triệu đồng/m2

“Sốt” đất ở Lâm Hà là có cơ sở, khi vùng đất này đang có những thông tin ban đầu về quy hoạch đô thị và đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Đà Lạt được vẽ phóng ngang qua đây.

Cuối năm 2020, tỉnh Lâm Đồng đã làm việc với liên danh các nhà đầu tư là Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Đèo Cả và Công ty Nam Miền Trung về đường cao tốc trên.

Tỉnh cũng đồng ý cho liên danh này tài trợ cho phác thảo quy hoạch TP Lâm Hà. Theo đó, vùng lõi quy hoạch sẽ có diện tích 15.000ha.

Tuy nhiên, đến giờ này, “vùng lõi” là nơi nào thì chưa ai biết vì nếu có thông tin này, chắc chắn 15.000ha đất đó sẽ bị “nuốt chửng” dù giá có ở… trên trời.

Sau liên danh trên, mới đây tỉnh Lâm Đồng tiếp tục cho 2 doanh nghiệp khác là liên danh Tập đoàn Phương Trang cùng T&T nhảy vào tham gia “miếng bánh quy hoạch”.

Như vậy, hiện Lâm Hà có 2 liên danh với 5 doanh nghiệp đang cùng tài trợ cho một quy hoạch 15.000ha ở huyện có diện tích gần 100.000ha này.

Việc có nhiều nhà tài trợ trước mắt sẽ có lợi cho tỉnh Lâm Đồng vì sẽ chọn được ý tưởng hợp lý hơn. Tuy nhiên, theo giới địa ốc, việc này chắc chắn sẽ gây ra xung đột về lợi ích và trước hết sẽ rất rủi ro cho những người mua đất kiểu “ném đá dò đường”, “thấy người ăn khoai vác mai đi đào”.

Tuy nhiên, với nhóm của chị Lê Thanh, họ không có bất cứ thông tin gì về quy hoạch, chỉ đổ xô đi mua vì “tin ở số mệnh, nghe lời thầy”.

Đất lên giá chóng mặt cũng gây ra nhiều hệ luỵ. Anh Việt Phương, một người ở TP.HCM đặt cọc 1 tỷ để mua miếng đất nông nghiệp 2ha ở xã Đông Thanh. Được 3 tháng, khi đang làm thủ tục thì đất lên giá từ 600 nghìn đồng/m2 thành 1,2 triệu đồng/m2. Chủ đất bẻ kèo và giờ cả hai đang mắc kẹt bởi không bên nào chịu bên nào.

Một cán bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Lâm Hà khuyến cáo: “Hiện thông tin về quy hoạch đã có râm ran, nhưng đây chỉ là các doanh nghiệp “tài trợ cho quy hoạch”, nên người dân khi mua đất phải cẩn thận, đừng để bị cò thổi giá và tâm lý đám đông xô đẩy, tiền mất tật mang”.

Theo một người đứng đầu của một trong các doanh nghiệp tài trợ cho quy hoạch TP Lâm Hà - Đà Lạt 2, các phân khu chức năng của 15.000ha đã có hình hài, tuy nhiên chưa có cơ sở pháp lý. Việc công bố quy hoạch và thực hiện không phải một ngày một bữa.

“Ai cũng tranh nhau chạy sớm, ai cũng biết rằng trâu chậm uống nước đục nhưng đồng tiền đi liền khúc ruột, muốn xuống tiền phải có thông tin thật chắc”, vị này cho hay.


Theo giới kinh doanh địa ốc, quy hoạch TP Lâm Hà - Đà Lạt 2 là yêu cầu tất yếu khi TP Đà Lạt cần mở rộng. Trong khi đó, Đà Lạt mở về hướng Suối Vàng (huyện Lạc Dương) là bất lợi hơn so với mở về hướng Lâm Hà, bởi nơi đây gần sân bay Liên Khương và có đường cao tốc phóng qua.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn là cao tốc này đang bị vướng vấn đề pháp lý khi nó được mở phóng xuyên những khu rừng được bảo tồn nghiêm ngặt. Theo những chuyên gia lâm nghiệp, chỉ khi giải quyết được những vướng mắc trong Luật Lâm nghiệp thì con đường mới có thể khởi động.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Việt Nam ở đâu trong thứ hạng dân số siêu giàu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương?

Việt Nam ở đâu trong thứ hạng dân số siêu giàu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương?

Số người siêu giàu ở Việt Nam - là những cá nhân sở hữu tài sản từ 30 triệu USD trở lên - được ước tính là 752 người vào năm 2023, tăng 2,4% so với năm 2022. Mức tăng này cao gấp ba lần Thái Lan, với 0,8%.

Bầu Đức: Nguồn lực mới, người mới để củng cố Hoàng Anh Gia Lai

Bầu Đức: Nguồn lực mới, người mới để củng cố Hoàng Anh Gia Lai

Hợp tác toàn diện với Ngân hàng LPBank, thêm người mới vào HĐQT và Ban kiểm soát, tích cực tuyển thêm hàng loạt kỹ sư để phục vụ nông nghiệp, CTCP Hoàng Anh Gia Lai kỳ vọng những kết quả năm tốt hơn 2023.

"Ông lớn" SK Group vẫn là cổ đông lớn tại Masan

"Ông lớn" SK Group vẫn là cổ đông lớn tại Masan

SK Group, tập đoàn lớn thứ hai Hàn Quốc sau Samsung tính theo doanh thu, vẫn là cổ đông lớn tại Masan Group và là một trong những đối tác lớn của tập đoàn đa ngành của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.

Samsung sẽ đầu tư mỗi năm 1 tỷ USD vào Việt Nam

Samsung sẽ đầu tư mỗi năm 1 tỷ USD vào Việt Nam

Samsung cho biết sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ USD mỗi năm trong thời gian tới tại Việt Nam, tiếp tục tăng số lượng công ty Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của đại tập đoàn này, và đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực.

Giám đốc mới của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam là ai?

Giám đốc mới của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam là ai?

Ngân hàng Thế giới (World Bank) hôm nay 9/5 thông báo đã bổ nhiệm bà Mariam Sherman làm Giám đốc Quốc gia mới của WB tại Việt Nam, Campuchia và Lào.

Hội thảo về ETS: Sử dụng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải để thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam

Hội thảo về ETS: Sử dụng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải để thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam

Chương trình đào tạo về Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) là một phần trong hoạt động hỗ trợ của Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) nhằm thúc đẩy triển khai thị trường carbon tại Việt Nam với sự hợp tác của Cục Biến đổi khí hậu (Cục BĐKH), Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT).