Cựu chánh Thanh tra NHNN tỉnh Đồng Nai làm những gì mà bị truy tố?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 26/10/2023 12:29 PM (GMT+7)
Ngày 25/10, phiên tòa xét xử ông Trần Quốc Tuấn, cựu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, cùng ông Võ Khắc Hiển (cựu Phó Giám đốc, kiêm Chánh Thanh tra NHNN) đã bị hoãn do ông Hiển bị bệnh phải nhập viện. Ông Hiển đã làm những gì trong vai trò Chánh Thanh tra mà bị truy tố?
Bình luận 0

Theo cáo trạng, ông Võ Khắc Hiển (cựu Phó Giám đốc, kiêm Chánh Thanh tra NHNN chi nhánh Đồng Nai) được phân công trực tiếp phụ trách công tác thanh tra, kiểm tra, giảm sát hoạt động tất cả các Tổ chức tín dụng trên địa bàn Đồng Nai.

Tuy nhiên, ông Hiển đã không thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ trong công tác thanh tra, giám sát, không kiên quyết xử lý vi phạm theo kết quả thanh tra, giám sát, dẫn đến nhiều Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn vỡ nợ, gây thiệt hại hơn 1.352 tỷ đồng.

Cựu chánh Thanh tra NHNN tỉnh Đồng Nai làm những gì mà bị truy tố vì gây thiệt hại hơn 1.350 tỷ đồng? - Ảnh 1.

Ông Hiển (trái) và ông Tuấn (đứng). Ảnh: congly.vn

QTDND Tân Tiến thiệt hại lớn nhất, tới gần 810 tỷ đồng

Từ năm 2014 đến năm 2017, QTDND Tân Tiến đều nằm trong Kế hoạch thanh tra của Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Đồng Nai. Tuy nhiên, cho đến khi QTDND này bị kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai vần chưa thanh tra lần nào.

Cáo trạng chỉ rõ, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Võ Khắc Hiển không kiên quyết kiến nghị thực hiện thanh tra theo Kế hoạch thanh tra mà ký Tờ trình đề nghị điều chỉnh thanh tra QTDND Tân Tiến từ năm này sang năm sau.

Ngày 14/02/2017, thanh tra viên Hoàng Thị Hằng trong quá trình thực hiện chức năng giám sát đã phát hiện vi phạm của QTDND Tân Tiến và có kiến nghị tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động của quỹ này, đặc biệt là hoạt động cho vay, nhưng ông Hiển không phê duyệt.

Đến tháng 4/2017, Hiển đề nghị tiến hành thanh tra QTDND Tân Tiến trong quý II năm 2017 và được Trần Quốc Tuấn (cựu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai) phê duyệt Tờ trình nhưng Tuấn không ký quyết định thành lập đoàn thanh tra, mà Tuấn chỉ đạo Hiến cùng với ông Lê Xuân Hưởng - Phó Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Đồng Nai làm việc, nắm tình hình hoạt động QTDND Tân Tiến để xem xét việc thanh tra.

Kết quả làm việc phát hiện một số sai phạm như: Khả năng quản trị, điều hành còn hạn chế; công tác kiểm soát thiếu chặt chẽ; cho vay ngoài địa bàn hoạt động không đúng đối tượng; ủy thác cho cá nhân gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn tại các ngân hàng TMCP..., Hiển đã báo cáo cho ông Tuấn.

Tuy nhiên, Tuấn chỉ đạo Hiển và ông Hưởng tham mưu văn bản gửi QTDND Tân Tiến để chấn chỉnh hoạt động mà không tiến hành thanh tra. 

Hiến ký "nháy" trong Công văn số 06/ĐNA6.m ngày 28/4/2017 đóng dấu "mật" trình Tuấn ký ban hành, nội dung chấn chỉnh, khắc phục.

Đến ngày 25/4/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành công văn số 2917/NHNN-TTGSNH "Về việc kiểm tra, thanh tra đối với các QTDND có quy mô lớn (trên 200 tỷ đồng)". Hiển đã tham mưu, trình Trần Quốc Tuấn ký Quyết định thanh tra QTDND Tân Tiến nhưng Tuấn vẫn không ký.

Cựu chánh Thanh tra NHNN tỉnh Đồng Nai làm những gì mà bị truy tố vì gây thiệt hại hơn 1.350 tỷ đồng? - Ảnh 2.

Quyết định hoãn phiên tòa của TAND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Q.H

Cáo trạng nêu: "Lẽ ra khi Tuấn không thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước theo công văn số 2917/NHNN-TTGSNH, Hiển phải báo cáo Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để kiến nghị việc thanh tra QTDND Tân Tiến khi biết rõ QTDND Tân Tiến đã được hoãn thanh tra nhiều lần và hoạt động đang có nhiều vi phạm (khoản 4, Điều 11 Nghị định 26/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng).

Tiếp đó, ngày 13/7/2017, Thanh tra viên Hoàng Thị Hằng đã có báo cáo kết quả giám sát QTDND tháng 06/2017, trong đó có nội dung: "Qua thanh tra QTDND Thanh Bình, nhận thấy QTDND Tân Tiến đã thực hiện nhận tiền gửi của QTDND Thanh Bình theo hợp đồng TGTK số 001/HD9TG ngày 15/6/2017 với số tiền 30 tỷ đồng, kỳ hạn 1 tháng, đang hạch toán vào tài khoản 452 - tiền giữ hộ và đợi thanh toán", kiến nghị tổ chức thanh tra QTDND Tân Tiến.

Tuy nhiên, Hiển chỉ ký duyệt mà không có ý kiến chỉ đạo gì, cũng không báo cáo Giám đốc đề xuất thanh tra QTDND Tân Tiến theo kiến nghị của Thanh tra viên.

"Trong trường hợp này, Hiển phải báo cáo Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại khoản 4, Điều 11 Nghị định 26/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng", cáo trạng nêu rõ.

Cựu chánh Thanh tra NHNN tỉnh Đồng Nai làm những gì mà bị truy tố vì gây thiệt hại hơn 1.350 tỷ đồng? - Ảnh 3.

Bị cáo Trần Quốc Tuấn, cựu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai tại phiên tòa. Ảnh: PLO

Việc Hiển không kiên quyết đề xuất thanh tra QTDND Tân Tiến kịp thời trong 4 năm liên tục từ năm 2014 đến năm 2017 cũng như không thực hiện việc thanh tra theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại văn bản số 2917/NHNN-TTGSNH là không làm đúng chức năng nhiệm vụ được giao, dẫn đến ngày 23/11/2017, QTDND Tân Tiến mất khả năng chi trả, vỡ nợ, gây thiệt hại 809,81 tỷ đồng.

Phớt lờ kiến nghị của cấp dưới, chỉnh sửa kết luận thanh tra

Đối với QTDND Thanh Bình, ngày 31/5/2017, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Đồng Nai ban hành Quyết định số 92/QĐ-ĐN 6 về việc thanh tra QTDND Thanh Bình.

Kết quả thanh tra xác định QTDND Thanh Bình có nguy cơ mất khả năng chi trả, nên ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng đoàn thanh tra đã kiến nghị áp dụng hình thức kiểm soát đặc biệt đối với QTDND Thanh Bình để kịp thời khắc phục, xử lý sai phạm theo quy định tại Khoản 3 Điều 146 Luật các Tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, khi được Tuấn chỉ đạo tham mưu giúp Tuấn xây dựng dự thảo Kết luận thanh tra đối với QTDND Thanh Bình, Hiển đã chỉnh sửa, gạch bỏ nhiều nội dung theo hướng giảm nhẹ tính chất, mức độ vi phạm cho QTDND Thanh Bình.

Cựu chánh Thanh tra NHNN tỉnh Đồng Nai làm những gì mà bị truy tố vì gây thiệt hại hơn 1.350 tỷ đồng? - Ảnh 4.

Phiên tòa xét xử cựu lãnh đạo NHNN tỉnh Đồng Nai gây thiệt hại hơn 1.350 tỷ đồng đã bị tạm hoãn lại. Ảnh: PLO

Mặc dù đồng ý với kiến nghị của ông Đoàn Anh Dũng về việc "Áp dụng hình thức kiểm soát đặc biệt đối với QTDND Thanh Bình" trong dự thảo Kết luận thanh tra nhưng Trần Quốc Tuấn chỉ cho áp dụng hình thức "tăng cường giám sát thường xuyên" đối với QTDND Thanh Bình thì Hiển đồng ý.

"Hành vi của Hiển đã làm trái quy định tại Khoản 3 Điều 146 Luật các Tổ chức tín dụng. Hậu quả, đến tháng 11/2017, QTDND Thanh Bình mất khả năng chi trả, vỡ nợ, gây thiệt hại số tiền hơn 275,84 tỷ đồng", cáo trạng nêu.

Đối với QTDND Dầu Giây, trong quá trình thực hiện chức năng giám sát theo quy định, Phòng Thanh tra đã đề nghị tiến hành kiểm soát đặc biệt đối với QTDND Dầu Giây 3 năm liên tục đều bị xếp loại yếu kém, nhưng không được Võ Khắc Hiển chấp thuận. Kết quả, QTDND Dầu Giây thua lỗ, mất toàn bộ vốn điều lệ, gây thiệt hại 8 tỷ đồng.

Đối với các QTDND Thái Bình, Quảng Tiến và Gia Kiệm, cáo trạng xác định Võ Khắc Hiển không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong công tác thanh tra, giám sát, dẫn đến các QTDND trên đã thực hiện hành vi lập khống hợp đồng tín dụng nhằm hợp thức hóa hồ sơ vay vốn để rút tiền của khách hàng gửi tiết kiệm, lập khống sổ tiền gửi (không có tiền gửi thực tế) để rút tiền huy động do khách hàng gửi tiết kiệm ra khỏi quỹ tín dụng.

Mặt khác, nhân viên các QTDND trên còn có hành vi rút trực tiếp tiền mặt làm mất cân đối giữa sổ sách kế toán với tồn quỹ tiền mặt tại quỹ tín dụng, gây thiệt hại với số tiền rất lớn.

Trong đó, QTDND Thái Bình gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng; QTDND Quảng Tiến gây thiệt hại hơn 130,75 tỷ đồng và QTDND Gia Kiệm gây thiệt hại hơn 32,76 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem