Thứ sáu, 26/04/2024

Ăn vả nhớ Eva

17/08/2021 7:00 PM (GMT+7)

Cây vả được nói đến nhiều lần trong Kinh Thánh. Ấn tượng nhất là chiếc lá vả dùng làm mảnh monokini trên thân bà Eva trong tranh của nhiều họa sĩ phương Tây. Vả là thứ trái mà dân Huế vỗ ngực xưng tụng là trái riêng của Huế.

Tình cờ, tôi thấy một phụ nữ ở đối diện nhà ngoại đi chợ về với mấy trái vả đựng trong bịch nylon. Ngạc nhiên khi gặp một người Sài Gòn biết ăn vả, tôi hỏi thăm. Cô ấy cho hay mấy đứa con cô ấy thích ăn trái này. Gặp ngoài chợ, cô đã mua nửa ký với giá 25.000 đồng/kg. Sáng hôm sau, mò ra chợ sớm, rất may tôi gặp người bán vả. Trái to hơn, giá 30.000 đồng/kg. Một ký mười trái.

Ăn vả nhớ Eva - Ảnh 1.

Món vả nấu canh sườn non khá là thuận khẩu, nếu nguyên liệu đạt. Ảnh: Thu Nguyên

Vả xắt miếng chấm mắm ruốc là món ruột của những người yêu vả. Những người lòng vả. Người ta nói lòng vả cũng như lòng sung. Nhưng nếu như sung được chọn làm thứ trái cầu ước, thì vả chắc chắn sẽ không được chọn. 

Ước 'sung' chớ ai điên gì ước 'vả'! Nhưng sung làm dưa ăn chỉ lạ miệng, vì chát và cứng quá. Vả mà gặp mắm ruốc ngon thơm, có thể một người ăn cả trái. Nếu chắm mắm sà rinh của Long Vinh ở dưới Trà Vinh nữa, càng mê hơn. Độ chát dìu dịu nhai với miếng mắm ruốc chẳng hiểu sao cả hai thứ lại hợp nhau đến thế! Ăn mê mẩn luôn.

Vả là loại cây được thuần hóa sớm nhất, cùng với lựu, nho, chà là, ô liu, lúa mạch và lúa mì là bảy loài bản địa của Israel cổ đại. Xứ này còn có tên là Canaan được mô tả trong Kinh Thánh như là miền đất hứa dành cho dân Do Thái.

Cây vả trong Sáng thế ký Cựu Ước, được nhắc đến cùng với cây 'biết lành biết dữ' và cây sống đời. Cây biết lành biết dữ làm con người sa ngã bị đuổi khỏi vườn Eden. Còn may có cây vả để hái lá che đỡ. 

Cũng có nhà thực vật học phủ định lá bà Eva xài không phải là lá vả mà là lá cây chuối, lá mà người Việt dùng gói đủ thứ món ăn. Cây sống đời chắc không giống sống đời bên mình. Cây vả trong Kinh Thánh Tân Ước còn được nhắc nhiều hơn trong nhiều trường hợp khác nhau.

Ăn vả nhớ Eva - Ảnh 2.

Vả chấm mắm ruốc là một thứ đặc sản của người miền Trung. Ảnh: TL

Người Trung Hoa gọi trái vả là trái không hoa (无花果). Thiệt ra, nó không thể không có hoa. Tương tự như trái lựu, trái vả chứa rất nhiều hột, một hột đại diện cho một loại trái nhỏ - hình thành từ hoa. Tuy nhiên, không hề giống như trái lựu giấu hột trong hoa của nó, vả giấu hoa bên trong trái của nó. Chúng khuất tầm nhìn và không tiếp cận với bên ngoài, nên ta không nhìn thấy. Người Hoa trông mặt bắt hình dong gọi nó là "vô hoa quả". 

Quá trình thụ phấn của trái vả chỉ xảy ra nhờ những con ong bắp cày. Tới mùa động dục loài ong này từ bên ngoài chui vào bên trong trái vả qua đáy và mượn làm nơi "động phòng hoa chúc". Đáy trái vả cũng na na như đáy trái lựu. Đó là lối vào "động thiên thai" và là nơi những cái trứng ong nở ra. Nhờ chuyện tình ong bắp cày bén theo chuyện tình vả - thụ phấn, những trái vả mới có cơ hội để chín. Bằng không chúng chỉ có thối.

Vả mà bà Eva sáng tạo thành lá che thân sau khi ăn trái cấm là vả ngọt tên khoa học là ficus carica. Vả mà dân Việt ăn là loại khác, là ficus auriculata. Lá vả Eva che thân "thời trang" hơn vả lá tai bồ ở ta. Vả Eva có những khía sâu, trông giống lá đu đủ, nhưng nhỏ hơn. Vả Huế lá hình tim và to, không có khứa. Không biết lá vả Eva nấu canh có ngon không, chớ lá vả Huế được dân Tây Bắc nấu canh tôm khô xưng tụng như là đặc sản. Tôi chưa ăn cả hai thứ nên không luận gì được.

Vả Huế tuy không được hảo như vả Eva, nhưng hấp dẫn ở chỗ chế biến được không ít món. Nấu canh sườn non ngon không thua gì canh khoai, nhưng lại không bị nhão ra. Bây giờ, kiếm được sườn non của con heo nuôi ở quê nấu với trái vả mới tuyệt đỉnh. Tôi tiếc hùi hụi, khi quên mang mấy trái về quê nấu món này. 

Sườn non to vừa phải, nấu canh vừa gặm vừa nhai phần xương mềm mới đúng điệu. Trái vả nấu canh bùi bùi, chát dịu dàng kiểu như Nguyễn Tất Nhiên định danh "chua ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền". Chỉ có điều sườn non heo Sài Gòn thô quá, làm cho tô canh mất nghĩa.

Món gỏi vả trộn với thịt luộc xắt sợi, tôm thái nhỏ, mè, đậu phọng và rau húng quăn là một món thuận khẩu khác. Đơn giản là chỉ cần bào mỏng trái vả ngâm trong nước chanh một ít thời gian trước khi trộn. Người ta còn làm dưa, ngâm chua ngọt trái vả. Tên là vả nhưng không "vả" chút nào khi đem chế biến các thứ biến tấu. 

Có điều Sài Gòn mua được trái vả thật vất vả!

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Thử nấu món ăn, thức uống từ những bộ phim đình đám

Thử nấu món ăn, thức uống từ những bộ phim đình đám

Không ít lần ta đã bắt gặp những món ăn hấp dẫn trên phim ảnh, vậy thì liệu các món ăn này sẽ như thế nào khi chế biến ngoài thực tế?

Đặc sắc phở cuốn Hà Nội

Đặc sắc phở cuốn Hà Nội

Phở cuốn hấp dẫn thực khách gần xa vì nó kế thừa được phong vị của bánh cuốn Hà Nội. Nhưng điều khiến thực khách thích thú chính là bánh phở có độ dai dầy, cùng với vị đậm đà của thịt bò tái lăn mà bánh cuốn truyền thống vốn không có.

Giáo sư Nhật sang Việt Nam tìm nguồn gốc sushi

Giáo sư Nhật sang Việt Nam tìm nguồn gốc sushi

Nói đến sushi mọi người nghĩ đến Nhật Bản, nhưng Nhật Bản không phải là nơi ra đời của món ăn này, mà là Đông Nam Á. Nhà nghiên cứu về sushi duy nhất ở Nhật Bản hiện nay đang rất muốn chứng minh giả thuyết sushi không bắt nguồn từ Việt Nam là sai.

Bánh xèo khổng lồ tại lễ hội bánh dân gian Nam Bộ

Bánh xèo khổng lồ tại lễ hội bánh dân gian Nam Bộ

Tại lễ hội bánh dân gian Nam Bộ năm 2024 đã diễn ra hoạt động đổ chiếc bánh xèo khổng lồ có đường kính kỷ lục 3m. Chiếc bánh do 15 nghệ nhân tham gia thực hiện, theo công thức truyền thống.

Đến Hà Nội đừng bỏ lỡ cốc cà phê trứng

Đến Hà Nội đừng bỏ lỡ cốc cà phê trứng

Một cốc cà phê vào buổi sáng là thói quen của CEO Apple Tim Cook. Khi đến Hà Nội, ông đã tranh thủ thưởng thức món cà phê trứng độc đáo. Vậy cà phê trứng độc đáo thế nào?

Michelin Guide đến Đà Nẵng, lập tức nhắm đến một loạt món ăn

Michelin Guide đến Đà Nẵng, lập tức nhắm đến một loạt món ăn

Sau TP.HCM và Hà Nội, Đà Nẵng là điểm đến tiếp theo của Michelin tại Việt Nam. Hàng loạt đặc sản như từ mì Quảng, bún chả cá, bánh xèo, cháo vịt… đã được Michelin nhắm đến.