Theo thống kê từ Hiệp hội rau củ quả Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm ghi nhận sự sụt giảm đáng kể. Đến thời điểm này kim ngach xuất khẩu của ngành này đạt trên 2,4 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2019 xuất khẩu đạt 2,8 tỷ USD (giảm gần 14%).
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau củ quả cho biết, nguyên nhân chính là do Trung Quốc giảm tiêu thụ.
Theo đó, tại thời điểm này năm ngoái Trung Quốc nhập đến 1,8 tỷ USD rau quả từ Việt Nam thì năm nay con số này chỉ là 1,3 tỷ USD. “Ngoài tác động tự dịch bệnh Coivd-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ rau quả từ nước này. Việc hàng hóa Trung Quốc gặp khó trong vấn đề xuất khẩu khiến họ tăng tiêu thụ nội địa. Từ đó cũng ít nhập hàng hóa từ các nước khác”, ông Nguyên nói.
Ông Nguyên cũng nhận định trong năm nay tối đa ngành rau quả chỉ đạt được 3,3 tỷ USD giá trị kim ngạch, giảm ít nhất 10% so với năm ngoái.
![]() |
Rau quả khó lòng đạt mục tiêu xuất khẩu trong năm nay. Ảnh: Trần Hùng |
Trong khi đó đáng chú ý, nếu như thị trường Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về hoạt động xuất khẩu thì tại những thị trường khác đều có sự tăng trưởng.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Mỹ đạt khoảng 100 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2019; Hàn Quốc tăng 18%, đạt 103 triệu USD so với 87 triệu USD năm 2019; Thái Lan khoảng 110 triệu USD trong khi cùng kỳ năm trước 31 triệu USD. Xuất khẩu sang EU, Nhật Bản… cũng đều ghi nhận sự tăng trưởng, chưa kể có những thị trường tăng hơn 300%.
Tuy nhiên, việc chỉ mỗi thị trường Trung Quốc giảm nhập cũng khiến ngành này thụt lùi về hoạt động xuất khẩu. Điều đó chứng minh rau quả Việt Nam vẫn quá phụ thuộc vào quốc gia này. Theo ông Nguyên, Trung Quốc chiếm khoảng 70 giá trị xuất khẩu của rau quả Việt Nam. Do đó nếu nước này có những dấu hiệu ngưng hoặc giảm tiêu thụ sẽ dẫn đến những khó khăn không nhỏ cho các mặt hàng rau quả Việt.
![]() |
Kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt thụt lùi theo nhu cầu tiêu thụ từ Trung Quốc. Ảnh: Trần Hùng |
Nhận thức được vấn đề này, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã có những bước chuyển hướng để tránh phụ thuộc vào một thị trường. Với công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu (Bến Tre), theo đại diện công ty, giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 70% so với năm ngoái.
“Không phải họ ngừng nhập trái cây mà vì chúng tôi đang tập trung để mở rộng những thị trường khác. Hiện Trung Quốc chỉ còn đứng thứ 3, thứ 4 trong những quốc gia nhập khẩu trái cây của Chánh Thu. Những thị trường nhập nhiều nhất là Mỹ, Canada, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật…”, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu chia sẻ.
Về việc không còn tập trung khai thác thị trường Trung Quốc như những năm trước, bà Vy cho hay một mặt do Chính phủ nước này đang áp dụng chính sách tăng cường tiêu thụ nội địa do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Và cũng chính từ lý do này mà Trung Quốc ngày càng nâng cao hơn về tiêu chuẩn chất lượng rau quả nhập khẩu. Việc kiểm tra hàng hóa nhập khẩu cũng chặt chẽ hơn, khó khăn hơn so với thời điểm trước.
“Tiêu chuẩn ngày càng cao nhưng giá trị sản phẩm không tăng nhiều. Trong khi đó chỉ cần cải tiến một chút trong quá trình sản xuất để có thể đạt chất lượng mà Mỹ hay Nhật yêu cầu, thì giá trị sản phẩm sẽ cao hơn nhiều lần nếu xuất sang Trung Quốc”, bà Vy nói.
Đa dạng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng chính là hướng đi mà nền nông nghiệp Việt Nam cần hướng tới.
Theo ông Nguyên, người nông dân và doanh nghiệp cần tăng cường sản xuất an toàn; quản lí chặt chẽ vùng trồng, cơ sở đóng gói để cho ra những sản phẩm chất lượng hơn. Việt Nam đang có nhiều lợi thế từ các hiệp định thương mại, đây là cơ sở để hàng hóa Việt đi sâu hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng để đạt được điều đó rau quả Việt cần phải tạo dựng được thương hiệu trong mắt thị trường quốc tế.
Gửi bình luận