Xe ba gác, xe máy độ chế chở hàng hóa cồng kềnh: Đóng phạt rồi… chạy tiếp

Chinh Hoàng Thứ tư, ngày 11/05/2022 18:49 PM (GMT+7)
Không khó để bắt gặp những chiếc xe máy độ chế, xe ba gác chở hàng hóa cồng kềnh có nguy cơ gây tai nạn giao thông bất cứ lúc nào trên các con đường ở TP.HCM. Các tài xế xe ba gác đều có chung quan điểm: “Không chạy, cơm đâu ăn, đóng phạt rồi… chạy tiếp”.
Bình luận 0

Chấp nhận đóng phạt rồi… chạy tiếp

Vì miếng cơm, manh áo nhiều tài xế xe ba gác nói rằng, nếu không chạy tiền đâu ra để nuôi vợ con. Dẫu biết chở hàng hóa cồng kềnh, quá tải bị cấm và dễ gây ra tai nạn cho người đi đường nhưng không chạy… thì đói. Đành đóng phạt rồi… chạy tiếp.

Xe ba gác, xe máy độ chế chở hàng hóa cồng kềnh: Chấp nhận đóng phạt rồi… chạy tiếp - Ảnh 1.

Hình ảnh một số chiếc xe ba gác chở hàng cồng kềnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông trên địa bàn TP.HCM. Ảnh; Chinh Hoàng

Anh N.V.Đ (nhân viên 1 công ty cửa cuốn trên địa bàn quận Bình Tân) cho biết anh có thâm niên hơn 7 năm trong nghề lái xe ba gác chuyên giao lá cửa, vật liệu để làm cửa cuốn khắp nơi trên địa bàn TP.HCM. Trung bình mỗi lá cửa cuốn có chiều dài tối đa khoảng 8m và mỗi ngày anh Đ. chở hàng chục lá cửa cuốn đến các công trình cho thợ lắp đặt.

Theo anh Đ, trên xe không chỉ chở các lá cửa cuốn mà còn chở thêm đồ nghề vật dụng liên quan khác. Biết là quá tải nhưng anh vẫn chở. Khi gặp công an tuýt còi xử phạt thì anh  "đóng phạt rồi năn nỉ xin đi. Giờ không lái xe ba gác, không có tiền để nuôi vợ con ở nhà", anh nói.

Cũng theo anh Đ. trong những năm qua, quá trình chở lá cửa cuốn của anh có xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, chỉ xây xát nhỏ do người đi đường va quẹt vào các lá cửa hoặc khi anh Đ. qua các ngã rẽ không chú ý, đuôi lá cửa cuốn va vào người đi đường.

"Nhiều lần chở lá cửa cuốn cho các công trình lớn, tôi chia nhỏ ra thành 2 đến 3 chuyến. Những chuyến nào buộc phải quá tải vì lượng lá nhiều và mỗi khi gặp công an phải chấp nhận đóng phạt rồi xin đi. Vì miếng cơm manh áo tôi buộc phải làm như vậy, chứ làm nghề khác không đủ để nuôi vợ và 4 đứa con ở nhà", anh Đ tâm sự.

Ngang nhiên tham gia giao thông

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số tuyến đường như Hải Thượng Lãn Ông, Hồng Bàng (quận 5), Tỉnh Lộ 10, Kinh Dương Vương (quận Bình Tân)... ở TP.HCM không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy tự chế, xe ba gác, xe 3-4 bánh chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ so với quy định vẫn thản nhiên tham gia giao thông.

Xe ba gác, xe máy độ chế chở hàng hóa cồng kềnh: Chấp nhận đóng phạt rồi… chạy tiếp - Ảnh 3.

Nhiều xe ba gác chở hàng cồng kềnh ngang nhiên lưu thông trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Chinh Hoàng

Đặc điểm chung của những chiếc xe này luôn chất đầy hàng hóa cao cồng kềnh quá khổ so với thùng xe. Trong khi chủ các xe chỉ gia cố hàng hóa bằng một vài sợi dây đơn giản, có thể rơi đổ bất cứ lúc nào khi xảy ra va chạm trên đường.

Ngoài ra, theo quan sát của phóng viên, nguy hiểm nhất khi những xe kể trên chở các cuộn sắt, thép (vật liệu xây dựng) dài hàng chục mét kéo loằng ngoằng trên đường. Trước đó, có hàng chục vụ tai nạn liên quan đến xe ba gác, xe máy độ chế chở hàng hóa cồng kềnh gây tai nạn với phương tiện khác đang lưu thông trên đường.

Xe ba gác, xe máy độ chế chở hàng hóa cồng kềnh: Chấp nhận đóng phạt rồi… chạy tiếp - Ảnh 4.

Luật sư Lê Bá Thường (đoàn luật sư TP.HCM) nhận định: "Đối với xe máy, xe ba gác chở hàng cồng kềnh khi gây tai nạn giao thông, có thể bị phạt tù đến 10 năm. Ảnh: NVCC

Đơn cử, mới đây ngày 8/5 tại Hà Nội, đã xảy ra một vụ va chạm giữa xe ba gác chở theo rất nhiều thanh thép dài hàng chục mét với xe buýt. Hình ảnh những cây thép đâm thẳng vào đầu xe buýt khiến người đi đường không khỏi rùng mình. May mắn, vụ tai nạn không gây thiệt hại về người nhưng đó là lời cảnh tỉnh cho cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp để xử lý triệt để vấn đề này, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Mức xử phạt như thế nào với xe máy, ba gác chở hàng hóa quá tải?

Đối với xe máy, xe ba gác chở hàng cồng kềnh khi gây tai nạn giao thông, theo nhận đinh luật sư Lê Bá Thường (Đoàn luật sư TP.HCM) chủ xe có thể bị phạt tù đến 10 năm. Vì các xe máy chở hàng vượt quá kích thước cho phép này dễ gây ra tai nạn giao thông.

Quy định kích thước xe gắn máy khi chở hàng hóa hay đồ đạc trên xe được xem là cồng kềnh khi vượt mức quy định tại khoản 4 Điều 19, Thông tư 46/2015/TT-BGTVT như sau: Chiều rộng, khôngvượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét (30 cm). Chiều dài phía sau, không vượt quá 0,5 mét (50 cm). Chiều cao, tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét (150 cm).

Khi các loại xe máy chở hàng lưu thông trên đường nếu gây tai nạn giao thông thì mức xử phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng; tài xế bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2 đến 4 tháng (theo điểm k, khoản 3, điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Luật sư Thường cho biết thêm, quy định các loại xe ba gác, xe thô sơ, xe tự chế 4 bánh tương tự xe ô tô cố tình chở cồng kềnh vượt quá kích thước theo mức quy định tại Điều 9 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT là: Chiều dài lớn hơn 20 mét hoặc lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe, chiều rộng lớn hơn 2,5 mét, chiều cao tính từ mặt đường bộ trở lên lớn hơn 4,2 mét (trừ xe chở container).

Mức xử phạt đối với các loại xe gắn máy, xe ba gác, xe 4 bánh tự chế tương tự xe ô tô khi chở hàng quá khổ, vượt khổ giới hạn của cầu, đường ghi trong Giấy phép lưu hành sẽ bị phạt tiền từ 8 đến 10 triệu đồng.

Đồng thời, tài xế còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe đối với các loại xe máy kéo và các loại xe tương tự ô tô, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 01 đến 03 tháng. Ngoài ra, người lái xe gây hư hại cầu đường còn phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm gây ra (khoản 3 Điều 33 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

"Người lái các loại xe gắn máy, xe ba gác, xe 4 bánh tự chế tương tự ô tô khi gây tai nạn còn có thể bị xử hình sự về "Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Cụ thể, nếu người tham gia giao thông đường bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ hoặc có thể bị xử tù đến 10 năm nếu rơi vào trường hợp người lái xe không có giấy phép lái xe và làm chết người (Điều 260 BLHS 2015)", luật sư Thường nhấn mạnh.

Theo ông Thái Văn Chung - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM, thành phố cần tính đến giải pháp căn cơ là xây dựng lộ trình cấm xe ba bánh, xe thô sơ, xe tự chế để chủ phương tiện chủ động thay đổi nghề nghiệp.

Giải pháp cấm và xử phạt hiện nay chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt. Về lâu dài cần có giải pháp tạo công ăn việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp cho những người đang hoạt động bằng nghề này. Chính quyền cũng cần quan tâm hơn nữa, thực hiện phúc lợi xã hội với những người có công với đất nước, thương binh, bệnh binh, tàn tật...

Ông Chung nhấn mạnh việc cấm xe ba bánh, xe thô sơ, xe tự chế cần được thực hiện đồng bộ trên cả nước, không nên chỗ làm, chỗ không để các phương tiện này tồn tại gây mất an toàn giao thông, đe dọa tính mạng người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem