Thứ bảy, 20/04/2024

WB nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục cải thiện

15/12/2021 6:30 AM (GMT+7)

Trong bản tin Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục cải thiện. Chỉ số sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều tăng trưởng tháng thứ ba liên tiếp.


WB nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục cải thiện - Ảnh 1.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần sản xuất hàng thể thao MXP (Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, tỉnh Thái Bình). (Ảnh: VIẾT CHUNG)


Ngân hàng Thế giới cho biết, mặc dù số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 gia tăng trong tháng 11, nhưng nhờ đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine nên tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm bắt đầu theo xu hướng giảm.

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi

Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, một lần nữa chứng tỏ khả năng chống chịu tốt. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,5% trong tháng 11 (so với tháng trước), một phần nhờ các hoạt động kinh tế được khôi phục ở các tỉnh thành phía nam, bao gồm cả ở Thành phố Hồ Chí Minh (tăng 13,3% so tháng trước).

Với sự phục hồi mạnh mẽ trong tháng 11, chỉ số sản xuất công nghiệp đã vượt mức được ghi nhận cùng kỳ năm trước. Các ngành hàng năng động nhất là sản xuất, chế biến thực phẩm, thuốc lá, dệt may, sản phẩm cao-su và plastic, kim loại, với tốc độ tăng trưởng hai con số (so với cùng kỳ năm trước). Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học cũng tăng trưởng tốt ở mức 8,5% (so cùng kỳ năm trước). Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đạt mức 52,2 trong tháng 11, tương đương với tháng 10 và cao hơn ngưỡng trung tính 50,0, cho thấy tiếp tục có sự cải thiện về tình hình kinh tế.

WB nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục cải thiện - Ảnh 2.

(Nguồn: Ngân hàng Thế giới)

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,2% trong tháng 11 (so với tháng trước), nhờ nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi. Mặc dù vậy, chỉ số này vẫn thấp hơn 12,2% so với mức ghi nhận vào tháng 11/2020. So với bán lẻ hàng hóa (tăng 5,2% so tháng trước), doanh thu dịch vụ tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi các biện pháp giãn cách xã hội trong đợt giãn cách quý III, nhưng cũng phục hồi mạnh mẽ hơn sau khi các biện pháp này được gỡ bỏ (tăng 12,5% so tháng trước).

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cao kỷ lục ở mức 31,9 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thương mại. Thặng dư thương mại đạt 1,3 tỷ USD trong tháng 11 nhờ xuất khẩu hàng hóa tăng tốc từ tăng trưởng 6,1% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 10 lên đến 26,5% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 11, cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu (24,1% so cùng kỳ năm trước).

Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam xuất siêu 1,46 tỷ USD. Xuất khẩu đạt kết quả vững chắc có thể do các hoạt động chế biến, chế tạo được khôi phục, nhất là ở các ngành hàng công nghệ cao. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử và máy móc, chiếm đến trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng 19,6% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 11 (đạt 13,3 tỷ USD). Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cũng phục hồi mạnh mẽ (tăng 24,9% so cùng kỳ năm trước), trong khi kim ngạch xuất khẩu giày da và sản phẩm gỗ giảm tháng thứ tư liên tiếp.

Về đối tác thương mại, sau 2 tháng suy giảm, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã phục hồi lại vào tháng 10 (tăng 3,1% so cùng kỳ năm trước) và dự kiến được củng cố trong tháng 11 (tăng 13,8% so cùng kỳ năm trước), đạt khoảng 8,0 tỷ USD. Tốc độ tăng xuất khẩu sang Trung Quốc cũng được nâng từ 4,8% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 10 lên 11,7% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 11, đạt 6,0 tỷ USD.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 45% trong tháng 11 (so tháng trước), tháng tăng thứ hai kể từ tháng 5.

WB nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục cải thiện - Ảnh 3.

(Nguồn: Ngân hàng Thế giới)


Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn được giữ vững, nhất là trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Vốn FDI đăng ký tăng 71,2% trong tháng 11 (so tháng trước) sau khi giảm trong tháng 10 nhờ đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo phục hồi (tăng 40,2% so tháng trước).

Trong 11 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút được 26,5 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tương đương với con số cùng kỳ năm 2020. Giải ngân vốn FDI tiếp tục phục hồi sau khi giảm mạnh trong quý III (tăng 4,3% trong tháng 11 so với tháng trước).

Lạm phát tăng nhẹ do tăng giá nhiên liệu và cải thiện nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng ngoài lương thực, thực phẩm.

Sau 2 tháng giảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,3% trong tháng 11 (so với tháng trước). Xu hướng này một phần phản ánh chi phí nhóm giao thông cao hơn (3,1% so tháng trước) do giá nhiên liệu tăng cao, nhu cầu trong nước về các sản phẩm ngoài lương thực, thực phẩm đang phục hồi và chi phí logistic gia tăng. Giá lương thực, thực phẩm vẫn theo xu hướng đi xuống, giảm 0,2% so với tháng trước nhờ chuỗi cung ứng được duy trì ổn định. So cùng kỳ năm trước, CPI đã tăng 2,1%, nhỉnh hơn so với tháng 10, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tiếp tục chính sách tài khóa thắt chặt

Cũng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tính đến cuối tháng 11, thặng dư ngân sách tăng lên mức 120.300 tỷ đồng (5,2 tỷ USD) nhờ bội thu 45.400 tỷ đồng (2 tỷ USD) trong tháng 11.

Tổng thu ngân sách tháng 11 ước tăng 12,3% (so với tháng trước) và 33,4% (so với cùng kỳ năm trước) một phần do một số khoản thuế và tiền thuê đất đã hết thời hạn được gia hạn. Trong 11 tháng của năm, tổng thu đã vượt dự toán năm 2021 (cao hơn 3,4%). Tổng chi ngân sách tăng 9,4% trong tháng 11 (so với cùng kỳ năm trước), lần tăng đầu tiên kể từ tháng 4/2021, nhờ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (tăng trên 150% so với cùng kỳ năm trước).

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới khuyến nghị chính sách sống chung với Covid-19 đòi hỏi các cấp có thẩm quyền phải tiếp tục thận trọng và hành động nhanh chóng. Mặc dù tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm đang theo xu hướng giảm, nhưng số ca nhiễm mới đang gia tăng nhanh chóng. Chính vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine, các biện pháp thận trọng về giãn cách xã hội, xét nghiệm và cách ly y tế vẫn có vai trò quan trọng để tránh dẫn đến một làn sóng lây nhiễm mới, ảnh hưởng đến sinh mạng và buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới.

Về chính sách tài khóa, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, trong thời gian tới, Chính phủ cần phải hỗ trợ thúc đẩy cầu từ khu vực tư nhân để giúp khôi phục kinh tế trong nước và đóng góp cho tăng trưởng.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh: “Hướng đi cần thiết để phục vụ mục tiêu này là hỗ trợ tài chính cho người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng. Với dư địa tài khóa hiện có và những khó khăn được ghi nhận trong thực hiện chi ngân sách năm 2021, Chính phủ có thể cân nhắc các biện pháp về thu ngân sách để hỗ trợ tổng cầu trong nước. Đó có thể là giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 để hỗ trợ tiêu dùng tư nhân. Cần tiếp tục theo dõi sát khu vực tài chính”.


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Xóa ám ảnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Xóa ám ảnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã "rã đông" nhưng vẫn chưa thực sự khởi sắc bởi tâm lý nhà đầu tư chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh. Xếp hạng tín dụng được xem là một giải pháp tăng niềm tin đầu tư, nâng bền vững thị trường.

Xe điện khuấy động thị trường taxi

Xe điện khuấy động thị trường taxi

Tiềm năng của thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam còn rất lớn, các doanh nghiệp dẫn đầu đang vẽ lại bức tranh thị trường

Quyết liệt kiểm soát thị trường vàng

Quyết liệt kiểm soát thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai ngay giải pháp tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch cao

NHNN đề xuất giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng nhận chuyển giao TCTD yếu kém

NHNN đề xuất giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng nhận chuyển giao TCTD yếu kém

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30/2019/TT-NHNN quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung 4 điều trong Thông tư 30 là Điều 3, Điều 7, Điều 13 và Điều 16.

Giá vàng liên tục "nhảy số", bất thường nằm ở đâu?

Giá vàng liên tục "nhảy số", bất thường nằm ở đâu?

Giá vàng không còn đứng ở mức đỉnh "chót vót" ghi nhận trong ngày hôm qua đối với vàng nhẫn 9999, song giá vàng miếng SJC vẫn đang "đu đỉnh" gần 85 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia chỉ điểm "bình thường" và "bất thường" khi vàng "nhảy múa".

Đất nền tan băng nhưng khó sốt

Đất nền tan băng nhưng khó sốt

Trong khi phân khúc chung cư tăng giá vùn vụt suốt cả năm 2023 kéo dài tới hiện tại vẫn ở biểu đồ đi lên thì đất nền, nhất là đất ven đô lại "ngủ" khá lâu.