Hai tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Mỹ đua tìm hàng Việt để bán cho cả thế giới

Hồng Phúc - Thu Hoài Thứ hai, ngày 18/09/2023 10:59 AM (GMT+7)
Năm 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã bán gần 10 triệu sản phẩm trên Amazon, số lượng nhà cung cấp Việt Nam của Amazon tăng đến 80%. Walmart cũng muốn tăng tốc trong cuộc đua thương mại điện tử này khi tìm kiếm thêm các nhà cung cấp Việt.
Bình luận 0

Tại chương trình tìm kiếm nhà cung ứng Việt diễn ra tại TP.HCM tuần qua, tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart bày tỏ mong muốn tìm kiếm thêm nhà cung cấp Việt Nam. 

Đáng chú ý, một trong những vấn đề được Walmart đề cập khi tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam là vấn đề kinh doanh trên sàn thương mại điện tử của Walmart. 

Hai tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Mỹ đua tìm hàng Việt để bán cho cả thế giới - Ảnh 1.

Walmart tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam tại chương trình kết nối chuỗi cung ứng quốc tế năm 2023, tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: MOIT

Bà Anita Xiao - đại diện bộ phận phát triển kinh doanh Walmart, cho biết Walmart cung cấp những trải nghiệm mua sắm hàng đầu thế giới với số lượng sản phẩm vô cùng lớn để khách hàng lựa chọn. Hiện khách hàng tham gia mua sắm trên sàn thương mại điện tử của Walmart ngày càng nhiều, trong vòng 2 năm đã tăng 90%.

Theo bà Anita, sàn thương mại điện tử của Walmart là công cụ để các nhà cung cấp có thể tiếp cận nhiều khách hàng. Các sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử đều dễ dàng được khách hàng nhìn thấy.

Phía Walmart hỗ trợ các doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến cung ứng, marketing, quảng bá sản phẩm và cung cấp thông tin thị trường.

“Chúng tôi có chính sách hỗ trợ giao các sản phẩm kích cỡ lớn hay các sản phẩm phức tạp như đàn guitar. Chúng tôi luôn hỗ trợ cho các sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận khách hàng”, bà Anita nói.

Ông Avaneesh Gupta - Phó Chủ tịch cấp cao Walmart, cho biết Walmart luôn đề cao chất lượng hàng hóa phục vụ khách hàng, doanh nghiệp bày tỏ thiện chí trở thành đối tác của các doanh nghiệp Việt. Đặc biệt, phía Walmart đề cao tinh thần làm việc của các doanh nghiệp uy tín, có tầm nhìn lâu dài và phát triển bền vững.

Trong khi đó, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đến từ Hoa Kỳ thời gian qua cũng đang tích cực tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam và khuyến khích doanh nghiệp Việt đưa sản phẩm lên sàn Amazon. 

Hai tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Mỹ đua tìm hàng Việt để bán cho cả thế giới - Ảnh 3.

Amazon tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam và hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn. Ảnh: Hồng Phúc

Chỉ riêng Amazon, năm 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã bán gần 10 triệu sản phẩm trên các gian hàng trực tuyến của sàn này trên toàn cầu, giá trị xuất khẩu trên nền tảng tăng hơn 45%. Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon tăng hơn 80%, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Theo Amazon, thương mại điện tử xuyên biên giới giúp đa dạng phương thức kinh doanh, tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng thay vì qua nhiều khâu như xuất nhập bán sỉ, lẻ…

Các nhà bán hàng thành công trên Amazon là các nhà sản xuất có thế mạnh về sản xuất sản phẩm, giá thành, nghiên cứu sản phẩm mới. Những ngành hàng bán chạy nhất trên Amazon là nhà bếp, nhà cửa, dệt may, sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân, tiện ích gia đình.

Các tập đoàn bán lẻ lớn khác cũng nhận định thương mại điện tử đang là xu hướng. Ông Paul Le - Phó Giám đốc Central Retail Việt Nam, đánh giá từ lúc dịch Covid-19 xảy ra, người tiêu dùng thay đổi thói quen, đẩy mạnh tiêu dùng, mua sắm online. Đây là xu hướng trong tương lai.

Ông Paul khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, tìm hiểu sản phẩm, thị trường. Để duy trì sản xuất hàng hóa, đầu tiên nhà cung cấp phải hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu, lợi thế sản phẩm của mình so với mặt hàng cùng loại đến từ thương hiệu khác.

“Nhà cung cấp phải hiểu khả năng sản xuất sản phẩm của mình. Đồng thời, nhà cung cấp phải tìm hiểu nguyên tắc hoạt động của siêu thị, biết rõ lợi thế của mình, khác biệt so với sản phẩm cùng loại khác. Ví dụ sản phẩm của mình có ít đường, không sử dụng đường hay sử dụng đường organic, thương hiệu đẹp hơn, thiết kế tốt hơn, sản phẩm in bao bì song ngữ…”, Phó Giám đốc Central Retail Việt Nam gợi ý.

Đặc biệt, theo ông Paul, muốn đưa hàng hóa ra quốc tế, bản thân doanh nghiệp phải học tiếng Anh vì kỹ năng giao tiếp, kết nối trong lúc giao thương là một yếu tố rất quan trọng để đưa sản phẩm Việt xuất ngoại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem