Vụ Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam: Nhiều phụ huynh lo lắng về việc chuyển nhượng trường

Mỹ Quỳnh Thứ năm, ngày 04/04/2024 14:02 PM (GMT+7)
Trường hợp chuyển nhượng trường, phụ huynh và các chủ đầu tư phải được tham gia vào quá trình đàm phán, thương lượng chuyển nhượng để bảo vệ quyền lợi của mình.
Bình luận 0

Những ngày qua, lùm xùm nợ lương, nợ bảo hiểm... tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) khiến giáo viên nghỉ dạy, hơn 1.200 học sinh phải tạm nghỉ học là thông tin được dư luận đặc biệt quan tâm. Ở thời điểm hiện tại, phụ huynh đã đóng góp thêm tiền và học sinh AISVN đã được đi học trở lại theo đúng phương án ngắn hạn mà chủ trường đưa ra.

Vụ Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam: Nhiều phụ huynh lo lắng về việc chuyển nhượng trường- Ảnh 1.

Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam đã đón học sinh đi học trở lại từ 3/4. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Tuy nhiên, AISVN hoạt động trở lại theo phương án ngắn hạn từ nay đến hết năm học 2023-2024. Theo kế hoạch tái cơ cấu để duy trì ổn định hoạt động của trường do bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch HĐQT AISVN trình UBND và Sở GDĐT TP.HCM, về phương án dài hạn, chủ trương của trường là chào đón tất cả nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính và khả năng tham gia vào việc chuyển nhượng, ưu tiên cho phụ huynh có con em đang theo học tại AISVN.

Với phương án dài hạn này, nhiều phụ huynh rất băn khoăn, lo lắng, không biết chủ trường có thực hiện được để ổn định nhà trường hay không. Càng lo lắng hơn khi trước đó, UBND TP.HCM chỉ đạo Sở GDĐT đình chỉ tuyển sinh trong năm 2024-2025 tại AISVN cho đến khi nhà đầu tư giải quyết hoàn tất các vấn đề về tài chính và nhân sự, ổn định công tác tổ chức hoạt động giáo dục; đình chỉ hoạt động AISVN nếu không giải quyết được các vấn đề về tài chính và nhân sự hiện nay.

Vụ Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam: Nhiều phụ huynh lo lắng về việc chuyển nhượng trường- Ảnh 2.

Học sinh AISVN hào hứng trở lại lớp học sau vài ngày tạm nghỉ. Ảnh: PHCC

Nếu chuyển nhượng trường, phụ huynh phải làm gì?

Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh là điều dễ hiểu. Giả sử chủ trường chuyển nhượng cho đối tác khác thì đối tác nào tiếp quản và các điều khoản thỏa thuận sẽ có ảnh hưởng lớn đối với chủ đầu tư.

Vụ Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam: Nhiều phụ huynh lo lắng về việc chuyển nhượng trường- Ảnh 3.

Chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam

Do đó, nếu trường hợp này xảy ra, phụ huynh hay các chủ đầu tư phải có ban đại diện tham gia vào việc thương lượng chuyển nhượng, hoặc ít ra phải được cập nhật tiến trình chuyển nhượng, bàn giao hay góp vốn thêm...

"Nếu điều khoản giữa chủ trường và nhà đầu tư mới (người mua lại cổ phần, góp vốn thêm, nâng tỷ lệ để nắm quyền kiểm soát vận hành) không nhắc đến việc đền bù hoặc chi trả lại vốn cho phụ huynh, chủ đầu tư do chủ trường ký kết thì sẽ dẫn đến rắc rối lớn về mặt pháp lý. Nếu điều khoản thỏa thuận nêu rõ, chủ trường mới không chịu trách nhiệm với những chuyện cũ, thì đây là vấn đề cực kỳ lớn, bởi người cũ ghi nợ nhưng người mới không có trách nhiệm trả nợ", ông Phương nhấn mạnh.

Tóm lại, ông Phương cho rằng, phụ huynh và các chủ đầu tư phải được tham gia vào quá trình đàm phán, thương lượng chuyển nhượng để bảo vệ quyền lợi của mình.

Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, hiện mức chế tài về huy động vốn trong lĩnh vực giáo dục vẫn còn rất thấp so với các lĩnh vực khác như chứng khoán, bất động sản...

Vụ Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam: Nhiều phụ huynh lo lắng về việc chuyển nhượng trường- Ảnh 4.

Luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM). Ảnh: NVCC

Gần đây, một số chủ đầu tư góp vốn trong lĩnh vực giáo dục đã làm đơn gửi cơ quan chức năng về việc không thu hồi được vốn đã đóng góp như cam kết. Tùy theo kết quả điều tra, cơ quan chức năng sẽ có mức xử lý nếu xác định tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" hoặc "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Cụ thể, nếu cơ quan điều tra xác định trung tâm, trường học sử dụng nguồn tiền huy động được từ phụ huynh vào mục đích bất hợp pháp như kinh doanh chứng khoán, đầu tư bất động sản... mà không đầu tư vào hoạt động phát triển của trường dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản theo cam kết như hợp đồng đã ký; hoặc dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản có được thông qua hình thức hợp đồng góp vốn; hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả... thì có thể đối diện với tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Mức hình phạt cao nhất cho tội danh này lên đến 20 năm tù được quy định tại Điều 175 BLHS 2015.

Trường hợp, kết luận điều tra có những dấu hiệu như trường học, trung tâm dùng thủ đoạn gian dối để lừa phụ huynh ký hợp đồng vay tài sản nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản có thể bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" . Tùy theo giá trị tài sản lừa đảo chiếm đoạt mà có thể đối diện với mức hình phạt cao nhất đến 20 năm hay tù chung thân theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015.

Bên cạnh đó, mô hình hoạt động của các trường học ngoài công lập được vận hành theo Luật Doanh nghiệp. Do đó, khi trường hoạt động không hiệu quả, bị thua lỗ nhiều... thì trường có thể nộp đơn xin phá sản theo Luật Phá sản. Lúc này thứ tự ưu tiên thanh toán khi phá sản là ngân hàng, cơ quan thuế, người lao động rồi mới đến chủ đầu tư, phụ huynh. Với chủ đầu tư, ai nộp đơn trước và có bản án sớm nhất sẽ được ưu tiên trả trước dựa trên tài sản còn lại của trường/trung tâm...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem