![]() |
|
Trong tuần qua, sau đà giảm điểm mạnh trong phiên đầu tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng điểm trở lại, với phiên cuối tuần chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.166,78 điểm, tăng 2,57 điểm.
Điểm nhấn thị trường tuần qua có thể điểm qua một số mốc quan trọng như, trước nhận định lạc quan của Standard Chartered về GDP của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 đạt 7,8%. Phản ứng trước thông tin trên, cổ phiếu ngân hàng tăng giá ở CTG (+1,6%), VPB (+0,8%).
Cũng theo Standard Chartered, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong khu vực của dòng vốn FDI, giúp tác động tích cực đến cổ phiếu nhóm bất động sản khu công nghiệp như KBC (+6,9%), LHG (+3,9%).
Theo Hiệp hội thép Việt Nam, giá thép toàn cầu đã ở mức cao trong giai đoạn cuối năm 2020 và phần lớn đà tăng có khả năng tiếp tục kéo dài ít nhất đến nửa đầu năm 2021 giúp cổ phiếu nhóm thép tăng giá NKG (+1,5%), HSG (+1,0%).
Còn về nhóm bất động sản tăng giá ở một số mã DXG (+7,0%), KDH (+2,9%) sau thông tin UBND TP HCM vừa có văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, UBND quận huyện thực hiện tốt nhiệm vụ về Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Công ty chứng khoán Securities Việt Nam (KBSV) dự báo VN-Index sẽ diễn biến rung lắc trong biên độ hẹp, hình thành mẫu nến doji trung tính. KBSV cho rằng vùng kháng cự quanh 1.175 điểm đang tạo lực cản cho chỉ số và đây cũng là ngưỡng chặn cần phải vượt qua để xác nhận cơ hội vượt đỉnh rõ ràng hơn cho thị trường. Do đó, nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ vị thế trung hạn và có thể tiếp tục duy trì một phần vị thế trading đã mua tại vùng hỗ trợ gần, kỳ vọng vào khả năng vượt cản thành công.
Trong khi đó, theo chuyên gia phân tích từ VNDirect, dựa vào mức P/E của VN-Index, thị trường còn nhiều dư địa tăng trưởng. Tại ngày 21/01/2021, P/E của chỉ số VN-Index đạt mức 19,4 lần (theo Bloomberg). Mức định giá thị trường hiện tại đã nhỉnh hơn mức P/E bình quân 5 năm của VN-Index là 16,2x, tuy nhiên vẫn tương đối hấp dẫn nếu so sánh với mức bình quân của thị trường chứng khoán trong khu vực Đông Nam Á (khoảng 26,3 lần).
Với mặt bằng lãi suất thấp như hiện tại, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty chứng khoán VNDIRECT cho rằng, việc thị trường được trả premium so với mức bình quân 5 năm là hợp lý. Hiện mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm của các ngân hàng thương mại bình quân ở mức khoảng 5,6%/năm, do đó mức P/E của thị trường trong khoảng 16,5-17,5 lần là khá hợp lý.
Mặc dù mức P/E hiện tại của thị trường nhỉnh hơn mức này, tuy nhiên với dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ phục hồi kể từ Qúy 4/2020 thì mức P/E của thị trường sẽ được kéo giảm về mức hấp dẫn hơn.
Cụ thể, ông Hinh ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021 trên VN-Index sẽ tăng trưởng xấp xỉ 23% so với cùng kỳ, thấp hơn so với dự phóng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong coverage của VNDirect là 36% so với cùng kỳ.
Hiện tại, P/E forward 2021 của chỉ số VN-Index ở mức 15,7 lần, vẫn thấp hơn so với mức P/E bình quân 5 năm là 16,2 lần và vẫn nằm dưới vùng định giá hợp lý (khoảng 16,5-17,5 lần). Do đó, ông Hinh cho rằng chỉ số VN-Index hiện vẫn còn dư địa tăng trưởng.
Gửi bình luận