Ngày 10/8, hãng hàng không Vietnam Airlines vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2020.
Theo đó, trong năm 2019, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ở mức kỷ lục vượt 100.000 tỷ đồng, cụ thể là 100.316 tỷ đồng, tăng 1,4% so sánh cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất lớn nhất từ trước đến nay, đạt 3.389 tỷ đồng, tăng 2,3% so sánh cùng kỳ.
Trong đó, công ty mẹ đóng góp 74.694 tỷ đồng doanh thu và 2.899 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 20% so với cùng kỳ và vượt hơn 8,3% so với chỉ tiêu đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 đề ra. Tổng các khoản nộp ngân sách (hợp nhất) đạt gần 7.930 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2018.
Kết quả sản xuất kinh doanh khả quan trên đã giúp cải thiện các chỉ số tài chính của Vietnam Airlines, nâng cao khả năng tự chủ về vốn và khả năng an toàn tài chính. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu đã về mức 2,7 lần, tiếp tục xu hướng giảm so với các năm trước.
Bên cạnh đó, trong năm 2019, Vietnam Airlines đã thực hiện thành công 135.000 chuyến bay với 22,9 triệu lượt hành khách được vận chuyển an toàn, chất lượng dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế 4 sao; chỉ số đúng giờ các chuyến bay (OTP) đạt xấp xỉ 90%. Năng suất lao động của Vietnam Airlines tiếp tục được nâng cao; thu nhập và phúc lợi của người lao động tiếp tục được cải thiện.
Ngoài ra, từ ngày 7/5/2019, Vietnam Airlines đã hoàn tất thủ tục để chính thức niêm yết cổ phiếu HVN trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Việc chuyển niêm yết lên sàn HoSE tạo điều kiện thuận lợi để Tổng công ty nâng cao uy tín, minh bạch thông tin, tăng tính thanh khoản của cổ phiếu và tiếp cận nhiều nguồn huy động vốn mới từ các nhà đầu tư.
![]() |
Vietnam Airlines tổ chức đại hội đồng cổ đông, đề mục tiêu phát triển thời gian tới. Ảnh: VNA |
Theo đại diện Vietnam Airlines, hiện tại đơn vị đang đối diện với cuộc khủng hoảng hàng không toàn cầu gây ra bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn chưa từng có, Vietnam Airlines đã tiếp tục giữ vững hoạt động sản xuất.
Cụ thể, Vietnam Airlines đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó cấp bách, trong đó tập trung điều chỉnh quy mô sản xuất kinh doanh; cắt giảm tối đa chi phí, đặc biệt là các chi phí cố định, chi phí đảm bảo hoạt động... Nhờ những nỗ lực trên, Vietnam Airlines đã cắt giảm được hơn 5.000 tỷ đồng do chủ động tiết kiệm.
Trong tình hình khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch, để đảm bảo dòng tiền và cân đối tài chính trong năm 2020 và các năm tới, Vietnam Airlines không tiến hành chia cổ tức năm 2019 cho các cổ đông.
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 được đại hội cổ đông thông qua, Vietnam Airlines đặt mục tiêu dần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh với các chỉ tiêu tổng sản lượng vận chuyển hành khách là 14,5 triệu lượt, doanh thu hợp nhất là 40.586 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ là 32.535 tỷ đồng. Mức lỗ hợp nhất không vượt 15.177 tỷ đồng, mức lỗ công ty mẹ không vượt 14.487 tỷ đồng.
Giai đoạn nửa cuối năm 2020, Vietnam Airlines đã báo cáo và đề xuất với cổ đông nhà nước (với tư cách là cổ đông lớn đang sở hữu trên 86% cổ phần) để có thêm các giải pháp hỗ trợ như tăng vốn, cho vay để đảm bảo dòng tiền duy trì hoạt động. Vietnam Airlines tiếp tục tăng cường khai thác kích cầu nội địa, có thể khai thác trở lại một số đường bay quốc tế trên cơ sở tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh của Chính phủ và nhà chức trách các nước sở tại.
Đồng thời, hãng đẩy mạnh tìm kiếm các cơ hội khai thác hàng hóa, thuê chuyến, tận dụng cơ hội tăng doanh thu và tiếp tục cắt giảm triệt để chi phí để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Song song với việc từng bước khôi phục hoạt động từ nay đến năm 2022, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch phát triển đội máy bay tầm nhìn đến năm 2030, nâng cao chất lượng dịch vụ hướng tới trở thành hãng hàng không 5 sao và ứng dụng công nghệ thông tin theo định hướng hãng hàng không số.
Gửi bình luận