Vì sao số ca Covid-19 ở Hà Nội liên tục cứ xấp xỉ 3.000 ca mỗi ngày?

Gia Khiêm Thứ năm, ngày 10/02/2022 14:17 PM (GMT+7)
Nhiều ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội thường ở ngưỡng xấp xỉ 3.000 người mỗi ngày. Chuyên gia y tế cho rằng con số này chưa thực sự chính xác bởi có nhiều trường hợp tự xét nghiệm tại nhà không khai báo y tế.
Bình luận 0

 Vì sao số ca Covid-19 ở Hà Nội liên tục xấp xỉ 3.000 ca/ngày suốt 1 tháng qua? 

Khoảng 1 tháng nay, Hà Nội liên tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 một ngày xấp xỉ gần 3.000 trường hợp. Số liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho thấy, số ca mắc mới Covid-19 ngày 9/2 là 2.949 ca bệnh. Số ca mắc vào ngày 8/2 là 2.903 ca bệnh; ngày 7/2 là 2.988 ca bệnh… 

Dịp trước Tết nguyên đán Nhâm Dần, số ca mắc Covid-19 tại Thủ đô cũng dao động ở mức 2.800 - gần 3.000 ca mỗi ngày. Số ca mắc được phân bố tại các xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã của thành phố.

Vì sao số ca Covid-19 ở Hà Nội liên tục chỉ xấp xỉ 3.000 ca trong ngày, còn đáng lo ngại? - Ảnh 1.

Khoảng 1 tháng nay, Hà Nội liên tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 một ngày xấp xỉ gần 3.000 trường hợp. Ảnh: CDC Hà Nội

Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, nhiều người băn khoăn vì sao suốt thời gian dài, số ca mắc ở Hà Nội chỉ dao động 2.800 - 2.900 ca, không tăng lên nhưng cũng không giảm xuống một cách rõ rệt. Một số ý kiến lo lắng về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". Đồng thời, cũng có ý kiến băn khoăn về việc con số nằm trong "ngưỡng" 3.000 ca mắc Covid-19 liệu có đảm bảo tính chính xác. 

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, số ca mắc hiện nay đang được thống kê không phải con số thực tế chuẩn xác nhất. 

Vì sao số ca Covid-19 ở Hà Nội liên tục chỉ xấp xỉ 3.000 ca trong ngày, còn đáng lo ngại? - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng. Ảnh: NVCC

Lý giải về điều này, ông Phu cho rằng, hiện nhiều trường hợp xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không khai báo y tế, tự điều trị cách ly tại nhà. Có trường hợp không có triệu chứng, không xét nghiệm nên không biết được mình bị nhiễm Covid-19.

"Hiện nay dịch Covid-19 không về "Zero F0" như trước nhưng cũng khẳng định dịch bệnh tại Hà Nội chưa bùng phát mạnh và vẫn đang kiểm soát được. Tất nhiên số ca bệnh hiện đang thống kê không phải con số chuẩn xác thực tế nhưng phải khẳng định dịch tại Hà Nội vẫn chưa vỡ trận. 

Bên cạnh đó, số ca nặng và số ca tử vong có chiều hướng giảm chứng tỏ vẫn đang được kiểm soát. Hà Nội cần tiếp tục theo dõi số ca nhiễm trong cộng đồng. Lúc nào thành phố thấy rằng hệ thống y tế quá tải, lúc đó phải có giải pháp ngay nếu không 'bung' sẽ vỡ trận. Ngành y tế phải liên tục theo dõi vấn đề này", ông Phu nhấn mạnh.

Vì sao số ca Covid-19 ở Hà Nội liên tục chỉ xấp xỉ 3.000 ca trong ngày, còn đáng lo ngại? - Ảnh 3.

Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Ảnh: Gia Khiêm

Hiện nay, có trường hợp người dân tự xét nghiệm tại nhà, phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không thông báo cho ngành y tế. Ông Phu cho rằng, người dân phải khai báo cho ngành y tế nắm được để có phương án điều trị phù hợp. 

"Thứ nhất, khai báo để nhân viên y tế tư vấn, giám sát. Thứ 2 y tế nắm được để chuẩn bị phương án nếu chuyển nặng sẽ can thiệp. Biến chủng Covid-19 thay đổi thất thường nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến nguy hiểm. Thứ 3 bệnh lây nhiễm phải báo để ngành y tế nắm được chiều hướng dịch tiến triển ra sao", ông Phu lý giải.

Hà Nội nên tiếp tục làm gì kiểm soát dịch Covid-19?

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, có thể có nhiều lý do khác nhau mà việc cập nhật các con số về các ca bệnh chưa thật sự toàn diện như những băn khoăn đã đặt ra.

Theo ông Hùng, không loại trừ có trường hợp bệnh nhân không liên lạc được với hệ thống y tế cơ sở hay không khai báo mà tự điều trị tại nhà cho tới khi khỏi bệnh… Cùng với đó, với hàng nghìn ca mắc Covid-19 mỗi ngày, việc xét nghiệm các đối tượng liên quan cũng không thể thực hiện được do nguồn lực của hệ thống y tế cơ sở có hạn.

Vì sao số ca Covid-19 ở Hà Nội liên tục chỉ xấp xỉ 3.000 ca trong ngày, còn đáng lo ngại? - Ảnh 4.

Bác sĩ Bệnh viện điều trị Covid-19 - Đại học Y Hà Nội điều trị cho F0 nặng. Ảnh: Gia Khiêm

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, thời gian số ca mắc vẫn tăng song không đột biến. Trong khi đó, người bệnh nặng, hay số ca tử vong của Hà Nội so với cả nước khá thấp. Như vậy cho thấy, dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát. 

"Việc tăng hay giảm vài trăm ca mỗi ngày cũng không thể hiện rõ tình hình dịch. Con số F0 là 2.000, 3.000 hay thậm chí là 4.000 cũng không có quá nhiều ý nghĩa. Xét trong tổng thể, hiện nay, đa số người dân đều đã được tiêm vaccine 2 mũi, thậm chí mũi 3 cũng đã tăng năng lực bảo vệ lên nhiều", ông Hùng phân tích.

Ông Hùng nhấn mạnh, điều quan trọng cần quan tâm hơn đó là các trường hợp bệnh nặng, trường hợp có bệnh nền cần phân tầng điều trị hơn là thống kê tổng số ca mắc.

"Có nhiều trường hợp F0 nhưng ở thể nhẹ chỉ qua một vài ngày là khỏi. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp có bệnh nền, có triệu chứng nặng hay người già thì cũng cần có sự phân loại để có thể chuyển tầng trong điều trị, tránh những trường hợp xấu xảy ra", ông Hùng nói.

Nhưng để làm được điều này thì việc cập nhật thông tin của người dân trên hệ thống khai báo điện tử hoặc liên hệ với các cơ sở y tế cần được thuận tiện hơn. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho công tác sàng lọc, phân loại và hỗ trợ bệnh nhân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem