Nghệ sĩ khá giả được nhận tiền hỗ trợ, nhân viên hậu đài lại bị bỏ quên: Công bằng ở đâu?

Khánh Đăng Thứ tư, ngày 01/09/2021 15:40 PM (GMT+7)
Việc nhiều nghệ sĩ tên tuổi được xếp vào hàng có điều kiện có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ khó khăn do Covid-19 đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Giá như các đơn vị nghệ thuật "linh hoạt hóa" chủ trương từ đầu thì đã không xảy ra sự việc ồn ào này.
Bình luận 0

Chính sách hỗ trợ đúng nhưng chưa trúng?

Cho đến bây giờ, thông tin nhiều diễn viên "đình đám" của màn ảnh Việt như: Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh, Thuý Hà, Tiến Minh… có tên trong danh sách 99 viên chức hạng IV của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội được nhận hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 vẫn gây ngỡ ngàng cho nhiều người. Không chỉ người ngoài cuộc mà cả người trong cuộc.

Vì sao nghệ sĩ có điều kiện được nhận gói hỗ trợ, nhân viên hậu đài lại bị bỏ quên? - Ảnh 1.

Hồng Đăng, Ngọc Quỳnh, Thanh Hương gây tranh cãi khi có tên trong danh sách được nhận gói hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 dành cho viên chức hạng IV. Ảnh: TL.

Bản thân diễn viên Thanh Hương khi chia sẻ với Dân Việt cũng cho biết: "Tôi cũng mới biết sáng hôm qua (31/8) khi đọc thông tin trên báo chí. Tôi cũng bất ngờ khi thấy tên mình có trong danh sách được nhận hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19. 

Tôi có hỏi lại Nhà hát mới biết đây là gói hỗ trợ theo quy định của Chính phủ dành cho viên chức hạng IV, có bậc lương rất thấp. Thật ra, nghệ sĩ ở các Nhà hát lương rất thấp, đa số đều nghèo. Nếu trong thời gian dịch bùng phát mà không thể làm thêm ở ngoài cũng sẽ không có thu nhập. Vì thế, gói hỗ trợ lúc này là sự giúp đỡ kịp thời và đầy tính nhân văn".

Nhiều người cũng nhận định rằng, gói hỗ trợ này thực sự rất cần thiết và rất nhân văn đối với các nghệ sĩ thuộc viên chức hạng IV, có mức lương thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, các diễn viên, đạo diễn, họa sĩ công tác tại các đơn vị nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, Chèo, Cải lương... rất khó khăn khi lương thấp, không có nguồn thu bên ngoài. 

"Gói hỗ trợ của Chính phủ với nghệ sĩ thuộc viên chức hạng IV lúc này là rất đáng quý và nhân văn. Mong sao gói không bị chậm lại vì những ý kiến tiêu cực. Và cũng mong các nghệ sĩ ở các nhà hát, đoàn nghệ thuật của các tỉnh cũng sớm được nhận hỗ trợ từ Chính phủ để sớm vượt qua khó khăn do dịch bệnh và có động lực để tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật, xã hội", đạo diễn Đỗ Thanh Sơn phát biểu.

Thực tế là nếu có sự linh hoạt ngay từ khi lập danh sách nghệ sĩ thuộc viên chức hạng IV của các Nhà hát/Đơn vị nghệ thuật thì đã không có chuyện ồn ào xảy ra. Và cũng sẽ không có chuyện, nghệ sĩ được xếp vào hạng có "điều kiện" (nhiều nguồn thu nhập bên ngoài như: đóng phim, quảng cáo, đại sứ thương hiệu và kinh doanh) lại được hỗ trợ, còn các nhân viên hậu đài (âm thanh, ánh sáng, thiết kế, phục trang) đời sống khó khăn lại không được. Điều này dẫn đến một thực tế, chính sách thì đúng đắn mà phương pháp thực thi lại bị cứng nhắc và chưa đúng đối tượng.

Đặc biệt, Bộ VHTT&DL, Sở VHTT/Sở VHTT&DL là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm triển khai chính sách này xuống các đơn vị nghệ thuật đã không có sự chỉ đạo cụ thể để "linh hoạt hoá" chủ trương cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cần điều chỉnh chính sách để hỗ trợ đúng đối tượng

Trao đổi với Dân Việt, đại diện Bộ VHTT&DL cho biết, gói hỗ trợ lần này được dành cho hai đối tượng thuộc lĩnh vực nghệ thuật và du lịch. Nghệ thuật là các đạo diễn, họa sĩ và diễn viên thuộc viên chức hạng IV. Du lịch là các hướng dẫn viên quốc tế và nội địa có thẻ hướng dẫn viên còn hạn sử dụng. Bộ giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn và Tổng Cục Du lịch Việt Nam lên kế hoạch để triển khai đến các Sở VHTT/Sở VHTT&DL và các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ. 

Ngay khi sự việc ồn ào liên quan đến chuyện nhiều nghệ sĩ không quá khó khăn nhưng vẫn có tên trong danh sách nhận hỗ trợ, Bộ đã đề nghị các đơn vị có liên quan rà soát danh sách để có báo cáo cụ thể nhằm điều chỉnh cho sát với thực tế.

Riêng phía Cục Nghệ thuật Biểu diễn, ông Trần Hướng Dương – Phó Cục trưởng chia sẻ với Dân Việt rằng: "Dưới góc độ cá nhân, tôi thấy các tiêu chí để phân loại đối tượng được nhận hỗ trợ khó khăn do Covid-19 hoàn toàn phù hợp. Vì rõ ràng, ở các đơn vị nghệ thuật, viên chức hạng IV là những người có mức lương cơ bản rất thấp và đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. 

Và những ai thuộc diện này đều rất đáng được hỗ trợ. Các đơn vị chủ quản của họ cũng không được phép cắt bỏ đi quyền lợi mà họ được hưởng bởi đã xét theo tiêu chí thì phải công bằng. Không thể dựa theo dư luận để đánh giá cảm tính rằng, nghệ sĩ này giàu có, nghệ sĩ kia nghèo khổ.

Chỉ có điều, nếu linh hoạt và mềm dẻo hơn thì khi lập danh sách, các đơn vị có thể chủ động thông báo với từng cá nhân để ai cảm thấy mình không quá khó khăn để phải nhận hỗ trợ thì nhường suất đó cho người khác.

Còn nói Bộ VHTT&DL, Cục Nghệ thuật Biểu diễn phải có sự rà soát để gói hỗ trợ trao đúng đối tượng là bất khả thi. Vì đây là gói hỗ trợ kịp thời, không thể có đủ thời gian và nhân lực để ngồi rà soát theo từng cá nhân được. Kể cả cấp Sở cũng không thể làm được việc đó chứ đừng nói là cấp Cục, Bộ".

NSND Quốc Anh - Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội chia sẻ với Dân Việt rằng, tiêu chí hỗ trợ cho diễn viên, đạo diễn, họa sĩ hạng IV vẫn chưa thực sự sát với thực tế. Vì có diễn viên thuộc viên chức hạng IV công tác lâu năm, lương bằng với diễn viên hạng III, thu nhập cao hơn nhưng lại được hỗ trợ. Trong khi đó, Nhà hát không chỉ có diễn viên mà còn có nhân viên hậu đài, phục trang, ánh sáng... 

Đây là những đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất khi dịch Covid-19 bùng phát với đồng lương eo hẹp, không có bồi dưỡng thêm. Nhưng căn cứ theo tiêu chí đưa ra thì họ lại không nằm trong diện được trợ cấp. Vì vậy, NSND Quốc Anh cho rằng, cần phải rà soát lại để chính sách đến đúng đối tượng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem