Cuối năm ấy tôi nhận nhà. Một căn hộ be bé nằm trong dự án nhà ở xã hội, phần lớn là nhờ vay mượn từ ngân hàng và bạn bè. Vì là năm đầu tiên nhận nhà, nghe lời một người bạn, Tết năm đó tôi ở lại Sài Gòn để hương khói, cho căn nhà đỡ quạnh quẽ.
Trước đó, hơn một lần, trong tôi đã từng có mong muốn được “ăn Tết ở một nơi xa” nhưng hầu như chưa năm nào mong muốn đó thành hiện thực. Bởi mỗi độ cuối năm, nhất là vào những ngày tháng Chạp, khi biết rằng Tết đã cận kề là tôi lại nóng lòng không yên. Bao nhiêu quyết tâm phút chốc “xì khói”, thể nào tôi cũng lên mạng đặt vé máy bay. Và cũng thật nực cười, quyết tâm hừng hực là thế nhưng chỉ đến khi mã đặt chỗ được gửi về hộp thư điện tử thì lúc đó tôi mới thực sự an tâm!
![]() |
Tết cổ truyền của người Việt mang đậm tính chất cầu tài lộc, bình an, may mắn. Ảnh: Phạm Thắng. |
Lần này tôi đã có lý do để thực hiện kế hoạch mà rất nhiều lần đã không thành. Ấy là ăn Tết ở Sài Gòn!
Có điều, vì không muốn gia đình phải lo lắng nên tôi vẫn chưa dám nói với người nhà về căn hộ mà mình vừa nhận. Vậy nên, mấy lần mẹ gọi điện vào, tôi nửa đùa nửa thật: “Tết năm nay em không về đâu. Phải trực mẹ ơi!”. Vì tôi từng nói câu nói này với mẹ không ít lần nên mẹ cũng nửa tin nửa ngờ. Cho đến đêm giao thừa, khi đã chắc mẩm đứa con út không về thì mẹ gọi điện, giọng sụt sùi: “Không về thật hả em? Rồi trong đó có gì ăn không?”...
Biết ở bên kia mẹ đang khóc, lòng tôi theo đó cũng rối lên. Tôi bần thần nhìn mâm cúng giao thừa mà mình vừa bày biện. Thì ra, cảm giác “ăn Tết ở một nơi xa” là như vậy. Trống trải và quạnh vắng. Là rất nhiều thương lo từ phía quê nhà mà không phải lúc nào mình cũng cảm nhận được. Tôi nhớ đến những ngày Tết trước, khi được quây quần bên gia đình. Dẫu chỉ là những cái Tết đơn sơ nhưng sao mà ấm áp, sao mà yên vui. Tôi cũng nhớ đến những món ăn mẹ nấu, nhớ cả những tiếng nói tiếng cười xôn xao của anh chị, của những đứa cháu trong nhà.
Tất cả hiện lên như một thước phim, chân thực đến không thể chân thực hơn. Thước phim ấy là sự đồng hiện giữa quá khứ và thực tại, như một thủ pháp đối sánh với một bên là đầm ấm, yên vui - còn một bên là tôi đang đối diện với bốn bức tường vắng. Ngồi giữa những chồng chéo ấy, những giọt nước mắt không dưng mà ri rỉ trên hai má tôi nóng hổi!
Chiều mùng một Tết năm đó, tôi chạy xe vào quận 1 theo lịch hẹn cà phê với nghệ sĩ Trí Nguyễn. Anh vừa trở về từ Paris để ăn Tết cùng gia đình. Trí Nguyễn là nghệ sĩ đàn tranh, không phải tên của nam diễn viên võ thuật nổi tiếng. Có điều, tên tuổi anh ít được biết đến trong nước nhưng độ “phủ sóng” thì ra tận quốc tế. Bởi đã rất nhiều năm, anh sống và làm việc chủ yếu ở Paris; vẫn bền bỉ với hành trình đưa tiếng đàn tranh ra thế giới, và ít nhiều đã có những thành tựu nhất định qua một số giải thưởng âm nhạc danh giá.
Gặp Trí Nguyễn viết bài trong một lần anh về nước, trân quý hành trình mà anh đang theo đuổi, cũng như trân quý bản tính hồn nhiên của nghệ sĩ nơi anh nên tôi vẫn giữ liên lạc với anh sau đó. Biết tôi ở lại ăn Tết Sài Gòn, anh và tôi cùng hẹn nhau cà phê vào đầu năm mới.
Buổi chiều Sài Gòn hôm đó thật vắng bởi phần lớn mọi người đã về các vùng quê ăn Tết. Tôi và nghệ sĩ Trí Nguyễn ngồi nói với nhau nhiều điều, từ cuộc sống đến âm nhạc, nhưng đọng lại trong tôi đến lúc này vẫn là những giãi bày của anh về người mẹ đã bước vào độ tuổi thất thập cổ lai hy.
Nghe anh nhắc về mẹ cùng với những việc làm đầy ý nhị mà anh dành cho mẹ khiến tôi thấy lòng rưng rưng. Không hiểu sao tôi luôn cảm thấy xúc động trước tình cảm dành cho mẹ từ những người đàn ông. Lúc nào thấy một ai đó đút cho mẹ ăn hay nhổ tóc bạc cho mẹ, tôi cũng luôn ngắm nhìn với một sự say sưa xen lẫn cảm mến.
Đây không phải lần đầu tiên tôi gặp Trí Nguyễn, nhưng hầu như lần gặp nào cũng nghe anh nhắc về mẹ. Điều đó làm tôi trân quý anh hơn, bên cạnh hình ảnh một người nghệ sĩ chỉ biết dành mối quan tâm cho nghệ thuật. Nói chuyện với Trí Nguyễn mới hay rằng, người đàn ông đi qua gần hai phần ba cuộc đời vẫn luôn bé nhỏ trong vòng tay mẹ, trong sự quan tâm lo lắng của mẹ. Đó là lý do dịp Tết hằng năm, dẫu bộn bề công việc như thế nào, dẫu cách trở giữa Paris và Sài Gòn, thì anh vẫn thu xếp để về nhà. Đơn giản chỉ là về để tận hưởng những khoảnh khắc quý giá bên mẹ mà anh hiểu những khoảnh khắc như vậy không còn nhiều nữa.
![]() |
Những tà áo dài Việt thướt tha tại đường hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM) tô điểm thêm bầu không khí rộn ràng đón Tết Tân Sửu. Ảnh: Duy Hiệu |
Sau lần ăn Tết ở Sài Gòn, nhất là sau cuộc gặp gỡ vào đầu năm với nghệ sĩ Trí Nguyễn, thì những Tết sau tôi đã không còn ý định “ăn Tết ở một nơi xa” nữa. Dẫu có bận rộn hay thời gian nghỉ ít ỏi đi chăng nữa, tôi vẫn muốn trở về nhà.
Tôi chợt hiểu rằng, không ai khác mà chính mẹ mới là người làm nên những cái Tết đủ đầy và trọn vẹn. Nhờ mẹ, mùi hương lẫn phong vị của Tết qua những bữa ăn đã trở thành thứ tài sản đẹp đẽ với tất cả những đứa con. Cũng là nhờ mẹ mà những yêu thương, ấm cúng giữa các thành viên trong nhà mới có thể kết nối được với nhau.
Và hình như cũng đúng, như một bài hát nào đó, hát rằng “chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi”. Phải rồi, chỉ có về bên mẹ, ta mới thực sự có mùa xuân của chính mình. Chỉ có về bên mẹ, Tết mới thật là Tết!
AN SƠN
(Chung cư EhomeS, phường Phú Hữu, TP.Thủ Đức)
Ban tổ chức cuộc thi Nhớ thương mùi Tết tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2021.
Bài dự thi gửi về email: nhotet@thegioitiepthi.vn hoặc địa chỉ: số 57 đường 10, phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM. Tiêu đề bài viết gửi qua email hoặc bì thư ghi: Dự thi “Nhớ thương mùi Tết”. Vui lòng ghi rõ thông tin tác giả: địa chỉ, số điện thoại, tài khoản.
Lễ trao thưởng tổ chức ngày 26/2/2021 (Rằm tháng Giêng).
![]() |
Gửi bình luận