VCCI: Nguy cơ "bắt tay làm giá" nếu cho doanh nghiệp tự quyết giá bán xăng dầu

An Linh Thứ sáu, ngày 26/04/2024 11:30 AM (GMT+7)
Nhóm nghiên cứu thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, với đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết về giá bán lẻ xăng dầu gây lo ngại về nguy cơ "bắt tay làm giá" giữa các doanh nghiệp.
Bình luận 0

Lo ngại nguy cơ làm giá của doanh nghiệp xăng dầu

Theo dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 về xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất Nhà nước sẽ không điều hành giá cụ thể mà chỉ đưa ra giá tham khảo, các doanh nghiệp tự quyết giá bán lẻ; Nhà nước không can thiệp vào giá xăng dầu.

Theo quan điểm của nhóm tác giả Đậu Anh Tuấn, Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Thị Diệu Hồng... trong Báo cáo Dòng chảy pháp luật năm 2023, nếu theo phương án trên thì đây sẽ là thay đổi rất lớn trong việc quản lý thị trường xăng dầu của Việt Nam. 

VCCI: Nguy cơ "bắt tay làm giá" nếu cho doanh nghiệp tự quyết giá bán xăng dầu- Ảnh 1.

Nhóm nghiên cứu của VCCI lo ngại trước đề xuất cho doanh nghiệp được tự quyết giá bán xăng dầu (Ảnh: MT).

"Các ý kiến góp ý đều cho rằng, việc bỏ điều hành giá sẽ giúp thị trường trở nên linh hoạt hơn do các doanh nghiệp sẽ có thể cạnh về giá, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng", Báo cáo của nhóm nghiên cứu nêu.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại, tình trạng lợi nhuận độc quyền tại những khu vực ít cơ sở bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là nguy cơ "bắt tay làm giá" giữa các doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã gửi nhiều kiến nghị đến VCCI và Bộ Công Thương về việc thay đổi quy định quản lý thị trường xăng dầu. Các kiến nghị này tập trung vào một số vấn đề chính như sau: Nhà nước cần quản lý cả giá bán buôn và giá bán lẻ để bảo đảm chiết khấu bán lẻ ở mức chấp nhận được; Cho phép doanh nghiệp bán lẻ nhập hàng từ nhiều nguồn để tránh bị bên bán buôn ép giá.

Theo nhóm tác giả, lĩnh vực kinh doanh xăng dầu của Việt Nam hiện được quản lý chủ yếu bằng Nghị định số 83/2014/NĐ-CP7 được sửa đổi bởi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Đây là lĩnh vực mà Nhà nước vẫn có nhiều công cụ can thiệp mạnh vào thị trường. Sự can thiệp mạnh mẽ của Nhà nước vào thị trường xăng dầu làm giảm khá nhiều sự năng động và cạnh tranh trên thị trường. Các doanh nghiệp không phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ doanh nghiệp mới gia nhập thị trường; không phải cạnh tranh về giá bán lẻ; các doanh nghiệp bán buôn không quá áp lực về việc cạnh tranh thu hút nhà bán lẻ… Điều này làm giảm khá nhiều tính hiệu quả của thị trường xăng dầu Việt Nam.

Liên quan đến năm 2022, thị trường xăng dầu của thế giới gặp nhiều biến động mạnh do tác động của các cuộc xung đột vũ trang và lạm phát cao tại nhiều nước phát triển. Những biến động này cũng ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu của Việt Nam. Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu treo biển đóng cửa; khi cơ quan nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm tra xử phạt hành vi đóng cửa không có lý do chính đáng, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu chuyển sang hình thức bán nhỏ giọt, mỗi cây xăng chỉ hoạt động một cột bơm và chỉ bán lượng giới hạn cho mỗi khách hàng.

Nhóm nghiên cứu cho biết, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng, giá bán buôn lên quá cao trong khi giá bán lẻ bị nhà nước khống chế khiến doanh nghiệp bán lẻ càng bán càng lỗ. Do đó, họ có xu hướng muốn đóng cửa hàng tạm thời hoặc bán nhỏ giọt trong những thời điểm giá bán buôn lên cao hơn giá bán lẻ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối và bán buôn cho biết, do giá xăng trên thị trường thế giới tăng cao cộng với các chi phí premium (vận chuyển, bảo hiểm và chi phí khác cho từng lô hàng) tăng khiến giá nhập khẩu cũng tăng.

"Giá bán lẻ được tính toán dựa trên chi phí đầu vào, trong đó chi phí mua xăng được cập nhật thường xuyên theo sàn giao dịch thế giới, nhưng chi phí premium chỉ được tính cho mỗi 6 tháng một lần. Việc chậm điều chỉnh chi phí định mức là một phần nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu hụt xăng dầu trong năm 2022", Báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc VCCI cho hay.

Về quản lý dự trữ xăng dầu, nhóm tác giả khẳng định, khi giá xăng tăng cao hoặc khi thị trường thiếu hụt xăng, các doanh nghiệp có xu hướng bán ra nhiều hơn, làm giảm lượng xăng dầu dự trữ.

Tuy nhiên, khi cơ quan nhà nước thanh kiểm tra đã yêu cầu doanh nghiệp phải bảo đảm lượng dự trữ tối thiểu theo quy định. Điều này khiến doanh nghiệp buộc phải dừng bán ra để tăng lượng dự trữ, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu xăng.

Theo các chuyên gia, Nghị định 80/2023/NĐ-CP được ban hành cuối năm 2023 đã cho phép các doanh nghiệp bán lẻ được nhập hàng từ nhiều nhà cung cấp, nhưng đi kèm họ phải bảo đảm chất lượng xăng dầu thông qua việc lấy mẫu và có hợp đồng với phòng thử nghiệm.

"Việc cho phép nhập hàng từ nhiều nguồn đã giúp tăng tính cạnh tranh trên thị trường bán buôn rất nhiều. Đây là một minh chứng cho thấy Nhà nước nên cố gắng lựa chọn các giải pháp chính sách ít can thiệp vào quyền tự do kinh doanh nhất có thể, khi đó thị trường sẽ tự vận động hiệu quả mà vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý", nhóm nghiên cứu nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem