![]() |
Hội thảo công bố nâng cao hiệu quả ngành vận tải đường bộ Việt Nam |
Nghịch lý về giao thông ở Việt Nam
Theo ông Thể, đường bộ là phương thức vận tải xương sống trong hoạt động vận tải hàng hóa ở Việt Nam. Năm 2016, vận tải hàng hóa đường bộ chiếm 77% tổng lượng vận chuyển hàng hóa cả nước, trong khi đó vận tải đường thủy nội địa chỉ chiếm 18%, và đây là một là nghịch lý.
Chi phí logistics ở Việt Nam chiếm gần 21% tổng GDP, cao hơn so với hầu hết các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh trong xuất khẩu và tăng chi phí đối với nhà sản sản xuất và người tiêu dùng.
Ông Thể cho rằng, giao thông vận tải Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phát triển ngược. Đó là Việt Nam có đường bờ biển dài, mạng lưới sông ngòi chằng chịt, không phải đầu tư lớn, chi phí vận tải đường thủy thấp nhưng mang lại hiệu quả rất cao với việc tận dụng khai thác tự nhiên… thì lại không phát triển. Còn giao thông đường bộ phải đầu tư lớn, chi phí cao lại là chủ lực để vận tải hành khách và hàng hóa.
Với vai trò là người đứng đầu ngành giao thông vận tải, ông Thể nhận định, giao thông vận tải đường bộ trong thời gian qua có những mặt mạnh, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều mặt yếu. Do vậy trong giai đoạn hiện nay, việc phát triển giao thông đường thủy nội địa là cần thiết.
“Hiện ngành vận tải trong nước đang có sự mất cân bằng rất lớn giữa vận tải đường bộ và vận tải đường thủy nội địa. Nhiều năm qua giao thông đường bộ Việt Nam phát triển nhanh và nóng. Điều đó làm gia tăng tình trạng tai nạn giao thông (gấp 156 lần so với đường thủy nội địa), chi phí vận tải logistics cao, tác động đến môi trường, gây hiệu ứng nhà kính (gấp 3,4 lần so với đường thủy nội địa)…” – ông Thể chỉ ra.
![]() |
Đang có sự mất cân bằng rất lớn giữa vận tải đường bộ và vận tải đường thủy nội địa. |
Bàn về vấn đề này, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, vận tải hàng hóa đường bộ và đường thủy nội địa chiếm 90% vận tải hàng hóa tại Việt Nam.
“Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở lớn nhất trên thế giới, sự cạnh tranh của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào chi phí vận tải và logistics. Thu nhập trung bình người Việt Nam tăng, do đó đòi hỏi sự lưu thông dịch chuyển hàng hóa ngày càng lớn” – ông Ousmane nói.
Cũng theo ông Ousmane, trong giai đoạn từ năm 2000-2016 hệ thống đường trọng yếu quốc gia và đường thủy nội địa tăng khiêm tốn. Đặc biệt, đường thủy nội địa chiếm gần 20% nhưng mạng lưới này lại thiếu đầu tư trầm trọng. “Đường thủy nội địa chiếm 2-3% trong ngân sách đầu tư giao thông, và mức độ như vậy là không đủ để mở rộng chuyên chở, duy tu bảo dưỡng. Vậy làm thế nào để mức độ đầu tư mạnh mẽ hơn. Bởi đây là khu vực cần tập trung trong hệ thống của Việt Nam” – ông Ousmane nói.
Giải pháp phát triển bền vững ngành vận tải đường thủy nội địa
Đưa ra các giải pháp để phát triển vận tải đường thủy nội địa tại Việt Nam, đại diện WB cho rằng, Việt Nam đã đầu tư nhưng chưa tận dụng được cơ hội tuyệt vời mà thiên nhiên mang lại. Nếu phát triển vận tải thủy sẽ giúp giảm chi phí logistics và giảm phát thải ra môi trường.
“Việt Nam có thể đóng góp vào hoàn thành giảm phát thải khí nhà kính nếu đầu tư vào vận tải thủy. Theo đó Chính phủ nên tạo cơ hội cho vay để thu hút doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích các công ty quốc tế tham gia vận tải đường thủy trong nước… để giúp gia tăng dịch vụ quan trọng này với chi phí thấp, giảm chi phí logistics và bảo vệ môi trường...” – ông Ousmane đưa ra các giải pháp.
|
Đồng quan điểm, bà Jen Jung Eun Oh, Trưởng nhóm nghiên cứu giao thông của WB tại Hà Nội cho biết, chi phí logistics tại Việt Nam còn cao, do vậy câu chuyện này cần phải tính đến việc phát triển hành lang giao thông để giải quyết nút thắt trong năng lực phục vụ.
“Đề xuất trong 25 năm tới chúng tôi sẽ hỗ trợ dịch vụ vận tải, logistics Việt Nam với những công nghệ mới đạt hiệu quả cao, tạo thuận lợi thương mại; xây mới cải tạo mạng lưới cơ bản nhằm quản lý tài sản có hệ thống, đảm bảo khả năng phục hồi lâu dài. Đặc biệt, đầu tư dựa vào nguồn vốn xã hội hóa và ODA sang sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân” – bà Eun Oh cho biết.
Trước những giải pháp mà WB đưa ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Tôi đề cao khuyến nghị của WB cho ngành GTVT, đó là chúng ta vẫn đầu tư kết cấu hạ tầng cứng, nhưng kết nối đường bộ với cảng biển, hàng không, ga tàu hỏa… để chi phí đầu tư trong kết cấu hạ tầng thấp, giảm chi phí logistics. Bên cạnh đó cần đào tạo nguồn nhân lực để phát triển tập trung mạnh hơn cho vận tải đường bộ giai đoạn sắp tới” – ông Thể nhấn mạnh.
Ông Thể cho rằng, để giải quyết vấn đề, trong thời gian tới ngành vận tải trong nước sẽ tập trung vào các việc sau: Áp dụng công nghệ mới, sinh học, công nghệ tái tạo để giảm hiệu ứng nhà kính. Đồng thời sẽ phát triển để khai thông đường thủy nội địa.
“Xu hướng là tuyên truyền, vận động để mọi người thấy được tầm quan trọng của vận tải thủy nội địa. Trong đó tập trung vào thay đổi thể chế, dịch vụ liên quan, khuyến cáo đầu tư cho đường thủy hiệu quả hơn nhiều so với đường bộ. Chính phủ cần điều tiết ngân sách nhiều hơn cho đường thủy, nạo vét luồng rạch để nâng tỷ trọng tàu lên 1.000 tấn thay bằng 300 tấn như hiện nay… Việc phát triển vận tải đường thủy nội địa nhằm làm giảm tỷ trọng vận tải đường bộ, giảm tình trạng tai nạn giao thông, giảm chi phí vận tải logistics, và quan trọng nhất là bảo vệ môi trường” – ông Thể nói.
Gửi bình luận