Má thường nói, con người ta bình yên nhất chẳng phải là khi nhiều tiền, không phải là lúc đã đủ đầy hạnh phúc. Thật ra người ta bình yên nhất là lúc nghe gió chạp hiu hắt thổi về, nghe mùi Tết chập chờn quẩn quanh. Khi thắp nén nhang trên bàn thờ gia tiên, khi tắm gội thanh tẩy bụi trần bằng nồi nước lá hay khi hì hụi quét vôi bức tường nhà đã bạc phếch sau 365 ngày mưa nắng… mới là lúc bình yên nhất.
Vậy mà, bảy mươi tuổi đời, tóc đã trắng màu sương mai, một chiều hai mươi ba Tết, má ôm tôi khóc trong căn nhà của chính mình. Đó chẳng còn là những giọt lệ đắng cay như bao mùa xuân trước…
![]() |
Những con đường tràn ngập sắc xuân. Ảnh: Việt Linh |
Má theo ngoại chạy giặc từ Xoài Riêng về Sài Gòn. Cái xóm nhỏ liêu xiêu nằm lọt thỏm trên con đường Phan Thanh Giản hồi đó cưu mang má tới tuổi thanh xuân. Ba cũng theo nội chạy giặc từ Tân Châu về đây. Số phận đưa đẩy cho hai kẻ ly hương gặp nhau. Rồi ba thương má. Chiều ba mươi Tết năm đó, trái châu ì đùng ngoại ô, ba má nên duyên chồng vợ.
Sau mùa lửa đạn, cái nghèo cứ đeo bám xóm lưu dân. Ba má về ở với nội, ba đứa con cũng từ ấy mà lớn lên với chén cơm chan nước mắm. Tới chừng tôi biết đếm đã thấy căn gác gỗ trải dọc chen chúc tới mười lăm anh chị em họ. Những tù túng chật chội khiến va chạm xảy ra như cơm bữa. Cứ vậy mà má chịu thiệt thòi. Hồi ghé qua thăm má, lúc ra về, dì tôi buông câu nói khiến má rớt nước mắt: “Chỗ ngủ gì mà ngay trên cái cầu tiêu” …
Má giỏi giang nhất xóm lại có học nhưng chẳng ngại đi giúp việc cho nhà người ta. Ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc; làm lụng luôn tay luôn chân mà cái nghèo vẫn đeo bám đời má. Má hay thủ thỉ rằng ước nguyện lớn nhất đời má là có được căn nhà cho ra nhà để con cái sống cho ra sống. Có vậy, dẫu chết má cũng cam lòng.
Ngày tôi mười tám, cầm tờ giấy báo đậu đại học, đứng lưng chừng cầu thang căn gác ọp ẹp nhìn xuống bếp thấy má đang ăn cơm trắng với nước trà, tôi nói dối má rằng mình rớt rồi. Ước nguyện lớn nhất đời tôi là một mái nhà cho má an vui đi qua tuổi già. Mười tám tuổi, tôi bỏ đi nhiều lắm những khát khao tuổi trẻ. Mười tám tuổi, tôi biết nắm và buông, biết chấp nhận và hi sinh.
Cơm áo gạo tiền và ước nguyện cứ thế cuốn tôi đi mãi. Dần dà những cái Tết sau má không còn phải đôn đáo lo lắng về nồi thịt kho, mấy đòn bánh tét... Vậy nhưng “căn nhà của má” vẫn chỉ là một giấc mơ dẫu ba má đang bước dần về dốc bên kia cuộc đời. Và tôi biết mỗi bận cúng giao thừa, má vẫn luôn rì rầm khấn vái về một ước nguyện được nuôi nấng từ thuở xưa xa.
Bởi mưu sinh, tôi gắn chặt đời mình với những chuyến đi. Tự khi nào, Tết chẳng còn ý nghĩa của sự sum vầy và đoàn viên khi cái ước nguyện nọ cứ khiến tôi gấp rút theo những lần ốm đau của má.
Còn nhớ năm tôi hai lăm, một mình sang Thái Lan cho đơn hàng phải nhập về đúng dịp Tết. Đêm giao thừa từ Nakhon Ratchasima, tôi thèm Tết đến thắt thẻo lòng mình. Gọi điện về chúc Tết, tôi nghe má khoe thịt kho, củ kiệu, cải mặn… má làm, để dành đó đợi tôi về ăn Tết muộn cùng má. Tôi lim dim bên chiếc điện thoại, vẫn kịp nghe má thủ thỉ bên tai: “Không có con thì má đâu có Tết. Má đợi. Mau về ăn Tết với má nghen…”. Chị Hai kể lại bữa đó má khóc suốt đêm.
![]() |
Nhiều người Việt đi xin chữ vào những ngày Tết cổ truyền với hy vọng về một năm nhiều sức khỏe, làm ăn phát tài, phát lộc. Ảnh: Kiều Trang |
Ba mươi lăm tuổi, tôi từ Hà Nội, sau chuyến công tác dài, về thẳng căn nhà mới xây cho má tận Lái Thiêu. Ngày xưa má khóc, nước mắt rớt trên vai tôi. Tôi còn nhỏ chưa thấm nỗi mong cầu thiết tha dài cả một đời người. Giờ má bảy mươi, lưng cong oằn vì gánh gồng cái ước nguyện trĩu trịt ấy. Tôi ôm má, lại thấy những giọt nước mắt thấm đẫm vai mình.
Đi qua bao cay đắng, tôi hiểu lắm cái ước nguyện đời người vỡ òa khi mình đạt thành. Hiểu lắm tại sao má nằng nặc đòi quét vôi tường giữa lúc thiên hạ đã xài sơn cao cấp. Hiểu rõ mùi nước vôi bây giờ khác xa mùi những cái Tết nghèo má đã trải qua. Và tôi cũng tiếc nuối vô cùng những lần lỡ hẹn sum vầy Tết nhất cùng má vì mải kiếm tiền. Đời má đâu còn mấy mùa xuân nữa để nhìn thấy con cháu quây quần bên nhau.
Trong ký ức đậm sâu của một đứa con ba mươi tám tuổi đời, một chiều quét lá dọn sân, giữa tiếng võng má kẽo kẹt, tôi bỗng nghe trên vai mình vẫn vẹn nguyên mùi rơi theo năm tháng.
TỐNG PHƯỚC BẢO
(Tú Xương, phường 7, quận 3, TP.HCM)
Ban tổ chức cuộc thi Nhớ thương mùi Tết tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2021.
Bài dự thi gửi về email: nhotet@thegioitiepthi.vn hoặc địa chỉ: số 57 đường 10, phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM. Tiêu đề bài viết gửi qua email hoặc bì thư ghi: Dự thi “Nhớ thương mùi Tết”. Vui lòng ghi rõ thông tin tác giả: địa chỉ, số điện thoại, tài khoản.
Lễ trao thưởng tổ chức ngày 26/2/2021 (Rằm tháng Giêng).
![]() |
Gửi bình luận