![]() |
Tadashi Yanai - người đứng đầu đế chế thời trang nổi tiếng Fast Retailing và là tỷ phú giàu nhất Nhật Bản. Ảnh: TL |
Tháng 9/2001 đánh dấu mốc Uniqlo chính thức bước chân ra thị trường quốc tế khi mở cửa hàng đầu tiên tại thủ đô Luân Đôn (Anh). Tuy nhiên thời điểm đó, nhà sáng lập Tadashi Yanai sở hữu đế chế thời trang Fast Retailing - công ty mẹ của thương hiệu, từng thất bại thảm hại với quyết định khai trương 20 chi nhánh ở vùng ngoại ô và vẫn áp dụng mô hình bán số lượng lớn với mức giá rẻ.
Một năm sau, Uniqlo thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, bắt đầu triển khai chiến lược kinh doanh ở thành phố Thượng Hải. Tính đến cuối tháng 8 vừa qua, số lượng cửa hàng của hãng ở đất nước tỷ dân lên tới 767, vượt con số 764 ở quê nhà Nhật Bản.
Mạng lưới cửa hàng tăng gần gấp đôi trong 5 năm, từ 387 điểm bán vào tháng 8/2015, và đang tiếp tục mở rộng quy mô. Bắt đầu từ tháng 6, công ty con của Fast Retailing trung bình mở thêm 7 chi nhánh mỗi tháng, có mặt khắp các thành phố của Trung Quốc. Điều này cho thấy, Uniqlo phụ thuộc ngày càng lớn vào nền kinh tế lớn nhất châu Á, đặc biệt là khi chính phủ Bắc Kinh thành công trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19.
"Với 1,3 tỷ dân, tôi nghĩ rằng công ty có khả năng mở khoảng 3.000 cửa hàng", Chủ tịch Tadashi Yanai của Fast Retailing lạc quan chia sẻ, đồng thời tiết lộ kế hoạch tiếp tục khai trương nhiều địa điểm mới tại quốc gia đông dân này.
Trong năm kết thúc vào tháng 8/2019, thị trường Trung Quốc rộng lớn đã tạo ra doanh thu 502,5 tỷ yên (4,75 tỷ USD) cho Uniqlo, vẫn thấp hơn doanh thu 872,9 tỷ yên ở Nhật Bản. Tuy nhiên, thị trường này đang mở rộng nhanh chóng, ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép là 15% trong 3 năm tính đến tháng 8/2019, vượt xa 3% của xứ sở hoa anh đào.
Nhiều nhà sản xuất ô tô và nhà sản xuất khác thường ghi nhận doanh số bán hàng ở nước ngoài cao hơn doanh thu nội địa, và điều này rất hiếm khi xảy ra trong ngành may mặc, vốn có xu hướng tập trung vào nhu cầu mua sắm trong nước. Nhưng với Uniqlo, doanh thu nước ngoài đã vượt qua doanh thu ở Nhật Bản kể từ năm kết thúc vào tháng 8/2018.
Người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm đắt đỏ của Uniqlo và đang thúc đẩy thị trường thương mại điện tử bùng nổ. Khoảng 20% doanh số bán hàng trong năm kết thúc vào tháng 8/2019 của Fast Retailing đến từ những người mua sắm trực tuyến tại đất nước tỷ dân, gấp đôi ở Nhật Bản. Tuy nhiên, Fast Retailing vẫn muốn mở thêm các cửa hàng trực tiếp tại Trung Quốc.
"Trung Quốc đang dẫn đầu về thương mại điện tử và hệ thống thanh toán. Nếu chúng tôi thành công trong việc liên kết thương mại điện tử và các cửa hàng hiện có, chúng tôi có thể đạt doanh thu 2 nghìn tỷ yên. Công ty ước tính doanh thu đạt 1,99 nghìn tỷ yên cho năm kết thúc vào tháng 8/2020”, tỷ phú Tadashi Yanai cho biết.
Theo đó, thông tin mua sắm được thu thập từ khắp nơi trên thế giới, sau đó được phân tích thông qua trí tuệ nhân tạo, xem xét xu hướng thời tiết và thị trường ở các khu vực khác nhau. Công ty sẽ lập kế hoạch sản xuất và phân phối sản phẩm nhằm tạo ra quần áo đáp ứng sở thích của khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả.
![]() |
Uniqlo mở rộng quy mô ở Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Tokyo với Bắc Kinh xấu đi có thể mang lại nhiều rủi ro cho tình hình kinh doanh của hãng. Ảnh: Fast Retailing |
Uniqlo đang nỗ lực rút ngắn cuộc đua thống trị thị trường bán lẻ thế giới, và mô hình kinh doanh ở Trung Quốc có thể là chìa khóa mở ra thành công này. Các cửa hàng tại đây cũng được đánh giá cao nhờ việc sử dụng mạng xã hội để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá mức cũng sẽ đi kèm với rủi ro. Trở lại năm 2012, khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo leo thang, Uniqlo buộc phải đóng cửa tạm thời gần một nửa số địa điểm ở đất nước tỷ dân. Cùng lúc đó, hãng không sử dụng logo bằng tiếng Nhật phổ biến trên toàn cầu tại đây.
“Điều quan trọng là phải cân bằng và không quá phụ thuộc vào Trung Quốc”, ông Tadashi Yanai nhìn nhận.
Tại Việt Nam, ngày 25/9 vừa qua, Uniqlo chính thức khai trương cửa hàng thứ 5, và là cửa hàng thứ 2 ở Hà Nội, tọa lạc tại Vincom Center Metropolis - một trong những trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất thủ đô, sau khi ra mắt thành công cửa hàng đầu tiên vào tháng 3 năm nay.
Đây là một phần trong kế hoạch phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh của hãng tại Việt Nam, nhằm mang đến nhiều hơn nữa cơ hội tiếp cận dòng sản phẩm LifeWear dành cho mọi đối tượng khách hàng nam, nữ, trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau…
Theo Nikkei Asian Review
Gửi bình luận