Tỷ lệ thừa cân béo phì tăng mạnh, Việt Nam đối mặt với 3 gánh nặng dinh dưỡng

Diệu Linh Thứ năm, ngày 15/04/2021 09:50 AM (GMT+7)
Sáng 15/4 Bộ Y tế đã tổ chức Lễ Công bố kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc (2019-2020). Theo đó, tỷ lệ béo phì ở trẻ gia tăng mạnh, hơn 2 lần sau 10 năm, trong đó tỷ lệ thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn cao...
Bình luận 0

Theo Bộ Y tế, Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc năm 2020 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở phạm vi quốc gia với sự tham gia của 22.400 hộ gia đình tại 25 tỉnh, thành phố đại diện cho 6 vùng sinh thái trên cả nước. 

Tỷ lệ thừa cân béo phì tăng mạnh

Theo kết quả điều tra, một điều đáng mừng là trong 10 năm qua đã có sự thay đổi mạnh về chiều cao ở nhóm nam 18 tuổi năm 2020 đạt 168,1cm (tăng 3,7cm so với năm 2010). Tuy nhiên, nữ giới tăng chưa đến 2cm từ 154,8cm lên 156,2cm. 

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5-19 tuổi) giảm mạnh từ 23,4% (năm 2010) xuống còn 14,8%. Tuy nhiên, tỷ lệ thừa cân béo phì tăng rất mạnh từ 8,5% (năm 2010) lên đến 19% năm 2020. Trong đó, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. 

Tỷ lệ thừa cân béo phì tăng mạnh, Việt Nam đối mặt với 3 gánh nặng dinh dưỡng - Ảnh 1.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc năm 2020 là 19,6%, được xếp vào mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn có sự chênh lệch giữa các vùng miền về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, ở các vùng nông thôn và miền núi tỷ lệ này còn ở mức cao. 

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng trong 10 năm qua cũng giảm. Theo đó, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em 6-59 tháng tuổi giảm xuống 58%, ở phụ nữ có thai giảm xuống 63,5% nhưng vẫn còn cao. 

Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở nhóm trẻ 6-59 tháng tuổi giảm nhẹ xuống còn 9.5%, tỷ lệ này cao nhất ở miền núi phía Bắc (13,8%). Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em có thể nặng thêm nếu dừng hoàn toàn chương trình uống vitamin A liều cao trên toàn quốc. 

"Kết quả điều tra cho thấy cần có những nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh chóng ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Cần có phương pháp tiếp cận toàn bộ hệ thống thực phẩm để ứng phó với đô thị hóa và những thách thức trong hệ thống thực phẩm nhằm cho phép tất cả mọi người tiếp cận với chế độ ăn hợp lý và lành mạnh.

Cần cải thiện luật pháp quản lý hệ thống thực phẩm và chế độ ăn, kết hợp với các biện pháp giảm nghèo, có mục tiêu và thay đổi hành vi ăn uống giữa các nhóm dân cư cụ thể", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định.

Người Việt ăn nhiều hơn

Theo Điều tra, năm 2020 khẩu phần ăn của người Việt tăng lên đáng kể, cả rau lẫn thịt. 

Cụ thể, năng lượng trung bình trong khẩu phần ăn đạt 2.023kcal/người/ngày, tăng nhẹ so với mức năng lượng 1.925kcal/người/ngày vào năm 2010. Cơ cấu sinh tăng trưởng từ protein, lipid, glucid năm 2020 là 15,8%, 20,2%, 64% (% so với tổng năng lượng ăn vào), cơ cấu này được coi là cân đối theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới WHO. 

Mức ăn rau quả của người dân đã tăng bình quân đầu người từ 190,4g rau/người/ngày, 60,9g quả chín (năm 2010) lên 231g rau và 140,7g quả chín/người/ngày vào năm 2020. Tuy nhiên, mức tiêu thụ rau quả này mới chỉ đạt khoảng 66-77% so với nhu cầu khuyến nghị của Tháp Dinh dưỡng đối với người trưởng thành. 

Đặc biệt, mức tiêu thụ thịt của người Việt tăng nhanh từ 84g/người/ngày năm 2010 lên 136,4g/người/ngày, trong đó khu vực thành thị tiêu thụ cao hơn ở mức 155,3g. 

Điều đáng mừng là kiến thức thực hành về an toàn thực phẩm của người Việt tăng rõ rệt. Tỷ lệ người dân có hiểu biết và thực hành đúng về an toàn thực phẩm, có 35,8% người trả lời có kiến thức tốt, 55,6% có kiến thức trung bình và chỉ 8,6% có kiến thức kém.

Về xử lý ngộ độc thực phẩm: 78% số người trả lời lựa chọn đưa đến cơ sở điều trị so với 44,9% năm 2010. Tỷ lệ người dân được tiếp cận với nguồn thông tin chính thống về an toàn thực phẩm cũng tăng gấp 2 so với điều tra năm 2010.

Trình bày về Tổng điều tra Dinh dưỡng, ông Trịnh Hồng Sơn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) nhận định: "Chúng ta đang phải đối mặt với 3 gánh nặng về dinh dưỡng: thừa dinh dưỡng, thiếu dinh dưỡng và thiếu vi chất. Đặc biệt vấn đề thừa cân béo phì tăng mạnh trong 10 năm qua, gấp hơn 2 lần so với năm 2010. 

Thời gian tới, chúng ta có rất nhiều điều phải làm để giải quyết 3 gánh nặng dinh dưỡng này. Riêng muốn giảm tỷ lệ thấp còi thì vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng cần phải giải quyết". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem