Thứ bảy, 18/05/2024

Tuyến metro đầu tiên của TPHCM sẵn sàng về đích

17/07/2023 12:40 PM (GMT+7)

Những khó khăn, vướng mắc đang lần lượt được tháo gỡ, dự án metro số 1 TPHCM (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến hoàn thành trong năm nay và bắt đầu vận hành thương mại vào năm tới.

Đã khắc phục sự cố gối cầu

Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR, chủ đầu tư), đến nay, sự cố rơi, chuyển vị gối cầu xảy ra tại tuyến metro số 1 vào năm 2020 đã xác định được nguyên nhân và hoàn thành triển khai phương án khắc phục.

Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng Ban phụ trách MAUR, cho biết, sau khi xảy ra vụ việc, MAUR đã chủ trì cùng tư vấn NJPT (tư vấn chung của dự án), nhà thầu Sumitomo - CIENCO6 (Liên danh SCC) rà soát toàn bộ nội dung liên quan đến gối cầu. Trên cơ sở các kết quả quan trắc, thí nghiệm bổ sung của Liên danh SCC, rà soát của Tư vấn WSP-TRANSINCO (tư vấn Phần Lan tham gia thẩm tra sự việc), nguyên nhân sự cố là do kết hợp cả 2 yếu tố: do khe hở giữa gối cầu và đá kê gối; tác động ray do sự thay đổi của nhiệt độ trong quá trình thi công.

Tuyến metro đầu tiên của TPHCM sẵn sàng về đích - Ảnh 1.

Đoàn tàu metro số 1 TPHCM chạy thử nghiệm đoạn trên cao. Ảnh: Phạm Nguyễn.

Trên cơ sở đó, nhà thầu đề xuất và thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố chuyển vị gối cầu. Các biện pháp trên được Tư vấn WSP-TRANSINCO đánh giá đảm bảo, Tư vấn NJPT chấp thuận theo quy trình quản lý chất lượng và phù hợp theo ý kiến các chuyên gia Tổ công tác về nguyên nhân sự việc và của Hội đồng Kiểm tra Nhà nước.

“Đến nay, các biện pháp trên đã được nhà thầu hoàn thành. Việc quan trắc gối cầu thực hiện thường xuyên. Báo cáo kết quả quan trắc do Liên danh SCC trình nộp ngày 8/6/2023 khẳng định các gối cầu hiện nay vẫn đang ổn định, không có chuyển vị trong suốt quá trình chạy thử tàu vừa qua”, ông Hiển nói. Việc quan trắc các gối dầm cầu sẽ được nhà thầu tiếp tục thực hiện cho đến giai đoạn nghiệm thu hoàn thành gói thầu (TOC), cũng như trong giai đoạn bảo hành 2 năm sau TOC theo nghĩa vụ hợp đồng.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có tổng mức đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM. Dự án có tổng chiều dài 19,7km, trong đó đoạn đi ngầm dài 2,6 km qua 3 ga và đoạn đi trên cao 17,1 km qua 11 ga.

Hết lo thiếu kinh phí vận hành

Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TPHCM (HURC1) trực thuộc UBND TPHCM là đơn vị vận hành tuyến metro số 1 đi vào hoạt động từ năm 2018 để chuẩn bị trước nguồn lực cùng các điều kiện cần thiết cho quản lý vận hành, bảo dưỡng dự án. Khi thành lập vào năm 2015, công ty được cấp vốn điều lệ 14 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị văn phòng (kinh phí hoạt động chưa được cấp). Đến tháng 8/2021, HURC1 đã sử dụng hết kinh phí tạm ứng từ nguồn vốn điều lệ ban đầu. Do hết kinh phí, gần 2 năm qua, người lao động công ty vẫn chưa được thanh toán lương và đóng các khoản bảo hiểm xã hội. Theo HURC1, việc thiếu kinh phí ảnh hưởng đến hoạt động của công ty cũng như công tác tuyển dụng, đào tạo nhân sự phục vụ dự án trong tương lai.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, UBND TPHCM và các bộ, ngành đã tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho HURC1. Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao UBND TPHCM rà soát, quyết định phê duyệt mức vốn điều lệ của HURC1 cho giai đoạn chuẩn bị trước khi khai thác thương mại phù hợp với tiến độ thực tế của dự án. Việc Chính phủ cho phép UBND TPHCM quyết định phê duyệt mức vốn điều lệ của HURC1 đã tháo gỡ khó khăn về kinh phí, đảm bảo tiến độ vận hành dự án theo kế hoạch.

Sẵn sàng về đích

Theo MAUR, đến nay, tổng khối lượng thực hiện của dự án metro số 1 TPHCM đã đạt 95,4%. Để công trình về đích đúng hẹn vào cuối năm nay và vận hành thương mại năm 2024, kế hoạch thực hiện các gói thầu thi công và công tác thử nghiệm, chuyển giao vận hành đã được xây dựng cụ thể. Theo đó, gói thầu CP1b (Ga Nhà hát TPHCM đến ga Ba Son) sẽ hoàn thành vào tháng 9. Các gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành - ga Nhà hát TP) và gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) sẽ hoàn thành vào tháng 10. Gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) sẽ hoàn thành vào tháng 12. Công tác chạy thử trên toàn tuyến dự kiến sẽ được thực hiện vào tháng 9, khai thác thử toàn tuyến vào tháng 12.

Việc đào tạo cho nhân viên vận hành phải hoàn thành vào tháng 12. Giữa tháng 3, MAUR, Liên danh nhà thầu NJPT phối hợp Công ty HURC1 và Trường Cao đẳng Đường sắt tổ chức Lễ Khai giảng lớp Kỹ thuật viên điều độ (phụ trách công tác giám sát và điều khiển tàu) gồm 19 học viên và lớp Quản lý nhà ga gồm 9 học viên. Trước đó, Trường Cao đẳng Đường sắt tổ chức đào tạo cho 57 học viên lái tàu metro. Sắp tới có thêm 291 nhân sự phụ trách bán vé, an toàn vận hành được tuyển chọn và cử đi đào tạo bảo đảm đúng tiến độ đưa tuyến metro số 1 vào vận hành.

Theo Tiền Phong

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Vì sao Việt Nam nên "hãm phanh" trong phân khúc khách sạn, resort hạng sang?

Vì sao Việt Nam nên "hãm phanh" trong phân khúc khách sạn, resort hạng sang?

Mỗi năm tại Việt Nam có đến gần 20 triệu phòng trống ở các khách sạn bốn và năm sao, theo công ty tư vấn bất động sản Knight Frank. Vì vậy, các chủ đầu tư cần đi chậm lại trong phân khúc này.

Doanh nghiệp bị áp lực 'phí chồng phí' ở BOT Phú Hữu

Doanh nghiệp bị áp lực 'phí chồng phí' ở BOT Phú Hữu

Theo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trạm BOT Phú Hữu khiến các doanh nghiệp áp lực "phí chồng phí".

HoREA: Thị trường bất động sản TP.HCM vẫn lệch pha cung cầu

HoREA: Thị trường bất động sản TP.HCM vẫn lệch pha cung cầu

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng trong năm 2024, thị trường bất động sản TP.HCM sẽ còn tiếp tục mất cân đối "cung - cầu" nhà ở, thiếu hụt nguồn cung nhà ở dẫn tới hệ quả giá nhà có thể bị đẩy lên cao hoặc "neo giá cao".

Giảm thiểu chất thải, bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh tại TP.HCM

Giảm thiểu chất thải, bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh tại TP.HCM

TP.HCM yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư sử dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chất thải, cải thiện chất lượng môi trường.

TP.HCM đẩy nhanh thực hiện các chương trình nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân

TP.HCM đẩy nhanh thực hiện các chương trình nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân

Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình nhà ở xã hội, chung cư thay thế chung cư cũ, nhà ở thay thế nhà trên và ven kênh rạch, nhà lưu trú công nhân, ký túc xá sinh viên.

Tầm nhìn của Long An đến 2050: 88 khu công nghiệp

Tầm nhìn của Long An đến 2050: 88 khu công nghiệp

Với 20 khu công nghiệp đang hoạt động, tỉnh Long An dự kiến sẽ có 51 KCN với tổng diện tích trên 12.400ha đến năm 2030. Ngoài ra, tỉnh còn có kế hoạch bổ sung 37 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 20.000 ha đến năm 2050.