Theo CNN, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 3 công ty có thể sản xuất các chip tốc độ nhanh trên thế giới (chip 3 - 5 - 7nm) là Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), Intel và Samsung.
Tuần qua, giá cổ phiếu TSMC đã lên một tầm cao mới tại Đài Loan khi Intel cảnh báo về việc chậm tiến độ sản xuất chip 7nm và có thể sẽ thuê bên ngoài gia công.
![]() |
Chỉ có TSMC, Samsung và Intel có đủ khả năng sản xuất các chip kích thước nhỏ. Ảnh: CNN |
Trong tình huống đó, TSMC là "cứu tinh" duy nhất Intel có thể nhờ cậy. Samsung cũng sản xuất chip 7nm nhưng vẫn có quy mô nhỏ hơn so với công ty Đài Loan. Đồng thời, công ty Hàn Quốc đa số sản xuất chip thẻ nhớ trong khi Intel cần sản xuất chip xử lý tiên tiến.
TSMC còn là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới với các khách hàng lớn như Apple, Amazon, Quaclomm và Nvidia.
Thành công và tình hình hiện tại đã biến TSCM trở nên cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ và Trung Quốc đang so kè về việc ai có thể phát triển nhanh hơn trong việc phát triển các công nghệ của tương lai. Cả hai nước đều có quan hệ đối tác với TSMC để cung cấp các chip cần trong việc phát triển công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, mạng 5G và điện toán đám mây.
TSMC làm thân với Mỹ nhưng lại có thể khiến Trung Quốc tức giận
TSMC đã và đang chi nhiều tiền để có thể giữ vững các mối quan hệ với hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Đầu năm nay, công ty Đài Loan thông báo xây dựng một nhà máy sản xuất trị giá 12 tỉ USD ở Arizona (Mỹ) và dự kiến sẽ dùng để sản xuất chip 5nm trong năm 2024.
Điều này làm hài lòng chính quyền Tổng thống Donald Trump vì muốn có nhiều nhà sản xuất chip tiên tiến ở Mỹ nhằm đảm bảo khả năng cung cấp các chip được sử dụng trong các ứng dụng quân sự cũng như ứng dụng nhạy cảm.
![]() |
TSMC kẹt giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Ảnh: IT |
Tuy nhiên, điều này có thể làm Trung Quốc thất vọng. TSMC đã đầu tư hàng tỉ USD vào Trung Quốc nhưng các nhà máy của công ty Đài Loan ở Nam Kinh và Thượng Hải đang sản xuất các chip ít tiên tiến hơn.
Trong khi đó, nhà máy tiên tiến nhất của TSMC là ở Đài Loan và nhà máy tại Arizona sẽ là nhà máy tiên tiến ở nước ngoài có quy mô lớn đầu tiên, theo Counterpoint Research.
Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ công bố vào tháng 5/2020 đã đẩy Huawei, một trong "ông lớn" công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, ra khỏi danh sách khách hàng của TSMC.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, TSMC và công ty khác sử dụng công nghệ Mỹ để sản xuất chip sẽ phải xin giấy phép xuất khẩu sản phẩm cho Huawei và công ty con HiSilicon.
Những giấy phép này gần như sẽ bị từ chối do Washington muốn ngăn chặn thiết bị Huawei trong hệ thống mạng 5G toàn cầu.
"Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa và các nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn sàng cho sự leo thang của chiến tranh thương mại", nhóm chuyên gia phân tích của Stanford C. Bernstein nhận định.
Paul Triolo, người đứng đầu chính sách công nghệ toàn cầu của Eurasia Group cho biết: "Đã có nhiều mối lo ngại về tiềm năng Bắc Kinh sẽ quốc hữu hóa các nhà máy sản xuất chip của TSMC ở Nam Kinh và Thượng Hải".
Việc này khó có thể xảy ra vì sẽ đem lại hỗn loạn cho cộng đồng doanh nghiệp và mang đến cho Bắc Kinh không gì ngoài tiêu cực, Triolo nhận xét.
Vì vậy, điều Trung Quốc có thể làm là thuyết phục TSMC xây một nhà máy sản xuất chip tiên tiến khác tại quốc gia này. Đồng thời, chiến dịch lâu dài của Mỹ chống lại Huawei nhấn mạnh việc Trung Quốc cần giảm thiểu sự phụ thuộc đối với các nhà sản xuất chip nước ngoài.
Các công ty Trung Quốc bị bỏ xa
Chất bán dẫn đang là nút thắt công nghệ quan trọng đối với Trung Quốc. Đài Loan đã chia sẻ bí quyết kỹ thuật với Trung Quốc khi hàng trăm ngàn kỹ sư Đài Loan đã đến đại lục để giúp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa.
Có điều, nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc là Công ty sản xuất chip bán dẫn quốc tế (SMIC) vẫn đang chậm hơn từ 3 - 5 năm khi so với Intel, Samsung và TSMC, Paul Triolo cho biết.
![]() |
Ngành sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc vẫn còn khoảng cách khá xa với các đối thủ. Ảnh: EET |
SMIC đang sản xuất chip 10nm trong khi các "ông lớn" kể trên đã sản xuất chip 7 nm. Samsung và TSMC còn đang đua nhau chuyển sang chip 5nm và hướng tới chip 3nm.
Vấn đề của SMIC là Mỹ đang gây áp lực cho Hà Lan để ngăn chặn việc công ty ASML của nước này bán thiết bị EUV (thiết bị quan trọng dùng để sản xuất chip) cho SMIC. Công nghệ này được thiết kế bởi ASML nhưng lại có một phần lớn các bằng sản phẩm trí tuệ của Mỹ.
CNN nhận xét, với thời gian cần thiết để thông thạo các thiết bị EUV, bất kỳ sự chậm trễ nào cũng sẽ khiến SMIC ngày càng bị bỏ xa với các "ông lớn" trong ngành sản xuất chất bán dẫn.
Trong khi đó, những công ty của Mỹ như Apple, Quaclomm hay Nvidia thừa khả năng thiết kế chip tiên tiến, nhưng lại không có dây chuyền sản xuất đầy tốn kém như TSMC để chế tạo.
Điều này khiến TSMC có vị trí cực kỳ quan trọng giữa hai cường quốc khi công ty Đài Loan đang tự xây dựng thương hiệu là "xưởng đúc của mọi người" với việc cung cấp cho khách hàng Trung Quốc như Huawei cùng các công ty Mỹ, thậm chí là cả quân đội Mỹ.
Tuy nhiên, sẽ ngày càng khó khăn hơn cho công ty Đài Loan trong việc giữ vị trí trung lập trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, Bloomerg nhận xét
Gửi bình luận