TS Nguyễn Trí Hiếu: Đáng lo khi tiền đổ vào lĩnh vực đầu cơ

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 04/09/2021 06:00 AM (GMT+7)
Huy động vốn của ngân hàng tăng thấp kỷ lục song riêng tiền gửi của doanh nghiệp (DN) lại tăng lên. Điều này cho thấy những dấu hiệu đáng lo của nền kinh tế khi DN không hoạt động được, phải bỏ tiền vào ngân hàng, trong khi người dân rút tiền ra chi tiêu và đổ vào các lĩnh vực đầu cơ như chứng khoán...
Bình luận 0

Dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2021, trong khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng (NH) đạt 5,11 triệu tỷ đồng, tăng 4,78% so với cuối năm ngoái, thì tiền gửi của dân cư đạt 5,29 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,94% so với cuối năm ngoái.

Tính riêng tháng 6/2021, lượng tiền gửi của người dân vào các NH chỉ tăng ròng trên 17.350 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,32% so với tháng 5/2021. Còn lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tăng thêm trong tháng 6 là trên 74.200 tỷ đồng, tăng 1,47% so với tháng liền trước và là tháng tăng ròng cao thứ 2 từ đầu năm (chỉ sau mức tăng gần 203.000 tỷ đồng hồi tháng 3).

Diễn biến trên hoàn toàn trái ngược so với bình quân các năm trước, khi tăng trưởng tiền gửi của dân cư thường lớn hơn nhiều so với các tổ chức kinh tế.

TS Nguyễn Trí Hiếu: Đáng lo khi “mạch máu” của nền kinh tế  lại đang “mắc kẹt” ở các ngân hàng - Ảnh 1.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính. Ảnh: Facebook nhân vật

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính, tiền gửi của DN tăng cao, điều đó cho thấy nhiều DN hiện… chẳng biết đầu tư vào đâu, hoặc chẳng có cơ hội đầu tư trong tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay.

"Không lạ khi DN mang tiền gửi ngân hàng, còn người dân thì rút tiền đầu tư chứng khoán, bất động sản…"- ông Hiếu nói.

-Thưa ông, diễn biến trái ngược trong huy động tiền gửi của các NH thời gian qua có phải là điều đáng lo cho nền kinh tế?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Trước hết, tiền gửi của dân cư giảm cũng là điều dễ hiểu vì trong bối cảnh dịch bệnh, người lao động không đi làm nên thu nhập người dân giảm, phải rút tiền khỏi tài khoản để tiêu dùng. Thêm vào đó, lãi suất NH không còn đủ hấp dẫn khiến một bộ phận người dân chuyển tiền nhàn rỗi sang các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng…

Về phía các DN thì họ không có nhiều cơ hội để đầu tư. Nguyên nhân là do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, doanh nghiệp không thể mua nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa, phải dừng hoạt động do giãn cách xã hội… nên dòng tiền cứ ứ đọng ở các NH, không rút ra để phục vụ sản xuất, kinh doanh được.

Nhìn chung, tăng trưởng huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng trong 8 tháng đầu năm 2021, đây là một hiện tượng mà có lẽ các NH đang rất quan tâm, bởi tiền gửi huy động mà giảm như thế, hoặc tăng không tương xứng với tăng trưởng tín dụng thì đến một lúc nào đó các NH sẽ gặp khó khăn trong vấn đề giải ngân.

TS Nguyễn Trí Hiếu: Đáng lo khi “mạch máu” của nền kinh tế  lại đang “mắc kẹt” ở các ngân hàng - Ảnh 2.

Xu hướng rút tiền từ ngân hàng để đầu tư vào chứng khoán, bất động sản tăng mạnh trong mùa dịch . Ảnh: HDBank

-Hiện, xu hướng người dân đang chuyển dòng tiền sang đầu tư chứng khoán, bất động sản, theo ông thời điểm này có thích hợp?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi thấy không ổn, bởi tình hình kinh tế đang biến động rất mạnh trước dịch bệnh Covid-19.

Ở lĩnh vực chứng khoán, sự tăng trưởng của chứng khoán không dựa trên cơ sở nền tảng của nền kinh tế. Trong khi rất nhiều các DN lao đao, nền kinh tế khó khăn mà chứng khoán vẫn tăng trưởng, sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Lĩnh vực bất động sản (BĐS) thì còn tùy vào từng phân khúc thị trường. Việc người dân đổ tiền vào kênh này với kì vọng giá lên có điểm tích cực là giúp BĐS tăng giá, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và ngành BĐS phục hồi. Từ đó kích thích nền kinh tế phát triển. 

Hiện, những phân khúc nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình vẫn là phân khúc tốt khi nhu cầu nhà ở của người dân trong bối cảnh đại dịch như hiện nay ngày càng tăng. Còn những phân khúc như BĐS thương mại, BĐS công nghiệp, BĐS cao cấp, nghỉ dưỡng… lại là những phân khúc đang bị tác động mạnh của dịch bệnh thì rủi ro khá cao.

Tuy nhiên, nếu lượng tiền đổ vào kênh BĐS nhiều  trong bối cảnh hiện nay, có khả năng gây ra hiện tượng sốt đất thì lại có thể gây tổn hại nền kinh tế, bởi dòng vốn này không được đưa vào kinh doanh tạo việc làm cho người lao động, không đảm bảo an sinh xã hội, thu ngân sách. Thậm chí, việc đầu tư này đến lúc nào đó còn tạo thành nguy cơ "bong bóng" BĐS.

-Theo ông, mặt bằng lãi suất huy động của các NH từ nay đến cuối năm sẽ diễn biến ra sao?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Điều này sẽ rất khó dự báo vì còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh. Nếu kiểm soát dịch bệnh không tốt, sẽ tác hại rất nghiêm trọng đến nền kinh tế, nhất là những người không có công ăn việc làm sẽ rút tiền ra rất nhiều để chi tiêu, sinh hoạt. Còn các DN trong điều kiện khó khăn như hiện nay có lẽ sẽ chọn phương án "ngủ đông", khiến tiền gửi suy giảm. Vì vậy, tất cả còn tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9 này.

Nếu trong tháng 9 này có dấu hiệu kiểm soát dịch bệnh khả quan hơn thì tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng huy động sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem