Thứ sáu, 29/03/2024

TS Bùi Ngọc Sơn: Giảm đau kinh tế trước xung đột Ukraine - Nga

08/04/2022 6:00 PM (GMT+7)

TS Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, nhấn mạnh bất ổn tỷ giá và lạm phát sẽ là những yếu tố tác động lớn đến kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Thận trọng với tác động gián tiếp

- Theo ông, chiến sự Nga – Ukraine sẽ tác động thế nào tới nền kinh tế của Việt Nam?

TS Bùi Ngọc Sơn: Việt Nam ít nhiều đã bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế. Trong bối cảnh này, cuộc chiến Nga - Ukraine chắc chắn sẽ có tác động tiệu cực đến sự phục hồi của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và những năm sau. Tôi cho rằng tác động trực tiếp của cuộc chiến sẽ không lớn vì quan hệ thương mại giữa Việt Nam và hai nước có xung đột nêu trên không lớn, chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam. Tuy nhiên, tác động gián tiếp sẽ là đáng kể. Do đó, chúng ta cần phải có sự quan tâm và thận trọng để có biện pháp ứng phó. Tác động gián tiếp có thể dễ dàng nhận thấy qua hai kênh. Một là thông qua sự tăng giá hàng nguyên liệu (đặc biệt là dầu thô, lương thực). Hai là thông qua con đường tỷ giá khi Fed nâng lãi suất.

TS Bùi Ngọc Sơn: Giảm đau kinh tế trước xung đột Ukraine - Nga - Ảnh 1.

Về dầu lửa, Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ ba thế giới với tỷ trọng 10,53% lượng dầu xuất khẩu toàn cầu, sau UAE (chiếm 16,13%) và Saudi Arabi (11,54%) (số liệu 2019). Sự cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với xuất khẩu dầu lửa của Nga đã khiến giá dầu thế giới tăng vọt. Việt Nam cũng đang phải chịu áp lực lớn từ sự tăng giá này. Giá xăng dầu tại Việt Nam hiện đã tăng cao nhất trong lịch sử, điều này sẽ khiến áp lực lạm phát tăng cao vì giá dầu là yếu tố quan trọng trong rổ hàng tính toán chỉ số lạm phát của Việt Nam.

Ngoài ra, giá kim loại cũng chịu áp lực tăng. Nga là nước xuất khẩu lớn các kim loại như đồng, kền, đặc biệt là nhôm, một nguyên liệu tối quan trọng. Lệnh cấm vận lên nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới Rusal của Nga đã gây khan hiếm nguồn cung nhôm thế giới, khiến giá vật liệu này tăng mạnh. Hiện giá các kim loại đang rất cao vì đứt gãy chuỗi cung ứng trong khi cầu tăng đột biến sau đại dịch.

Về giá lương thực, năm 2021, Nga và Ukraine chiếm 14% sản lượng và 30% tổng xuất khẩu lúa mỳ toàn cầu. Cả hai nước này chiếm khoảng 17% xuất khẩu ngô toàn cầu (Ukraine 15% và Nga khoảng 2%), gần 35% xuất khẩu lúa mạch toàn cầu. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực thế giới từ cuộc xung đột này là một nguyên nhân góp phần làm tăng giá lương thực toàn cầu, hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 10 năm. Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực lớn vì vậy áp lực từ sự khan hiếm là không đáng kể. Tuy nhiên, Việt Nam lại lệ thuộc vào nhập khẩu phân bón nên giá phân bón tăng, có thể khiến giá lương thực và thực phẩm tăng theo, bên cạnh nguyên nhân giá lương thực từ cước vận tải tăng do giá xăng tăng.

Đáng lưu ý, giá lương thực và thực phẩm cùng với giá xăng có tỷ trọng lớn trong rổ hàng tính toán chỉ số CPI của Việt Nam. Do đó, sự tăng mạnh giá hàng nguyên liệu và lương thực sẽ tác động mạnh lên giá cả và lạm phát ở Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, quan trọng hơn, việc Fed nâng lãi suất sẽ khiến đồng VND mất giá, điều này sẽ càng làm áp lực lạm phát tăng cao hơn nữa vì giá hàng nhập khẩu tăng mạnh. Lạm phát ở Mỹ vốn đã ở mức cao nhất trong vòng hơn 40 năm do cầu tăng mạnh và sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu gây ra. Mức lạm phát hàng năm trong tháng 2/2022 là 7,9%. Cuộc chiến Nga-Ukraine khiến giá dầu thô tăng được dự báo sẽ khiến lạm phát cả năm của Mỹ trên 5%, vượt xa mức mục tiêu của Fed. Điều này, buộc Fed đã phải tuyên bố chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu từ tháng 3với mức tăng 0,25% và dự kiến sẽ tăng khoảng 6 lần trong năm 2022.

Ngoài ra, tình trạng đình công, đòi nâng lương lan rộng cũng sẽ gây áp lực lên lạm phát khi các doanh nghiệp phải chấp nhận tăng lương để duy trì lực lượng lao động. Nếu không có hành động thích hợp, lạm phát sẽ khó kiểm soát hơn.

Trong bối cảnh trên, hầu hết các lĩnh vực kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Trong đó, một số lĩnh vực sẽ bị thiệt hại đáng kể như hàng không và du lịch, vì phải chịu chi phí tăng mạnh do giá nhiên liệu cao và do đường bay dài hơn bởi các lệnh cấm vận vùng trời; ngành logistics cũng gặp rắc rối tương tự; lĩnh xuất khẩu nông sản sang Nga và Ukraine sụt vì cầu giảm và rủi ro thanh toán do cấm vận. Ngành xây dựng, bất động sản bị áp lực giá thép, xi măng tăng cao trong khi cầu đã yếu. Lĩnh vực tài chính cũng bị ảnh hưởng khi dòng vốn gián tiếp rút ra khi lãi suất đồng USD tăng.

- Theo ông, tác động của cuộc chiến đối với kinh tế Việt Nam sẽ kéo dài hay đơn giản chỉ là một “cú sốc” ngắn hạn?

Tác động sẽ là lâu dài dù cuộc chiến có thể sớm kết thúc. Bởi vì các lệnh trừng phạt hay cấm vận sẽ khó có thể chấm dứt trong vòng vài năm tới. Nói cách khác, nền kinh tế (và cả chính trị) thế giới sẽ bước vào một thời kỳ mới, trong đó sẽ có nhiều thay đổi lớn trong cấu trúc kinh tế, tài chính, thương mại và đầu tư toàn cầu.

Khuynh hướng thay đổi sẽ là sự phân tách giữa một bên là Mỹ và phương Tây với một bên là Nga và Trung Quốc. Thực ra, sự phân tách này đã bắt đầu từ thời kỳ Tổng thống D.Trump khi ông phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Sự phân tách này được thúc đẩy mạnh hơn vì đại dịch Covid-19 khi các chính phủ và các nhà đầu tư phương tây nhận thấy rằng không thể duy trì cấu trúc kinh tế thế giới như cũ, theo đó các chuỗi cung ứng, dòng thương mại và đầu tư được tập trung vào Trung Quốc.

Hiện nay, cuộc chiến Nga – Ukraine cho thấy rằng dường như có sự “hợp tác” hay “phối hợp” giữa Nga và Trung Quốc. Điều này, khiến sự phân tách này sẽ diễn ra càng mạnh hơn trong tương lai. Các nhà làm chính sách và doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý điều này để có chiến lược hành động đúng đắn trước tình hình và bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu mới.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

- Mọi vấn đề đều có 2 mặt. Vậy Việt Nam có thể được lợi gì đó từ cuộc chiến này?

Trong ngắn hạn, ngành khai khoáng và xuất khẩu lương thực có thể có lợi khi thế giới khan hiếm các mặt hàng này. Tuy nhiên, những lợi ích từ xuất khẩu lương thực nhiều khả năng là không đáng kể vì Việt Nam lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu phân bón, trong đó Nga là nguồn nhập khẩu phân bón lớn của Việt Nam. Nguồn phân bón lớn từ Nga bị ngưng trệ do cấm vận sẽ khiến giá phân bón thế giới tăng và Việt Nam cũng phải chấp nhận tình huống này.

Ngành công nghiệp chế tạo cũng có thể có lợi thế khi sự phân rã gia tăng nhờ thu hút được dòng tái phân bổ các chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc sang Việt Nam vì Việt Nam vẫn được xem là một nơi ưa thích đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Lợi thế này mang tính dài hạn vì đây là một quá trình dài hạn. Tuy nhiên, Việt Nam có mối quan hệ sâu sắc với Trung Quốc về mặt chính trị nên vẫn chưa thể được xem là nơi thực sự an toàn cho sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng quan trọng có giá trị cao.

Hơn nữa, Việt Nam còn thiếu nhiều điều kiện để các công ty nước ngoài đủ tin tưởng phân bố chuỗi cung ứng như: môi trường kinh doanh chưa tốt, nạn tham nhũng còn cao; cơ sở hạ tầng không đủ tốt, Việt Nam chưa có cảng biển và/hay sân bay lớn; logistics yếu kém và đắt đỏ; nguồn nhân lực kỹ năng cao không đủ đáp ứng; không có nền công nghiệp hỗ trợ đủ tốt… Trong khi đó, các nước như Indonesia, Thái Lan, Malaysia đang ráo riết thay đổi để nâng mức cạnh tranh thu hút dòng vốn và công nghệ từ sự phân bố lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tóm lại, Việt Nam vẫn được hưởng từ sự phân bố lại chuỗi sắp tăng tốc, nhưng đó chỉ là những phần không quan trọng của chuỗi cung ứng có giá trị gia tăng thấp và dễ bị thay thế. Do đó, để có thể thu hút được các chuỗi cung ứng có giá trị cao, Việt Nam cần phải đưa ra được một chiến lược và một kế hoạch rõ ràng nhằm khắc phục những thiếu sót nêu trên.

- Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ Việt Nam sẽ ứng phó ra sao với các tác động kinh tế - xã hội từ cuộc chiến Nga – Ukraine? Ông có khuyến nghị gì cho Chính phủ trong điều hành kinh tế, nhất là 2 chính sách cơ bản là tài khóa và tiền tệ?

Tình thế hiện nay sẽ gây khó cho cả hai loại chính sách nêu trên. Khi lạm phát gia tăng, chính sách lãi suất sẽ chịu áp lực, khó duy trì tiếp ở mức thấp để kích thích kinh tế. Tương tự, gói kích thích từ ngân sách cũng cần thận trọng hơn. Không may, gói kích thích 350 nghìn tỷ thực thi chậm, do đó cơ hội đã qua đi. Trong bối cảnh hiện nay, khi lạm phát có khuynh hướng gia tăng nhanh thì việc đưa gói này vào thực thi phải thận trọng hơn, nếu không sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát mất kiểm soát.

Cần lưu ý rằng kiểm soát lạm phát để có ổn định vĩ mô dài hạn phải được xem là mục tiêu hàng đầu trong bối cảnh hiện nay. Nếu lạm phát tăng nhanh, chính sách lãi suất và ngân sách phải được phối hợp để ngăn lạm phát, duy trì ổn định vĩ mô dù phải chấp nhận hy sinh tăng trưởng. Đồng thời, gói kích thích cần lưu ý giảm những khoản chi tiêu mang tính lạm phát cao. Các khoản chi tiêu cho cơ sở hạ tầng chẳng hạn là một trong những khoản chi tiêu mang tính lạm phát cao vì nó thường có quy mô lớn, tạo ít việc làm trong khi lại có vòng thu hồi vốn dài. Khoản chi tiêu loại này cần phải hết sức thận trọng. Thay vào đó, Chính phủ cần ưu tiên những khoản chi tạo nhiều việc làm, sớm tạo ra sản phẩm và có vòng quay vốn nhanh.

- Ngoài những vấn đề như đã nói ở trên, thực tiễn các nước có gợi ý nào cho Chính phủ Việt Nam?

Hiện có một số nước đã xem xét cấm xuất khẩu lương thực vì lo sợ thiếu nguồn cung cho nội địa. Việt Nam cũng cần lưu ý việc xuất khẩu lúa gạo sao cho luôn đảm bảo được nguồn cung trong nước trong một khoảng thời gian nhất định; tránh hiện tượng tăng xuất khẩu lương thực khi thấy giá cao trong khi lại không đảm bảo nguồn cung dự phòng trong nước. Ngân sách cho việc mua dự phòng tồn kho lương thực cần tăng thêm.

Trong bối cảnh đứt gãy nguồn cung kéo dài, kinh nghiệm thế giới cho thấy các doanh nghiệp cần lưu ý gia tăng tồn kho và có kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, mua bảo hiểm rủi ro tỷ giá và các loại rủi ro khác, đặt hàng sớm hơn bình thường đề phòng trục trặc trong khâu vận chuyển, số hóa việc quản lý hoạt động kinh doanh để có thể luôn nhận biết mọi khâu và mọi hoạt động của công ty theo thời gian thực và để có cách ứng phó nhanh nhất có thể. Tất cả những yếu tố đó sẽ giúp đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp một cách thường xuyên.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Công ty chứng khoán cần cả kiếm và khiên

Công ty chứng khoán cần cả kiếm và khiên

Công ty chứng khoán (CTCK) bị sự cố hệ thống công nghệ thông tin thi thoảng vẫn xảy ra trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên, thường sớm được khắc phục trong phiên.

Chứng khoán tháng 4 và mùa họp đại hội đồng cổ đông

Chứng khoán tháng 4 và mùa họp đại hội đồng cổ đông

Rung lắc mạnh trong tháng 3 khi đón nhận các thông tin tốt xấu đan xen, diễn biến thị trường chứng khoán trong tháng 4 liệu sẽ ra sao?

Ít hãng bay nhưng lại cạnh tranh khốc liệt!

Ít hãng bay nhưng lại cạnh tranh khốc liệt!

Trong khi hành khách ngày càng phải trả chi phí cao hơn để đi máy bay, các hãng hàng không vẫn tiếp tục thua lỗ mà gần nhất là câu chuyện Pacific Airlines

“Ông trùm” gia vị tiết lộ bí quyết giúp Dh Foods có mặt ở hơn 10 quốc gia

“Ông trùm” gia vị tiết lộ bí quyết giúp Dh Foods có mặt ở hơn 10 quốc gia

Nhờ kiên trì tiêu chí sản phẩm sạch, không dùng nguyên liệu nhân tạo, Dh Foods không những đứng vững tại thị trường gia vị Việt Nam mà còn tiến sâu vào thị trường quốc tế.

Gói "đầu tư giáo dục" hay chiêu "lấy mỡ nó rán nó"?

Gói "đầu tư giáo dục" hay chiêu "lấy mỡ nó rán nó"?

Chiêu huy động vốn từ phụ huynh học sinh để chủ đầu tư một số trường tư thục lấy đó làm vốn kinh doanh – chiêu này không mới. Tuy nhiên, nó được khoác lên bằng những cái tên mỹ miều như "gói đầu tư giáo dục" hay "học phí 0 đồng".

Kiếm tiền thật từ thị trường carbon

Kiếm tiền thật từ thị trường carbon

Chuyện tín chỉ carbon và giao dịch carbon đem lại tiền tươi thóc thật là có thật: Ngân hàng Thế giới (WB) hôm nay 21/3 công bố đã chi trả 51,5 triệu USD cho Việt Nam.