Trường học ở TP.HCM tăng cường giám sát bữa ăn bán trú, học sinh chấm điểm chất lượng

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 02/01/2024 09:56 AM (GMT+7)
Chất lượng bữa ăn cho học sinh luôn được các trường quan tâm hàng đầu. Ngoài việc giáo viên, nhân viên nhà trường kết hợp với phụ huynh giám sát, các em học sinh cũng được chấm điểm về chất lượng bữa ăn.
Bình luận 0

Năm học 2023-2024 đã đi qua được một nửa chặng đường. Trong nhiều tháng qua, câu chuyện về bữa ăn bán trú tại một số trường học ở TP.HCM nhận được sự quan tâm lớn của dư luận do chất lượng chưa được đảm bảo.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, hầu hết các trường đều công khai thực đơn bán trú hàng tuần, hàng tháng cho học sinh, phụ huynh biết. Các trường cũng tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đảm bảo chất lượng bữa ăn.

Học sinh được chấm điểm chất lượng bữa ăn bán trú

Tại Trường THCS Minh Đức (quận 1), lãnh đạo nhà trường cho biết, do trường đang sửa chữa, xây dựng lại một số hạng mục nên ăn bán trú phải tạm ngưng hoạt động. Nhiều tháng qua, học sinh bán trú ăn suất ăn công nghiệp.

Trường học tăng cường giám sát bữa ăn bán trú, học sinh được chấm điểm chất lượng - Ảnh 1.

Nhiều trường học cho học sinh đánh giá chất lượng bữa ăn bán trú. Ảnh: M.Q

Dù sử dụng suất ăn công nghiệp, lãnh đạo nhà trường cho biết, công tác kiểm sát bữa ăn vẫn được chú trọng hàng đầu. Theo đó, nhà trường đã công khai thực đơn bán trú, tổ chức để phụ huynh đến trường tham quan quy trình phục vụ suất ăn, cân chia, lưu mẫu và phân phối đến từng lớp cũng như cùng ăn cơm với con tại trường....

Ban giám hiệu cùng các cán bộ, giáo viên trong trường còn kiểm tra bếp ăn công nghiệp thường xuyên, định kỳ cùng với phụ huynh, ban đại diện cha mẹ học sinh.

Đặc biệt, cứ mỗi tháng một lần, nhà trường tổ chức cho học sinh đánh giá chất lượng bữa ăn trong thực đơn trong tháng. Học sinh được đánh giá chất lượng bữa ăn qua 4 mức: Rất ngon, ngon, không ngon, dở tệ.

Sau khi nhận được đánh giá của học sinh, cán bộ phụ trách sẽ phân tích dữ liệu này và yêu cầu đơn vị cung cấp suất ăn điều chỉnh.

Trường học tăng cường giám sát bữa ăn bán trú, học sinh được chấm điểm chất lượng - Ảnh 3.

Tại TP.HCM, việc mời phụ huynh đến trường cùng học, cùng ăn với con được nhiều trường triển khai. Ảnh: M.Q

Được biết, việc cho học sinh đánh giá suất ăn được nhà trường thực hiện từ nhiều năm nay, ngay cả khi học sinh ăn cơm từ bếp trường nấu.

Cũng giống Trường THPT Minh Đức, Trường THCS Lương Định Của (TP.Thủ Đức) cũng cho học sinh thực hiện đánh giá chất lượng bữa ăn bán trú ở hai mức có chất lượng và không có chất lượng.

Lãnh đạo nhà trường chia sẻ, việc khảo sát sẽ giúp nhà trường biết được chất lượng bữa ăn thông qua đánh giá của học sinh. Từ đó, kịp thời điều chỉnh phù hợp.

Lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), chia sẻ, hiện có 3 hình thức phổ biến để tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh gồm: Nhà trường tự tổ chức bếp ăn bán trú, hợp đồng với công ty cung cấp suất ăn và hợp đồng với căng-tin trường học để nấu suất ăn cho học sinh ngay tại trường.

Trong đó, việc trường tự tổ chức bếp ăn bán trú là mô hình lý tưởng vì ban giám hiệu và phụ huynh sẽ dễ dàng quản lý, giám sát. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng thực hiện được vì phụ thuộc vào điều kiện từng trường. Ngược lại, việc đặt suất ăn công nghiệp sẽ khó quản lý hơn vì nhà trường không thể kiểm tra thường xuyên.

Đối với Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, hiện trường đang liên kết với căng tin trường học để nấu suất ăn cho học sinh. Một giáo viên trong ban giám hiệu của trường sẽ ăn cùng các em để giám sát chất lượng bữa ăn. Đặc biệt, phụ huynh có thể đến trường bất cứ lúc nào, không cần thông báo trước để ăn cùng các con.

Trước đó, đoàn kiểm tra của Đội quản lý An toàn thực phẩm – Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã tới kiểm tra tại 2.316 bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh thực phẩm trong 2.016 cơ sở giáo dục (1.374 bếp ăn tập thể tự tổ chức, 140 bếp ăn tập thể hợp đồng, 9 căn tin tự tổ chức, 466 căn tin hợp đồng, 325 trường nhận suất ăn sẵn) và 2 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho trường học.

Kết quả kiểm tra cho thấy, không có đơn vị nào xảy ra sai sót. Trong đó, hồ sơ pháp lý được các trường lưu trữ khá đầy đủ, sắp xếp ngăn nắp, dễ truy tìm. Hầu hết các trường cân đối và sử dụng nguyên liệu, thực phẩm tươi trong ngày.

Nguồn nguyên liệu, thực phẩm đầu vào đều có nguồn gốc rõ ràng, chứng minh được xuất xứ thông qua hợp đồng, hóa đơn và năng lực của nhà cung cấp. Trong đó, có 1.220 cơ sở đạt chứng nhận "Chuỗi thực phẩm an toàn" và 1.411 cơ sở đạt chứng nhận ISO22000, HACCP, VietGap, GlobalGap...

Đối với nguồn nhân lực phụ trách công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các trường, đoàn đánh giá người quản lý và người tham gia chế biến trực tiếp có nhận thức tốt về nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm trong sử dụng, chế biến và bảo quản thực phẩm.

Đồng thời, các trường bố trí cán bộ y tế thường xuyên kiểm tra bếp ăn cũng đã góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho các bếp ăn tập thể tại trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem