Trong giá rét, ngồi bên đống lửa trông đào, quất thuê để kiếm tiền tiêu Tết

Đức Quang Thứ tư, ngày 24/01/2024 11:09 AM (GMT+7)
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiệt độ tại Hà Nội xuống thấp, trời rét buốt. Tiểu thương kinh doanh đào quất phải thuê người trông coi tránh trộm cắp, người trông đào thuê mỗi đêm cũng kiếm được trung bình từ 300 đến 500 nghìn đồng.
Bình luận 0

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, những ngày cận Tết, trên các tuyến đường Lạc Long Quân, Âu Cơ, Tố Hữu, Nguyễn Xiển,… đào, quất với đủ kiểu dáng được bày bán la liệt.

Đằng sau vẻ đẹp đó là những túp lều xập xệ do các tiểu thương dựng lên để túc trực, thậm chí để thức trắng đêm trông đào, quất nhiều tiểu thương phải thắp điện, đốt lửa sưởi ấm mong kiếm được một cái Tết sung túc.

Chuẩn bị điểm bán trước một tháng, nhưng vợ chồng anh Nguyễn Xuân Thành (chủ vườn đào tại Mộc Châu, Sơn La) cho biết vẫn không khỏi nhấp nhổm trông trời, trông đất, thậm chí ăn gió, nằm sương chỉ để canh giữ đào.

Trong giá rét, ngồi bên đống lửa trông đào, quất thuê để kiếm tiền tiêu Tết- Ảnh 1.

Người trông đào thuê có thể kiếm được nửa triệu mỗi đêm.

"Công việc không có một giờ giấc cố định nào cả, việc bán hàng bắt đầu từ sáng đến đêm khuya. Năm nào cũng vậy, gia đình tôi cũng phải thay phiên nhau thức đêm để trông và tưới tắm cho cây", anh Thành nói.

"Phải thức đêm nên rất là vất vả và mệt nhọc. Nhưng công sức trồng đào cả năm trời chỉ chờ vào dịp Tết để thu hoạch nên chúng tôi cũng cố gắng. Nhiều lúc lạnh quá thì đốt lửa cho ấm, mưa thì chui vào lều bạt ngồi, thi thoảng lại chạy ra nhìn để tránh bị mất trộm không là mất Tết", anh Thành chia sẻ thêm.

Theo anh Thành, vì số lượng đào gia đình bán rất lớn, nên hai vợ chồng không thể trông coi hết. Do đó, gia đình phải thuê thêm một người đàng ông nữa cũng trông coi. Làm từ 8 giờ tối đến sáng, anh Thành phải trả cho người này khoảng 500 nghìn đồng/một đêm.

Trong giá rét, ngồi bên đống lửa trông đào, quất thuê để kiếm tiền tiêu Tết- Ảnh 3.

Tuy công cán cao nhưng trách nhiệm của người trông đào là rất lớn vì giá trị mỗi cây toàn hàng chục triệu đồng.

"500 nghìn đồng kể ra cũng khá cao, tuy nhiên, so với số lượng công việc phải đảm nhiệm và chịu trách nhiệm với công việc thì khoản tiền đó cũng đáng. Trời thì lạnh, phải thức trắng đêm, đặc biệt, đảm bảo tránh mất mát vì những gốc đào có giá hàng chục triệu đồng", anh Thành cho biết.

Cách chỗ anh Thành không xa, anh Trọng Yến (một người trông đào và quất) phải liên tục thêm củi cho lửa cháy để sưởi ấm trước cái lạnh buốt và tránh buồn ngủ về đêm.

"Hiện mình đã nhận công việc trông đào, quất được 6 buổi rồi. Thường bọn mình thường nhận trông đến 3 giờ sáng, với mức lương nhận được là 500.000 nghìn đồng một đêm", anh Yến cho hay.

"Càng gần Tết người mua đào, quất dần lên nên phải bán cả đêm để phục vụ nhu cầu khách hàng. Không những vậy, xe máy kèm bãi đào, quất có giá tiền lên đến vài trăm triệu nên càng cần phải có người trông nom cẩn thận, không là mất Tết. Đôi lúc buồn ngủ, trời mưa, lạnh nhưng anh em trông đào cũng chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng vượt qua", anh Yến tâm sự.

Trong giá rét, ngồi bên đống lửa trông đào, quất thuê để kiếm tiền tiêu Tết- Ảnh 4.

Trong những đêm lạnh giá ở Hà Nội, đốt lửa sưởi ấm là cách giúp những người trông đào tỉnh táo, thức đến tận sáng.

Giống như anh Yến, anh Minh Hoàng cùng một vài bạn trông đào ngồi co ro bên bếp lửa để kiếm 500 nghìn đồng mỗi đêm. "Dù ban ngày chạy grab nhưng đến tối anh lại đi trông đào thuê, thời gian trông từ 7h tối đến 4h sáng ngày hôm sau. Chăm chỉ làm việc thì từ giờ đến Tết cũng kiếm thêm được khoảng chục triệu tiêu Tết", anh Hoàng vui vẻ nói.

Theo anh Hoàng, nhận được 500 nghìn đồng tiền công mỗi đêm là phù hợp với công sức mình bỏ ra. Trời thì rét căm căm, thì thoảng mưa nhiều hôm nhiệt độ còn dưới 10 độ C, nhưng mỗi cây đều có giá hàng triệu đồng nên hầu như cả đêm mình càng không dám ngủ vì sợ mất đào của chủ vườn.

Trong giá rét, ngồi bên đống lửa trông đào, quất thuê để kiếm tiền tiêu Tết- Ảnh 5.

Túp lều tạm bợ được dựng bên vỉa hè là nơi ngủ nghỉ của các tiểu thương bán đào, quất.

Không chỉ có cánh mày râu, những ngày này chị Hoàng Thị Huyền (người trồng đào) cũng tất bật lo kiếm tiền Tết, với 200 cây đào và 100 chậu quất nhỏ.

"Đào và quất tôi nhập từ Sơn La. Xuống phố nhìn đẹp nhưng đưa về đến Hà Nội tốn rất nhiều công sức và chi phí, tổng chi phí đã lên tới gần 150 triệu đồng, do đó hai vợ chồng phải thay nhau trông coi và bán cả ngày lẫn đêm mong nhanh thu hồi vốn. Còn cả năm trông chờ mỗi ngày Tết để kiếm tiền nên ai cũng phải chịu khó cả, thức đêm nhiều dần thì cũng thành thói quen", chị Huyền nói.

Theo chị Huyền, hầu hết các hộ kinh doanh đào, quất dọc các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội đều phải gọi thêm người trông coi. Ai có người thân thì giúp sức, ai không có thì phải đi thuê và trả tiền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem