Tranh cãi chuyện trẻ không mặc đồng phục bị cô “bêu” trước nhóm lớp, phụ huynh nói cô giáo “thiếu tôn trọng”

Thảo Linh Thứ sáu, ngày 10/05/2024 19:00 PM (GMT+7)
Trẻ không mặc đồng phục, cô chụp ảnh rồi gửi lên nhóm lớp nhắc "có một bạn lúc nào cũng mặc khác cả lớp", phụ huynh cho rằng cô giáo có lời lẽ thiếu tôn trọng và khiếm nhã. Sự việc đang gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Bình luận 0

Con bị cô "bêu" trước nhóm lớp, phụ huynh phản ứng gay gắt

Mới đây, một câu chuyện liên quan đến đồng phục được đăng tải trên mạng xã hội đã gây xôn xao dư luận. Trong đoạn hội thoại của nhóm kín một lớp mầm non cho thấy, giáo viên chụp ảnh các học sinh mặc đồng phục áo xanh, quần nâu đang ngồi trên ghế, trong số này một học sinh mặc áo cờ đỏ sao vàng và quần đen.

Ngay dưới bức ảnh, giáo viên viết: "Cả lớp tươm tất đang chuẩn bị xuống đi trường tiểu học nhưng có một bạn lúc nào cũng mặc khác cả lớp".

Người được cho là mẹ của học sinh cũng đáp lại ngay, chị cho rằng cô giáo có lời nói thiếu tôn trọng và khiếm nhã, "chỉ quan trọng thành tích lớp và nhồi nhét vào đầu trẻ những lời nói mà con đáng lẽ chưa phải nghe".

Cũng theo lời người mẹ này, nhà trường mỗi năm một kiểu đồng phục, những bộ của năm trước vứt xó giờ không mặc.

Người mẹ cũng nhắc nhở giáo viên: "Làm nghề thì nên có chút tâm với nghề. Đừng thấy con có chút thiếu sót mà so sánh, mỉa mai. Không động viên các con thì thôi, đừng làm vậy cô nhé".

Tranh cãi chuyện trẻ không mặc đồng phục bị cô “bêu” trước nhóm lớp, phụ huynh nói cô giáo “thiếu tôn trọng”- Ảnh 1.

Tranh cãi chuyện trẻ không mặc đồng phục bị cô “bêu” trước nhóm lớp, phụ huynh nói cô giáo “thiếu tôn trọng”- Ảnh 2.

Câu chuyện gây tranh cãi trên mạng xã hội. Ảnh: CMH

Có hai luồng ý kiến tranh cãi xung quanh câu chuyện trên, nhiều người cho rằng cô giáo đã quá thiếu tế nhị khi công khai việc "mỉa mai" phụ huynh trên nhóm lớp, nhưng cũng có những ý kiến khác lại phản bác người mẹ trong câu chuyện trên vì "một bộ đồng phục của con chỉ bằng tiền sơn một bộ móng của mẹ, không đáng là bao".

Chị Nguyễn Thị Xuân An (Lâm Thao, Phú Thọ) cho biết, chị không ủng hộ cách hành xử của cô giáo nhưng không đồng tình với người mẹ.

"Không biết trước đó cô giáo có nói chuyện riêng với phụ huynh không mà để sự việc đến nỗi này. Cô giáo trong chuyện này đã quá thiếu tệ nhị, thiếu gì cách để giải quyết vấn đề mà "bêu" cả mặt học sinh lên nhóm lớp như vậy? Còn người mẹ, chị đang nói cô giáo thiếu tôn trọng nhưng ngay trong nhóm có nhiều phụ huynh lời lẽ của chị cũng đang thiếu tôn trọng", chị An cho hay.

Chị An cho rằng, người mẹ trong câu chuyện có nói về việc nhà trường mỗi năm một kiểu đồng phục, chứng tỏ người mẹ đã bức xúc từ lâu.

"Tôi  không đồng tình với việc nhà trường mỗi năm thay một kiểu đồng phục, nếu năm trước còn mặc được tại sao lại phải thay một cách lãng phí? Ở đây các cháu mới là bậc học mầm non, có cần thiết phải mỗi năm thay một bộ đồng phục không?", chị An chia sẻ thêm.

Chị Cù Hoài Thu (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, nếu con chị rơi vào tình cảnh trên, chắc con sẽ rất xấu hổ.

"Đồng phục là chuyện của người lớn với nhau, nhưng cô giáo lại "bêu" trẻ lên như thế là không được, không có tình, làm phật lòng phụ huynh", chị Thu thẳng thắn nói.

Chị Thu chia sẻ thêm: "Tôi không tiếc tiền mua đồng phục cho con, nhưng nó phải hợp lý, đồng phục là phải theo quy định chứ không phải mốt mà thay đổi xoành xoạch".

Tuy nhiên, bình luận ở dưới câu chuyện trên, cũng có nhiều người cho rằng, một bộ đồng phục của con cũng chỉ khoảng hơn 100.000 đồng, còn chưa bằng tiền sơn một bộ móng tay, người mẹ không nên căn ke và tính toán quá, dẫn đến câu chuyện tranh cãi mà có khi "chỉ thiệt cho con mình". Hơn nữa, cô giáo bị nhà trường "áp" xuống chứ cũng không dám tự làm.

Trường nào thay đổi đồng phục năm này qua năm khác là sai nguyên tắc

Chia sẻ với Dân Việt, một Phó hiệu trưởng trường mầm non tại Thái Bình cho rằng, cô giáo trong câu chuyện trên "sai quá sai".

"Ở môi trường mầm non, cô giáo được ví như mẹ hiền. Nhưng cách xử sự thế này của cô giáo là sai và không phù hợp với môi trường giáo dục, nhất là ở môi trường giáo dục đặc biệt như mầm non. Còn phụ huynh cũng thiếu kiềm chế nên dẫn đến đôi co, lời nói mất kiểm soát, thiếu lịch sự", vị này cho hay.

Theo Phó hiệu trưởng này, cả hai nên có cách hành xử trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng cả quyền riêng tư của trẻ.

"Vì quyền lợi của con trẻ, tôi tin không phụ huynh nào từ chối nếu cô giáo giải thích rõ ràng và thấu tình, nếu không thể thuyết phục được phụ huynh, cô giáo có thể báo cáo lại Ban giám hiệu nhà trường để tìm cách giải quyết tốt nhất chứ không phải tức thì nói, cả giận mất khôn", bà cho biết thêm.

Tranh cãi chuyện trẻ không mặc đồng phục bị cô “bêu” trước nhóm lớp, phụ huynh nói cô giáo “thiếu tôn trọng”- Ảnh 3.

Học sinh Trường mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) khai giảng năm học 2022-2023. Ảnh: Gia Khiêm

Quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên cũng đã được Bộ GDĐT nêu rõ trong Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT.

Bộ GDĐT nhấn mạnh, trường hợp cần có sự thay đổi kiểu dáng, màu sắc đồng phục, phải được sự đồng ý của Hội đồng trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Tiếp đó, trong Công văn 6100/BGDĐT-CTHSSV năm 2013, Bộ GDĐT nhận định, ở một số địa phương và nhà trường, việc tổ chức mặc đồng phục cho học sinh, sinh viên chưa thực hiện đúng quy định của Thông tư 26, gây phiền hà, tốn kém cho gia đình học sinh, sinh viên và bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là vào dịp đầu năm học mới.

Vì vậy, Bộ GDĐT yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo và các nhà trường đã chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện đúng quy định tại Thông tư 26. Đồng thời, Bộ GDĐT nhắc lại một lần nữa việc may, mặc đồng phục trong nhà trường phải được sự đồng ý của Hội đồng trường và thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh, không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục hàng ngày đến trường.

Ở những nơi có điều kiện và Ban đại diện cha mẹ học sinh đề nghị thì chỉ cần quy định học sinh chỉ mặc đồng phục một buổi/tuần vào ngày phù hợp. Mẫu đồng phục của nhà trường phải đơn giản, phù hợp lứa tuổi, ổn định, dễ tìm mua hoặc may và phải phù hợp với quy định tại Thông tư 26. Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi, cho phép gia đình học sinh tự mua sắm đồng phục học sinh theo mẫu của nhà trường, tuyệt đối, không tự ý thay đổi mẫu đồng phục, nếu có thay đổi cần báo trước, được sự đồng thuận của phụ huynh trong trường; không bắt buộc học sinh may đồng phục mới vào đầu năm học.

TS. Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) cho rằng, Thông tư 26 cho đến thời điểm này, đa số các trường triển khai bài bản, nghiêm túc và phát huy được giá trị, tác dụng trong giáo dục. Trong thông tư này đã đưa ra một số nội dung căn bản mang tính nguyên tắc như mục đích, quy định là gì, đối tượng phạm vi điều chỉnh là ai, trách nhiệm của Sở GDĐT, phòng GDĐT, trách nhiệm các hiệu trưởng đến đâu.

"Soi chiếu nguyên tắc nếu có hiện tượng trường nào cứ thay đổi đồng phục năm này qua năm khác là sai nguyên tắc. Quy định đồng phục mà thực hiện triển khai không thuận lợi cho phụ huynh, hoặc có giá trị vượt quá điều kiện bảo đảm của các gia đình cũng là đang vi phạm nguyên tắc...", TS Thái Văn Tài cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem