Trách nhiệm hình sự vụ 7 bác sĩ, nhân viên y tế tiếp tay trục lợi bảo hiểm

Quang Trung Thứ năm, ngày 03/08/2023 07:48 AM (GMT+7)
7 bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Thái An bị cáo buộc móc nối, làm khống hàng trăm hồ sơ bệnh án để đối tác trục lợi hơn 2 tỷ đồng tiền bảo hiểm thương mại và y tế. Chuyên gia pháp lý đã bình luận về vụ việc này.
Bình luận 0

Bị khởi tố vì tiếp tay trục lợi bảo hiểm

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Vinh (Nghệ An) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can về tội "Gian lận bảo hiểm y tế" quy định tại Điều 215, Bộ luật hình sự.

Trách nhiệm hình sự vụ 7 bác sĩ, nhân viên y tế tiếp tay trục lợi bảo hiểm - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng tống đạt các quyết định đối với 7 bị can. Ảnh: Báo Nghệ An.

7 bị can bị khởi tố đều đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Thái An, họ bị cáo buộc móc nối, làm khống hàng trăm hồ sơ bệnh án để đối tác trục lợi hơn 2 tỷ đồng tiền bảo hiểm thương mại và y tế.

Theo điều tra, từ năm 2011, một số người ở thành phố Vinh và các huyện lân cận có ý định trục lợi tiền bảo hiểm y tế và thương mại nên liên kết với nhóm người trên để lập khống hồ sơ.

Cảnh sát cho hay, đối tác cung cấp chứng minh thư nhân dân và thẻ bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng để hợp thức hóa thủ tục khám và điều trị.

Hàng ngày, dù các "bệnh nhân" không điều trị tại viện nhưng các điều dưỡng, bác sĩ trên đều tham gia ký khống vào hồ sơ, khi thấy đủ ngày lập bệnh án thì thông báo cho người có tên trong hồ sơ đến ký thủ tục thanh toán viện phí.

Với thủ đoạn trên, từ năm 2011-2023, 7 bác sĩ, điều dưỡng đã lập khống 153 hồ sơ bệnh án. Trong đó, 59 hồ sơ sử dụng bảo hiểm y tế được Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hơn 100 triệu đồng.

Ngoài ra, những người trục lợi bảo hiểm sau khi được Bệnh viện Đa khoa Thái An làm giả hồ sơ bệnh án đã thanh toán, giải quyết quyền lợi hỗ trợ chi phí nằm viện với các công ty bảo hiểm thương mại với số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Đối mặt khung hình phạt nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của các đối tượng có liên quan, làm rõ phương thức thủ đoạn phạm tội, làm rõ vai trò trách nhiệm của từng bị can trong vụ án và đánh giá tính chất mức độ của hành vi để xử lý theo quy định.

Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra sẽ làm rõ tất cả các hành vi vi phạm pháp luật của các bị can và những người có liên quan, hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội danh nào sẽ xử lý về tội danh đó, có thể một bị can sẽ bị xử lý về tội danh do thực hiện nhiều hành vi vi phạm.

Ông Cường phân tích, theo quy định của pháp luật, hoạt động khám, chữa bệnh là hoạt động nghề nghiệp có điều kiện, theo quy trình thủ tục chặt chẽ mà Luật khám chữa bệnh và các văn bản pháp luật có liên quan đã quy định.

Tuy nhiên theo kết quả điều tra, các bác sĩ, nhân viên y tế đã không tuân thủ quy trình khám chữa bệnh, cố ý lập hồ sơ khống, tiếp tay cho hành vi gian lận bảo hiểm y tế.

Bởi vậy, ngoài việc làm rõ để xử lý đối với những người vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội, chỉ ra những sơ hở, những quy trình không phù hợp dẫn đến hành vi phạm tội xảy ra để phục vụ công tác phòng ngừa, hạn chế những vụ việc tương tự.

"Đối với hành vi gian lận bảo hiểm y tế, nếu chiếm đoạt số tiền dưới 100 triệu đồng, các bị can trong vụ án sẽ phải đối mặt với hình phạt có thể tới 2 năm tù.

Nếu hành vi phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 100 đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 100 đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm" – ông Cường thông tin.

Như vậy, nếu bị chứng minh có tội, tùy tính chất mức độ mà các đối tượng có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem