TP.HCM: Trường học "than thở" với quy định phòng chống dịch Covid-19 mới

Thiên Tường Thứ sáu, ngày 25/02/2022 10:46 AM (GMT+7)
Việc F0 xuất hiện ngày một nhiều trong cộng đồng và trường học khiến lực lượng y tế quá tải, không thể hỗ trợ cơ sở giáo dục trong địa bàn phụ trách.
Bình luận 0

"Căng" với quy định về Covid-19 trong trường học

Vừa qua, UBND TP.HCM ban hành quy định mới về quy trình xử trí F0 trong trường học trước tình hình dịch Covid-19 tái bùng phát.

Với quy định mới này, các F1 chỉ phải theo dõi sức khỏe và học online tại nhà trong thời gian 5-7 ngày thay vì 14 ngày như quy định trước. Điều này sẽ giúp học sinh được trở lại trường học sớm hơn, nhà trường cũng đỡ vất vả trong việc vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến.

Tuy nhiên, với một số quy định khác, nhiều cơ sở giáo dục cho biết sẽ rất khó khăn để thực hiện giữa thời điểm F0 xuất hiện ngày một nhiều như hiện nay.

TP.HCM: Trường học "than thở" với quy định phòng chống dịch mới - Ảnh 1.

Các cơ sở giáo dục gặp khó khăn khi phải thực hiện tất cả công tác xử trí khi Covid-19 xuất hiện. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Trao đổi với Dân Việt, hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn phường 12, quận Tân Bình cho biết, theo quy định mới, khi xuất hiện F0 trong trường học thì các cơ sở giáo dục phải thông báo ngay cho trạm y tế phường, xã, thị trấn (cấp xã) hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 để xử lý.

Lực lượng y tế sẽ là nhân lực cốt cán phối hợp với nhà trường thực hiện các việc như xử lý F0, khoanh vùng F1, xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu gộp cho toàn bộ F1, học sinh và giáo viên của lớp có F0… Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 đang có xu hướng tăng mạnh. Lực lượng y tế địa phương đang quá tải với các ca trong cộng đồng, không đủ nhân lực để hỗ trợ khi cơ sở giáo dục cần.

Không có sự hỗ trợ của y tế, Hiệu trưởng/Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch trong nhà trường phải trực tiếp triển khai tất cả công tác xử trí khi F0 xuất hiện. Do đó, nhà trường phải thực hiện công việc của y tế như xử lý F0, khoanh vùng F1, tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho học sinh, hướng dẫn học sinh và phụ huynh cách ly, test Covid-19 tại nhà... Đây không thuộc chuyên môn của giáo viên nên chắc chắn sẽ rất khó khăn, chưa kể, kết quả chưa chắc đã chính xác.

TP.HCM: Trường học "than thở" với quy định phòng chống dịch Covid-19 mới - Ảnh 3.

Theo quy định mới, học sinh F1 chỉ phải nghỉ 5-7 ngày thay vì 14 ngày. Ảnh: H.N

"Nhân lực để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 rất quan trọng. Hiện tại các ca nhiễm trong trường học tăng nhiều, hầu như ngày nào cũng có. Trong khi đó, không phải cơ sở giáo dục nào cũng có nhân viên y tế chuyên trách, nhiều trường chỉ có nhân viên kiêm nhiệm y tế. Những người này có khi đang là bệnh nhân điều trị Covid-19. Như vậy, ai sẽ là người test cho học sinh? Giáo viên của trường không có chuyên môn thực hiện việc này sẽ không đảm bảo chính xác, mà có thể còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh.

Ngoài ra, khi phát sinh F0 trong trường, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 nhà trường phải kích hoạt. Để tập trung Ban chỉ đạo thực hiện công tác chống dịch thì nhiều giáo viên phải bỏ dở bài giảng ở lớp, học sinh phải ngừng học, rất thiệt thòi" - vị hiệu trưởng cho biết.

Theo hiệu trưởng này, nếu giải quyết được vấn đề về nhân lực y tế, đảm bảo rằng lực lượng này sẽ hỗ trợ nhà trường đúng như văn bản của UBND TP đưa ra thì các cơ sở giáo dục mới yên tâm thực hiện các công tác còn lại. Ngược lại, khi gánh nặng này đổ lên hết cho cơ sở giáo dục, các trường sẽ rất khó khăn, chật vật trước tình hình hiện tại.

Lãng phí khi test Covid-19 toàn bộ học sinh cùng lớp với F0

Ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho biết, kể từ sau Tết Nguyên đán, số học sinh của trường trở thành F0 tăng vọt. Chỉ 2 tuần, trường đã phát sinh 106 ca F0 trong 7 lớp học.

Về quy định mới trong công tác xử lý F0 mà UBND TP.HCM ban hành, ngoài khó khăn về nhân lực y tế như trên, ông Phú còn cho biết, việc test tất cả học sinh trong lớp có F0 là tốn kém, lãng phí và không hiệu quả.

"Ví dụ, trường xuất hiện khoảng 4 - 5 học sinh là F0 thì sẽ phải test cả 4 - 5 lớp, như vậy là đã tốn hàng trăm kit test. Chúng ta có thể đặt tình huống, nếu tất cả các lớp đều xuất hiện ca F0, trường sẽ phải test cho tất cả các lớp, số kit test lên đến mấy ngàn cái. Số tiền mua kit test lên đến hàng trăm triệu.

Chưa kể, kit test bây giờ rất khan hiếm, mua chưa chắc có, mà có thì số tiền rất cao phải qua đấu thầu. Trong khi đó, đấu thầu không phải 5 phút là xong mà phải mất cả tuần, thậm chí cả tháng. Cơ sở pháp lý cũng không cho phép trường học đấu thầu các thiết bị y tế. Giữa thời điểm cấp bách như hiện nay, F0 xuất hiện nhiều, ngân sách không có, thời gian không có, nhân sự không có... nên rất khó khăn cho các cơ sở giáo dục" - ông Phú nói.

TP.HCM: Trường học "than thở" với quy định phòng chống dịch mới - Ảnh 5.

Các cơ sở giáo dục đánh giá việc phối hợp với phụ huynh để tầm soát dịch bệnh từ xa là rất quan trọng. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Về sự hiệu quả của việc test toàn bộ học sinh trong lớp sau khi xuất hiện F0, một vị hiệu trưởng trường tiểu học cho biết, việc làm lãng phí, không hiệu quả.

"Sau nhiều lần tổ chức test cho học sinh trong lớp có F0, chúng tôi nhận thấy rằng việc này không hiệu quả. Bởi thời điểm đó, học sinh chưa có biểu hiện gì, test sẽ cho ra kết quả âm tính. Thậm chí, khi các em có một biểu hiện liên quan đến dịch tễ, test vẫn âm tính. Phụ huynh đưa ra cơ sở y tế test cũng có kết quả tương tự. Tuy nhiên, sau 3-5 ngày ủ bệnh và khi học sinh có từ 2 biểu hiện trở lên thì test mới cho ra kết quả dương tính" - vị hiệu trưởng nói.

Để giải quyết vấn đề kinh phí mua kit test, nhiều cơ sở giáo dục đang sử dụng nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu Tuy nhiên nguồn này là rất ít, không thể đủ để sử dụng giữa thời điểm F0 tăng ngày một nhiều. Có cơ sở thì vận động phụ huynh hỗ trợ, trên tinh thần tự nguyện.

Tại quận Tân Bình, các cơ sở giáo dục cho biết, quận đã có chỉ đạo lập danh sách danh mục thiết bị cần thiết để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 để quận hỗ trợ. Hiện, các trường đã lập danh sách gửi đi và đang chờ duyệt.

Tại trường THPT Nguyễn Du, để khắc phục khó khăn thì nhà trường đưa ra giải pháp là cố gắng phối hợp với phụ huynh để tầm soát được dịch bệnh từ xa. Khi dịch bệnh được ngăn chặn ngay tại nhà thì sự lây lan, ảnh hưởng không rộng. Ông Phú cho biết, rất may mắn phụ huynh và nhà trường có sự phối hợp rất tốt. Các học sinh F0 hầu như phát bệnh tại nhà, triệu chứng nhẹ, sức khỏe tốt nên việc dạy học trực tuyến vẫn diễn ra trơn tru, không gặp nhiều khó khăn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem