TP.HCM tìm giải pháp chăm sóc người cao tuổi

Bạch Dương Thứ ba, ngày 23/01/2024 16:41 PM (GMT+7)
Chỉ số già hóa (tỷ số dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi) của TP.HCM là 49,4%, cao hơn so với số liệu của cả nước là 48,8% cho thấy TP.HCM đã bước nhanh vào tiến trình già hóa dân số.
Bình luận 0
TP.HCM tìm giải pháp chăm sóc người cao tuổi- Ảnh 1.

Khám sức khoẻ cho người cao tuổi. Ảnh: P.V

TP.HCM đang già hoá dân số nhanh

Thông tin trên được chia sẻ tại hội thảo "Thích ứng già hóa dân số tại TP.HCM, tiếp cận từ hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi" do Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM tổ chức ngày 23/1.

Theo số liệu thu thập từ cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an, tính đến hết ngày 1/12/2023, TP.HCM có hơn 1,33 triệu người cao tuổi (trên 60 tuổi), chiếm tỷ lệ 12,24 % trên tổng dân số, tuổi thọ bình quân của người dân thành phố là 76,6 tuổi, cao hơn trung bình cả nước.

Chỉ số già hóa (tỷ số dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi) của TP.HCM là 49,4%, cao hơn so với số liệu của cả nước là 48,8% cho thấy TP.HCM đã bước nhanh vào tiến trình già hóa dân số.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, người cao tuổi Việt Nam nói chung và TP.HCM đang đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mạn tính, đối diện với nguy cơ không tự chăm sóc trong sinh hoạt do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn.

Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe tại thành phố vẫn chưa thích ứng già hóa dân số nhanh. Việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được triển khai đồng bộ và mang tính lâu dài.

Ông Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng, hiện có 4 loại hình chăm sóc người cao tuổi nhưng hiên nay loại hình chăm sóc tại gia đình là chủ yếu. Tại TP.HCM, 99,5% người cao tuổi được chăm sóc tại nhà, một số ít người cao tuổi được chăm sóc trong các cơ sở tập trung, chủ yếu là người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa hoặc diện chính sách.

Theo ông Thành, một số giải pháp để xây dựng xã hội thích ứng với quá trình già hóa dân số như thành lập trung tâm điều trị chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại TP.HCM; vận động con cháu, xã hội hóa và ngân sách nhà nước hỗ trợ để tất cả người cao tuổi có thẻ BHYT; hỗ trợ tạo kế sinh nhai cho người cao tuổi; phát triển mô hình viện dưỡng lão…

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi Tp.HCM cho rằng, xu hướng phát triển của mô hình viện dưỡng lão ở Việt Nam là xu thế tất yếu. Để phát triển mô hình này, cần có chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng, thành lập các cơ sở nuôi dưỡng người cao tuổi như giao đất miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất... Điều này nếu thực hiện sẽ giảm bớt rào cản về giá khi người cao tuổi tham gia ở các viện dưỡng lão, bởi hiện giá thu có nơi trên 20 triệu/tháng, đa số người cao tuổi rất khó tiếp cận.

Đồng thời, tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho các cơ sở dưỡng lão hiện hữu và tăng số lượng cơ sở dưỡng lão công lập, cần xây dựng cơ sở dưỡng lão cấp huyện, các bệnh viện cần có đơn vị Lão khoa để theo dõi sức khỏe của người cao tuổi…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem