TP.HCM: Thị trường địa ốc giảm sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài

Gia Linh Chủ nhật, ngày 26/11/2023 16:07 PM (GMT+7)
Thị trường bất động sản TP.HCM trong 11 tháng đầu năm 2023 được đánh giá là đã dần hồi phục cả về tỷ lệ tăng trưởng, doanh thu và nguồn cung. Tuy nhiên, vốn đầu tư trong nước và nước ngoài rót vào lĩnh vực này lại giảm mạnh.
Bình luận 0

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hoạt động kinh doanh bất động sản tại TP.HCM dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có dấu hiệu hồi phục. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2023, bất động sản tại TP.HCM tăng trưởng âm -8,71% so với cùng kỳ. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2023, bất động sản tăng trưởng âm -11,58% và quý I/2023 tăng trưởng âm đến -16,2%.

Doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản 10 tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 186.662 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ; trước đó 6 tháng đầu năm giảm 8,3% và 4 tháng đầu năm giảm đến 14,6%.

TP.HCM: Thị trường địa ốc giảm sức hút nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản TP.HCM vẫn gặp khó về pháp lý. Ảnh: Gia Linh

Về việc thành lập doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản, 10 tháng đầu năm 2023 có 1.252 doanh nghiệp được cấp phép thành lập giảm 43,7% so với cùng kỳ và vốn đăng ký đạt 46.792 tỷ đồng giảm 58,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào hoạt động kinh doanh bất động sản 9 tháng đầu năm là 72,2 triệu USD, giảm 66,3% so với cùng kỳ.

Về nguồn cung nhà ở, 11 tháng đầu năm 2023 đã có 16 dự án nhà ở thương mại được thông báo đủ điều kiện để bán, cho thuê mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai với 16.063 căn được đưa ra thị trường (gồm 14.810 căn hộ chung cư và 1.253 căn nhà thấp tầng). 

Trong đó, phân khúc cao cấp có 11.012 căn và phân khúc trung cấp 5.051 căn, không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân. Như vậy, nguồn cung nhà ở được đưa ra thị trường trong 11 tháng đầu năm 2023 tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.

Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá hoạt động kinh doanh bất động sản tại TP.HCM đến nay vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã dần hồi phục cả về tỷ lệ tăng trưởng và doanh thu so với đầu năm. Đồng thời, nguồn cung nhà ở thương mại cao hơn cùng kỳ năm trước.

TP.HCM: Thị trường địa ốc giảm sức hút nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 3.

Điểm nghẽn pháp lý là nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường bất động sản giảm sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Gia Linh

Điều đáng nói, vốn đầu tư trong nước và nước ngoài rót vào hoạt động kinh doanh bất động sản giảm mạnh, nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân không có sản phẩm đưa ra thị trường.

Theo các chuyên gia, điểm nghẽn pháp lý là nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường bất động sản TP.HCM giảm sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tục xin đầu tư, xây dựng kéo dài cộng với việc hàng loạt dự án "đứng hình" vì vướng pháp lý đã làm "chùn bước" các nhà đầu tư nước ngoài. 

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp nước ngoài rót vốn vào thị trường chỉ khi dự án đã hoàn tất các bước pháp lý cơ bản như đóng tiền sử dụng đất và có giấy phép xây dựng. Trong bối cảnh thị trường bất động sản TP.HCM gặp khó như hiện nay, nhiều đơn vị đã và đang có ý định đầu tư vào thị trường TP.HCM đều không khỏi lo ngại khả năng chôn vốn.

Do đó, các chuyên gia kiến nghị Nhà nước cần sớm đưa ra những giải pháp để thu hút nguồn lực. Đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài vào tất cả phân khúc bất động sản như bán lẻ, văn phòng, khu công nghiệp, nhà ở… Đồng thời, các điểm nghẽn, nút thắt pháp lý cần sớm được tháo gỡ cũng như khơi thông dòng vốn, giúp thị trường sớm ổn định và phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem