TP.HCM: Tai nạn giao thông giảm nhưng vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 15/09/2023 16:22 PM (GMT+7)
Ngày 15/9, Thường trực HĐND TP.HCM đã tổ chức phiên giải trình "Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn TP.HCM".
Bình luận 0
TP.HCM: Tai nạn giao thông giảm nhưng vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ - Ảnh 1.

Phiên giải trình "Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn TP.HCM". Ảnh: L.H

Tại phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, có tác động đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.HCM.

Mặc dù thời gian qua, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông nói chung và giao thông đường bộ nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân có bước chuyển biến; hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư; các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông được triển khai hiệu quả hơn… nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Báo cáo tại phiên giải trình, ông Nguyễn Thành Lợi, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM cho biết, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố có chiều hướng gia tăng trở lại.

Cụ thể, một số tuyến đường trọng điểm ở các khu vực nhạy cảm như sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái có mức phục vụ rất cao, các tuyến đường cửa ngõ thành phố đang quá tải vào giờ cao điểm và vào các ngày nghỉ lễ cuối tuần như quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Ngoài ra, còn phát sinh thêm một số điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Đặc biệt, một số dự án xây dựng hạ tầng giao thông vướng giải phóng mặt bằng nên thi công kéo dài hoặc không thể tiếp tục thi công theo đúng thiết kế đã được duyệt, dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông, gây ùn ứ giao thông tại các giao lộ, gây hư hỏng mặt đường nhưng không được khắc phục triệt để.

Số lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được, chưa có loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn và chưa triển khai giải pháp kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân cũng là 1 phần gia tăng áp lực cho hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố. Tình trạng buôn bán, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự mỹ quan đô thị vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tai nạn giao thông giảm trên 10% ở cả 3 mặt nhưng tính bền vững chưa cao, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Ông Nguyễn Thành Lợi cho biết, thời gian tới, UBND TP tiếp tục quán triệt và triển khai các kế hoạch tổ chức thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy TP.HCM về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. 

TP.HCM: Tai nạn giao thông giảm nhưng vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ - Ảnh 3.

Giao thông TP.HCM vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ảnh: B.D

Hoàn thiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, lồng ghép mục tiêu an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trong các đề án chiến lược, quy hoạch cấp TP và quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải. Kiện toàn nhân sự, chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ban An toàn giao thông TP, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành luật pháp của người dân, TP cần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, bảo trì và khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu, ưu tiên các công trình giao thông mang tính cấp bách trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; tổ chức giao thông khoa học, linh động, phù hợp với tình hình và đặc điểm TP; tăng cường thực hiện các giải pháp đồng bộ phòng, chống ùn tắc giao thông; thường xuyên rà soát, khắc phục kịp thời các điểm đen, vị trí mất an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, TP tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch chi tiết các tuyến trục chính đô thị, nút giao thông trọng điểm, đường vành đai, đường trên cao, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tĩnh, mạng lưới vận tải hành khách công cộng đa phương thức, liên thông trong nội đô và kết nối với các đô thị vệ tinh và liên tỉnh, các công trình đầu mối vận tải; nâng cao năng lực, chất lượng và khuyến khích sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố theo lộ trình phù hợp. 

Tiếp tục nâng cấp và khai thác hiệu quả các tuyến giao thông thủy hiện có, khai thông tuyến mới; kết nối hệ thống cảng cạn, cảng thủy nội địa với hệ thống cảng biển, phát triển các hình thức trung chuyển hàng hóa giữa thành phố và các tỉnh lân cận để giảm áp lực cho giao thông đường bộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem