Môi giới bất động sản bán bảo hiểm, dạy Yoga, bán trái cây mưu sinh chờ thị trường tan băng

Gia Linh Thứ ba, ngày 31/10/2023 16:17 PM (GMT+7)
Trước làn sóng nhiều sàn giao dịch, công ty bất động sản đóng cửa.... nhiều nhân viên môi giới phải chuyển sang các nghề mới như kinh doanh mỹ phẩm, nhân viên bảo hiểm, bán hàng online, nhân viên kinh doanh điện máy... để mưu sinh.
Bình luận 0

Môi giới bất động sản chật vật tìm kế sinh nhai

Chia sẻ với Dân Việt, chị Trần Thị Bích (28 tuổi) cho biết mình có kinh nghiệm 3 năm làm nhân viên môi giới bất động sản cho 1 sàn giao dịch có trụ sở tại TP.Thủ Đức. Tuy nhiên, 2 năm dịch bệnh, công ty của chị không bán được hàng, hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Thời gian đầu, công ty chậm trả lương cố định, hoa hồng cho nhân viên, rồi đến đầu năm 2022 thì tạm dừng hoạt động.

Trong khoảng thời gian thất nghiệp, chị Bích tranh thủ thời gian rảnh, chị tăng cường luyện tập thể dục thể thao, tập yoga để rèn luyện sức khoẻ, đồng thời giữ tinh thần. Vì cũng có nền tảng nhiều năm luyện tập nên chị nghiên cứu nâng cao thêm. Thời gian sau này, chị kết nối, hướng dẫn nhiều chị em ở chung khu dân cư với mình cùng luyện tập. Một số người có nhu cầu được hướng dẫn riêng, nên chị Bích nghĩ ra hướng đi mới là làm huấn luyện viên yoga tự do.

"Tôi nghĩ đây cũng là cơ duyên với mình. Công việc mới của tôi cũng có điểm tương đồng với nghề cũ là khá thoải mái về thời gian. Tuy nhiên, nghề môi giới thì thu nhập cao hơn. Nếu bán được hàng, nhân viên sẽ được nhận khoản hoa hồng lớn. Nhưng trong thời điểm kinh tế khó khăn, kiếm được việc mới ổn định là tôi đã mừng rồi. Rất nhiều bạn bè chung sàn giao dịch cũ với tôi phải rời thành phố về quê tìm việc", chị Bích chia sẻ.

TP.HCM: Nghỉ việc, môi giới bất động sản tìm đủ nghề mưu sinh - Ảnh 1.

Hơn 1 năm qua, các nhân viên môi giới bất động sản không còn được nhìn cảnh quen thuộc cũ với tập nập khách hàng tư vấn, mua bán. Ảnh: Gia Linh

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thuận (35 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết mình làm môi giới bất động sản đã được 5 năm. Thời gian đầu, công việc khá suôn sẻ. Tuy nhiên, anh bây giờ đành ngậm ngùi xin làm nhân viên bán bảo hiểm ô tô.

Anh Thuận cho biết, giai đoạn khó khăn ập đến đột ngột, nhiều tháng liền anh không tìm được khách chốt mua nhà. Các nhân viên kinh doanh trong nhóm lần lượt nghỉ việc, chuyển sang làm các nghề khác. Bản thân anh cũng cố gắng bám trụ, nhưng vì kế sinh nhai, anh cũng đành phải "buông tay".

"Gắn bó với nghề cũng được một thời gian, chưa bao giờ thị trường bi đát như hiện nay. Bản thân tôi sau nhiều tháng chật vật sống bằng tiền tích luỹ, cố gắng chờ thị trường khởi sắc nhưng đành bất lực. Tôi có người quen nên giới thiệu công việc bán bảo hiểm ô tô. Đây là công việc mới mẻ, tôi phải học hỏi nhiều. Nhưng với thế mạnh là giao tiếp và thuyết phục khách hàng, tôi cũng "bắt nhịp" khá nhanh", anh Thuận cho hay.

TP.HCM: Nghỉ việc, môi giới bất động sản tìm đủ nghề mưu sinh - Ảnh 3.

Môi giới bất động sản là nghề bị ảnh hưởng nặng nề khi thị trường đóng băng. Ảnh: Gia Linh

Cùng hoàn cảnh như chị Bích và anh Thuận, chị Hoa (nhân viên môi giới sàn U.N.L tại TP.Thủ Đức), cho biết công ty mình cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, do gắng bó nhiều năm và có "lửa nghề" nên chị quyết định không từ bỏ. Chị tạm thời kiếm thêm việc bán trái cây online. 

"Hằng ngày, tôi vẫn gọi điện giới thiệu, tư vấn sản phẩm nhà đất, đồng thời vẫn đi nhập và giao trái cây cho khách. Thời buổi khó khăn, phải cố gắng làm cùng lúc nhiều công việc thì mới có thể trang trải cuộc sống", chị Hoa chia sẻ.

Nhiều môi giới chờ quay về công việc cũ

Thực tế thời gian qua tại TP.HCM và vùng lân cận, làn sóng môi giới nghỉ việc trở nên ồ ạt. Nhiều công ty, sàn giao dịch từ 70-80% nhân viên môi giới đã chuyển sang công việc mới. Nhiều người thử sức với lĩnh vực mới (đa số là các công việc không cần chuyên môn cao) như bán hàng online, kinh doanh mỹ phẩm, tiếp thị sản phẩm... để mưu sinh.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới bất động sản trở thành làn sóng. Thị trường ghi nhận một số lượng lớn môi giới bất động sản nghỉ việc. Số lượng môi giới bất động sản hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30 - 40% so với thời điểm cuối năm 2022.

Các chuyên gia của VARS đánh giá, làn sóng này đã diễn ra trong khoảng thời gian dài, với từng đợt giảm dần, giảm dần và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Những môi giới bám trụ lại với nghề phải vận dụng linh hoạt đủ mọi hình thức để có thể tồn tại, như đa dạng hóa lĩnh vực, tìm kiếm việc làm thêm…

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS, đánh giá dù thực tế thời gian qua nhiều nhân viên môi giới nghỉ việc, nhưng nhìn chung lượng môi giới bỏ nghề phần lớn là nhân sự mới, thời gian gắn bó còn ngắn. Những nhân viên này thường chưa được đào tạo bài bản về nghề, cũng như khả năng ứng biến trước các tình huống khó khăn của thị trường.

Ngược lại, nhân viên có thâm niên nhiều năm, đã từng trải qua nhiều giai đoạn phát triển lên - xuống của nền kinh tế, sẽ góc nhìn, khả năng xử lý tình huống tốt và gắn bó bền chặt hơn với nghề. Đồng thời, khi thị trường có dấu hiệu khởi sắc, nhiều môi giới cũ sẽ tự quay lại, vì mức thu nhập của nghề này khi thị trường ổn định vẫn ở mức khá cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem