TP.HCM: Gắn “mắt thần” tiền tỷ để trấn áp tội phạm

Minh Tâm - Kỳ Duyên Thứ bảy, ngày 16/12/2023 06:57 AM (GMT+7)
Hơn một tháng nay, chị Ngọc Diệp (ngụ phường Thới An, quận 12) không còn cảm thấy lo sợ khi tan ca muộn. Bởi dọc các tuyến đường đều được lắp đặt "mắt thần" nhận diện biển số xe đối tượng phạm tội khi lưu thông qua phường chị.
Bình luận 0

Không riêng chị Diệp, chị Thu hiện làm công nhân của một xí nghiệp may tại quận Bình Tân (TP.HCM) cho hay chị cũng thường xuyên đối mặt với tình cảnh “đi sớm về khuya”. Những lần tăng ca đến tối muộn, chị đều “cầu cứu” chồng đến rước vì lo sợ địa bàn thường xảy ra trộm cướp. Thế nhưng, kể từ khi mô hình camera thông minh được lắp đặt, đoạn đường về nhà dù chỉ có một mình vẫn giúp chị an tâm hơn.  

TP.HCM: Gắn “mắt thần” tiền tỷ để trấn áp tội phạm - Ảnh 1.

Công an phường Thới An giám sát qua màn hình camera. Ảnh: Minh Tâm

“Hầu hết người dân đều cảm thấy rất hài lòng về mô hình này. Khi có tình huống bất trắc, camera sẽ nhận diện biển số xe đối tượng phạm tội lưu thông trên đường và báo động về hệ thống chuông tại trụ sở Công an phường Thới An, quận 12. Vì thế, chắc chắn tội phạm sẽ ít dám manh động”, chị Thu nói.   

Mô hình mà chị Diệp hay chị Thu kể trên chính là hệ thống camera thông minh có khả năng nhận diện được biển số xe đang lưu thông trên đường, được UBND phường Thới An (quận 12) tiến hành lắp đặt vào ngày 24/11 vừa qua. 

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Trung tá Lê Văn Trường (Trưởng Công an phường Thới An, quận 12) cho biết hệ thống bao gồm 170 camera được bố trí tại những giao lộ lớn và các tuyến đường quan trọng trong khu vực. Trong đó bao gồm 30 camera nhận diện biển số xe, 140 camera quan sát thông minh tích hợp 10 loa phường để kịp thời nhắc nhở các hành vi vi phạm.

TP.HCM: Gắn “mắt thần” tiền tỷ để trấn áp tội phạm - Ảnh 2.

Điểm hiện đại của camera này là nhận diện biển số xe của đối tượng phạm tội lưu thông trên đường và báo động về hệ thống chuông tại trụ sở Công an phường Thới An. Ảnh: Minh Tâm

Điểm đặt biệt của hệ thống camera này chính là khả năng nhận diện biển số xe bị mất, biển số xe của các đối tượng phạm tội… 

Sau khi phát hiện các biển số xe đã được tích hợp vào các diện trên, hệ thống sẽ báo động trực tiếp về trụ sở Công an phường thông qua hệ thống chuông và thông báo qua gmail. Đây là một trong những ưu điểm nổi bật mà hầu như các phường khác trên địa bàn TP.HCM chưa có.

“Bên cạnh việc xác định được các hành vi đánh cắp xe, hệ thống camera cũng giải quyết các vấn đề lấn chiếm vỉa hè, gây rối trật tự công cộng”, ông Trường nói thêm. 

Ông Trường cho biết hệ thống camera mới đã khắc phục được những hạn chế trước đây như có độ phân giải tốt hơn, có màu vào ban đêm. Bên cạnh đó, hình ảnh ghi nhận từ camera cũng được tổng hợp và lưu trữ một cách hệ thống hơn. 

Thay vì dẫn hình ảnh về các đầu ghi tại từng khu phố, tất cả các hình ảnh của camera sẽ được gửi thẳng về trung tâm. Lực lượng luôn tổ chức nhân công túc trực, tuần tra qua màn hình để kịp thời phản ứng. 

Ngay từ khi thí điểm, phường đã tiến hành truy bắt thành công 1 đối tượng đánh cắp xe nhờ vào mô hình camera này. Tính thời điểm hiện tại, phường đã xử lý khoảng 8 vụ, bao gồm đánh cắp xe, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Theo hợp đồng, tổng chi phí triển khai thực hiện mô hình trong 3 năm là 3,2 tỷ. Riêng năm 2023 phải thanh toán hơn 1,3 tỷ, bao gồm kinh phí chi trả cho trung tâm hình ảnh 600 triệu đồng, chi phí thuê camera 873 triệu đồng. Trung bình, mỗi camera được thuê với giá 480.000 đồng/tháng. Tất cả chi phí đều được phường vận động từ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. 

TP.HCM: Gắn “mắt thần” tiền tỷ để trấn áp tội phạm - Ảnh 4.

Người dân cảm thấy yên tâm khi phường gắn hàng loạt camera giám sát dọc các tuyến đường trên địa bàn. Ảnh: Minh Tâm

Ông Nguyễn Huy Dân (Bí thư trưởng khu phố 2, phường Thới An) cho biết, sau nửa tháng đi vào hoạt động, hệ thống camera giám sát đã phát huy được những ưu điểm đáng kể. Thông qua hệ thống này, phường đã kịp thời xử lý các đối tượng tụ tập, gây rối trật tự công cộng. Là người trực tiếp đi vận động quyên góp lắp đặt hệ thống camera, ông cho rằng mô hình này ngày càng chiếm được lòng tin ở người dân.

“Trước đây, người dân chưa thật sự hiểu rõ tính hiệu quả của mô hình này nên quá trình kêu gọi tương đối khó khăn. Chỉ có khoảng 50% người dân đồng ý góp tiền để lắp camera. Sau khi phường đã xử lý được nhiều vụ việc nhờ vào camera, quá trình kêu gọi cũng dễ dàng hơn, nhiều người sẵn sàng đóng góp để hệ thống được duy trì lâu dài”, ông Dân nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem