TP.HCM: Doanh nghiệp muốn được "y tế tại chỗ" để chia sẻ khó khăn kiểm soát dịch Covid-19

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 05/08/2021 18:27 PM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất được "y tế tại chỗ" trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp để vừa yên tâm sản xuất, vừa giảm áp lực cho khu vực công.
Bình luận 0

Đề xuất được "y tế tại chỗ"

Theo các doanh nghiệp sản xuất đang thực hiện "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 điểm đến", mô hình tổ chức sản xuất này đang có nhiều khó khăn, nhất là khi phải kéo dài thời gian thực hiện do diễn biến của dịch Covid-19, trong khi đây chỉ nên là giải pháp tình thế trong ngắn hạn.

Các doanh nghiệp cho rằng cần có một kế hoạch chống dịch linh động hơn theo sát thực tế với tình hình khống chế dịch tại các địa phương sau khi được tiêm vaccine phòng Covid-19 để doanh nghiệp chủ động lên phương án sản xuất.

Doanh nghiệp muốn được "y tế tại chỗ" để chia sẻ khó khăn với nhà nước - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất được "y tế tại chỗ" trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp. Ảnh: B.D.

Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM đã đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế hoàn thiện bộ quy tắc, tổ chức huấn luyện cho các địa phương và doanh nghiệp thực hiện "y tế tại chỗ".

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết mô hình này đã được CDC Mỹ và một số quốc gia khác áp dụng theo hướng doanh nghiệp và CDC sẽ chia sẻ với nhau trong giai đoạn dịch bệnh.

Các doanh nghiệp sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, công ty tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của doanh nghiệp được áp dụng trong lưu thông và giao dịch. 

Phía CDC cũng sẽ tổ chức xét nghiệm cho doanh nghiệp mỗi tháng 1 lần. Như vậy sẽ đảm bảo mỗi công nhân được xét nghiệm 3 lần/tháng.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đã công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ, đề xuất phía doanh nghiệp được thực hiện "y tế tại chỗ" với cách làm tương tự như Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM đã đề cập. 

Theo VASEP, về lâu dài, ngành thủy sản sẽ phải sống chung với dịch Covid-19. Tuy nhiên, trước mắt, Hiệp hội đề nghị Bộ Y tế cần có hướng dẫn xử lý kịp thời đối với các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ".

Trường hợp phát hiện F0, chỉ khoanh vùng và cách ly khu vực có nguy cơ, phun khử khuẩn, xét nghiệm...; hướng dẫn các biện pháp an toàn "chặt trong, chặt ngoài", kiểm soát các nguồn lây nhiễm một cách hiệu quả và phù hợp nhằm giảm tổn thất cho doanh nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho toàn nhà máy.

Chuyên gia cũng đề xuất mô hình trung tâm y tế tại doanh nghiệp

Ông Phạm Phú Ngọc Trai - chuyên gia kinh tế, cho biết trong khi lực lượng y tế công lập đang đối diện với áp lực quá lớn, cần có giải pháp đột phá hơn để doanh nghiệp cùng tham gia hỗ trợ lực lượng y tế, chia sẻ nguồn lực dựa trên những tiềm lực của các doanh nghiệp. 

Đây sẽ là mô hình trung tâm y tế (medical center) phòng chống Covid-19 phục vụ cho cán bộ nhân viên, người lao động trong khu vực của doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp muốn được "y tế tại chỗ" để chia sẻ khó khăn với nhà nước - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ muốn được chia sẻ áp lực khó khăn với khu vực công. Ảnh: Minh Hưng.

Trung tâm này sẽ theo dõi, tuyên truyền thông điệp 5K của Bộ Y tế, xét nghiệm, tiếp nhận, cách ly và tùy năng lực sẽ linh động để sớm tiếp nhận, chữa trị cho người lao động mắc Covid-19, nhất là công nhân nhà máy. Nhà nước sẽ hỗ trợ việc tuân thủ các quy định của ngành y tế để đảm bảo trung tâm hoạt động hiệu quả.

Theo ông Trai, vấn đề cấp thiết với các doanh nghiệp là tiêm vaccine để bảo vệ chuỗi cung ứng, sản xuất của TP.HCM. Nếu có trung tâm này, các bệnh viện tư sẽ có cơ chế tham gia với hệ thống y tế công lập để cùng tiêm vaccine cho khối doanh nghiệp, linh hoạt hơn về cách thức tiêm cũng như giảm tải cho y tế công.

Ông cũng cho biết trong điều kiện cấp bách hiện nay, doanh nghiệp có thể xây dựng trung tâm y tế này ngay trong khuôn viên của doanh nghiệp hoặc có thể xây dựng trung tâm quy mô tập trung. Việc mua trang thiết bị y tế do doanh nghiệp chuẩn bị theo yêu cầu của Nhà nước từ nguồn lực tài chính của doanh nghiệp. Khi hoàn thành sứ mệnh, TP.HCM sẽ trả lại mặt bằng cho doanh nghiệp, tất cả các trang thiết bị sẽ tặng lại ngành y tế TP.HCM.

Theo ông Trai, nhiều doanh nghiệp lớn của TP.HCM có nguyện vọng sẻ chia khó khăn trong việc xây dựng các khu điều trị Covid-19, muốn hiến mặt bằng để xây bệnh viện dã chiến, khu cách ly... và sẵn sàng hỗ trợ 100% cơ sở vật chất và thiết bị y tế theo yêu cầu của Nhà nước từ nguồn lực tài chính của doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem