TP.HCM đề xuất gì với Thủ Tướng?

Quốc Hải Chủ nhật, ngày 26/09/2021 18:30 PM (GMT+7)
Với điều kiện đặc thù, TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép TP áp dụng quy định riêng do Thủ tướng quyết định để có thể mở cửa nền kinh tế sớm nhất...
Bình luận 0

Hàng loạt khó khăn mà TP.HCM đang phải đối mặt như: Thu hút vốn FDI giảm hơn 43%, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 30%, 3.000 doanh nghiệp (DN) giải thể, 12.000 DN tạm dừng hoạt động. Đáng chú ý, thu ngân sách của TP hiện chỉ đạt 70% dự toán.

Cụ thể, trong điều kiện bình thường TP.HCM thu 1.400 tỷ đồng/ngày, song đến tháng 8 vừa qua, con số này chỉ còn khoảng 800 tỷ đồng và đang tiếp tục xu hướng giảm…

Xin cơ chế riêng để mở cửa

Tại Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL do Bộ KH-ĐT tổ chức mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã đưa ra nhiều kiến nghị với Bộ KH-ĐT.

Gỡ khó kinh doanh hậu Covid-19: TP.HCM đề xuất gì với Thủ Tướng? - Ảnh 1.

Cầu Thủ Thiêm 2 - một dự án trọng điểm trong phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM đã hợp long đầu tháng 9 - Ảnh: Thaco

Cụ thể, kiến nghị Bộ KH-ĐT tham mưu cho Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP từ 18% lên 23% ngay trong năm 2022; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong một số lĩnh vực và cho phép TP thí điểm đấu giá đất công đã được quy hoạch nhằm tăng nguồn lực đầu tư chống dịch; ưu tiên vốn trung ương cho 3 dự án trọng điểm mà TP đã kiến nghị và cuối cùng là Chính phủ phải thành lập tổ công tác đặc biệt để phục hồi kinh tế sau đại dịch.

"Quá trình phục hồi cần nguồn lực rất lớn, từng địa phương sẽ không thể tự làm. Chúng tôi ước tính riêng TP.HCM cần khoảng 8 tỷ USD và 6-9 tháng để phục hồi kinh tế", ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Song song với chính sách từ trung ương, TP.HCM cần thiết phải kiến tạo động lực thông qua gói hỗ trợ tái tạo việc làm với đề xuất hỗ trợ 25% lương tối thiểu vùng cho DN duy trì đạt ngưỡng tỷ lệ lao động, thiết lập chương trình kích cầu mới trên cơ sở chương trình hỗ trợ lãi suất đã rất thành công từ nhiều năm qua.

Trong quá trình này, TP tập trung xây dựng chợ đầu mối trực truyến, nâng cao năng lực hệ thống y tế, chú trọng đến tốc độ chuyển đổi số và gia tăng sự bền vững trong liên kết vùng cùng với các chính sách hỗ trợ mang tính tức thời cho cá nhân, hộ gia đình và DN bị tổn thương nặng trong giai đoạn giãn cách.

Ước tính, quy mô gói hỗ trợ của TP.HCM khoảng 22.300 tỷ đồng, tương đương 1,7% GRDP của TP.HCM.

Kiến nghị lãi suất cho DN vay không cao hơn 2% so với lãi suất tiền gửi

Bên cạnh các cơ chế riêng, trong công văn của UBND TP gửi Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 26/9, UBND TP.HCM kiến nghị bổ sung điều chỉnh một số nội dung quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Cụ thể, bổ sung thêm kiến nghị giảm lãi suất cho vay đối với DN theo hướng lãi suất cho vay không cao hơn 2% so với lãi suất huy động tiền gửi.

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ vay tái cấp vốn, vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh, bảo lãnh thanh toán các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu với mức lãi suất 0% cho các DN khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ, cho vay ưu đãi, gia hạn thời gian thanh toán nợ.

Gỡ khó kinh doanh hậu Covid-19: TP.HCM đề xuất gì với Thủ Tướng? - Ảnh 2.

Các DN được kiến nghị lãi suất cho vay không cao hơn 2% so với lãi suất tiền gửi - Ảnh: DNCC

Về tiền thuê đất, kiến nghị giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với tất cả DN. Riêng đối với DN thuộc ngành du lịch và liên quan du lịch được giảm 100% tiền thuê đất năm 2021.

Chấp thuận dịch Covid-19 đang diễn ra là tai nạn bất khả kháng theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 20 của nghị định số 46 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước để DN được giảm 50% tiền thuê đất trong thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh.

Về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), TP.HCM kiến nghị điều chỉnh giảm 50% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021, tiếp tục giảm 30% thuế TNDN năm 2022, 2023 cho các doanh nghiệp có doanh thu năm dưới 200 tỷ đồng.

Chấp nhận được trừ vào chi phí tính thuế TNDN của tất cả các chi phí phòng, chống dịch của DN như: Chi phí xét nghiệm Covid-19 và điều trị y tế; chi phí ăn uống, sinh hoạt; chi phí đồ bảo hộ cá nhân như khẩu trang, mặt nạ, nước khử khuẩn; chi phí khách sạn để cách ly…

Về miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, TP kiến nghị hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được miễn số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường phải nộp không chỉ trong quý 3 và quý 4 của năm 2021, mà còn được miễn thêm năm 2022 và 2023.

Mặt khác, kiến nghị bổ sung miễn thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động có thu nhập từ tiền lương tiền công thuộc diện nộp thuế bậc 1 và 2. Không tính thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản chi hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động để phòng chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện phương án sản xuất '3 tại chỗ' của DN.

Lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế của TP.HCM dự kiến thực hiện theo 3 giai đoạn

- Giai đoạn 1 (dự kiến từ 16/9 đến 31/10): cá nhân, lao động có "Thẻ Xanh Covid" có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).

Cá nhân, lao động có "Thẻ Vàng Covid", có xét nghiệm âm tính với Covid-19 được tham gia một số lĩnh vực cụ thể. Riêng tổ chức có 100% lao động có "Thẻ Xanh Covid" được tham gia tất cả các lĩnh vực (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).

Tổ chức có 100% lao động có "Thẻ Xanh Covid" tại bộ phận có tiếp xúc người ngoài, có lao động có "Thẻ Xanh Covid" hoặc "Thẻ Vàng Covid" tại các bộ phận còn lại được tham gia một số hoạt động.

- Trong giai đoạn 2 (dự kiến từ 31/10 đến 15/1/2022): TP HCM sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho đối tượng có "Thẻ Xanh Covid" gồm: trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).

- Đến giai đoạn 3 (dự kiến sau 15/1/2022): TP HCM lên kế hoạch mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có "Thẻ Xanh Covid".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem