TP.HCM: 20 đơn vị sản xuất xen cài trong khu dân cư bị xử phạt về môi trường

Quang Dương Thứ sáu, ngày 15/09/2023 18:34 PM (GMT+7)
Những cơ sở sản xuất xen cài trong khu dân cư vi phạm về khí thải, chất thải, nước thải... bị Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM xử phạt.
Bình luận 0

Thông tin với báo chí, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường thành phố đã xử phạt 20 đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm xen cài trong khu dân cư. Tổng số tiền phạt là 2.226.799.100 đồng.

Trong đó, những hành vi vi phạm chủ yếu như xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép; xả khí thải vượt quy chuẩn cho phép; thải chất gây mùi khó chịu, hôi thối vào môi trường; không nộp hồ sơ cấp quyền khai thác nước dưới đất; nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác nước dưới đất không đúng thời hạn; không có giấy phép môi trường theo quy định.

TP.HCM: 20 đơn vị sản xuất xen cài trong khu dân cư bị xử phạt về môi trường - Ảnh 1.

Đầu năm 2023 đến nay, 20 đơn vị sản xuất xen cài trong khu dân cư tại TP.HCM bị xử phạt về môi trường. Trong ảnh: Một con rạch ở xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị ô nhiễm, nước đen ngòm. Ảnh: T.Đ

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, công tác xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường xen cài trong khu dân cư trên địa bàn thành phố gặp một số khó khăn nhất định. Trong đó có công tác cưỡng chế buộc đình chỉ hoạt động, buộc di dời.

Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trường hợp đối tượng vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Theo Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, các biện pháp cưỡng chế theo quy định chỉ phù hợp buộc đối tượng vi phạm nộp tiền phạt; không phù hợp buộc đối tượng vi phạm ngừng công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường để chấp hành quyết định xử phạt, hoặc khắc phục hậu quả, cũng như buộc di dời.

Đối với các trường hợp bị đình chỉ hoạt động, buộc di dời công đoạn sản xuất gây ô nhiễm, cơ quan chức năng tiến hành niêm phong máy móc, thiết bị, nhà xưởng của đối tượng vi phạm theo quy định của nghị định xử phạt. Tuy nhiên, các đối tượng này đã tự tháo bỏ niêm phong để tiếp tục sản xuất, khóa trái cửa không làm việc với đoàn kiểm tra…, dẫn đến việc xử lý vi phạm rất khó khăn, tốn kém và mất nhiều công sức để ngăn chặn tái phạm.

Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND thành phố ra văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, trình cấp có thẩm quyền bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thi hành biện pháp khắc phục hậu quả bằng hình thức ngừng cung cấp điện, nước công đoạn sản xuất của cá nhân, tổ chức vi phạm; ban hành quy chế phối hợp thực hiện cưỡng chế thi hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem