TP. Hồ Chí Minh: Huyện nào có nhiều sản phẩm OCOP nhất, về Vàm Sát du lịch xem trò câu cá sấu hút khách

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 30/08/2023 08:00 AM (GMT+7)
TP.HCM đang tăng tốc đi tìm các sản phẩm OCOP du lịch tại các huyện ngoại thành. Với lợi thế nông nghiệp, nông thôn giàu bản sắc, các huyện đang có kế hoạch nâng cấp hoặc liên kết các điểm đến thành sản phẩm OCOP du lịch đặc trưng của địa phương.
Bình luận 0

Đi tìm sản phẩm OCOP du lịch

Du lịch nông thôn tại các huyện ngoại thành TP.HCM như Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ khởi sắc từ đầu năm đến nay. Các địa phương đang tăng tốc tìm thêm các sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để tranh thủ đón khách từ làn sóng du lịch mới này.

Ông Trương Tiến Triển - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết Cần Giờ hiện có 18 sản phẩm OCOP, toàn đặc sản địa phương như xoài cát, khô cá dứa, tổ yến, tôm thẻ chân trắng, mật dừa nước… Tuy nhiên, sản phẩm OCOP du lịch vẫn chưa có. Do đó, địa phương đang tích cực chuẩn hóa các điểm đến có thế mạnh tự nhiên, lâu đời mang màu sắc riêng của Cần Giờ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP du lịch.

Dồn sức làm sản phẩm OCOP du lịch - Ảnh 1.

Du khách trải nghiệm câu cá sấu tại Khu du lịch Vàm Sát, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: H.P

Các huyện ngoại thành TP.HCM có lợi thế du lịch sinh thái và lượng khách đến TP.HCM thuộc tốp đầu cả nước. Do đó, TP.HCM có nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP du lịch cũng như gắn kết các sản phẩm OCOP hiện có để phát triển du lịch.

Huyện Cần Giờ dự kiến tổ chức đánh giá OCOP du lịch cho Khu du lịch sinh thái Dần Xây (xã An Thới Đông) và Khu du lịch Vàm Sát (xã Lý Nhơn). Đây là hai điểm đến nổi tiếng, thu hút nhiều du khách nhất khi đến Cần Giờ. 

Điểm du lịch Dần Xây tập trung vào khung cảnh thiên nhiên có sẵn, mang đến trải nghiệm khám phá rừng đước bạt ngàn cho du khách. Còn khu du lịch Vàm Sát nằm trong vùng lõi khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Đặt chân đến Vàm Sát là một trải nghiệm tuyệt vời với du khách.

Ở cửa ngõ Tây Nam TP.HCM, với lợi thế sông nước, kênh rạch dày đặc, huyện Bình Chánh đang có kế hoạch phát triển du lịch đường thủy, kết nối các làng nghề như làm nhang (xã Lê Minh Xuân), trồng mai vàng, nuôi cá koi (xã Bình Lợi).

Bà Phan Thị Thanh Công - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi, cho biết địa phương đang có kế hoạch gắn kết các mô hình, điểm đến nổi bật sinh vật cảnh để hình thành sản phẩm OCOP du lịch. 

"Các mô hình hoa, cây cảnh, cá cảnh khi kết nối với nhau vừa thu hút khách du lịch vừa có thể hỗ trợ đầu ra cho nông dân. Hoạt động du lịch cũng sẽ giúp nông dân trên địa bàn tăng thu nhập, xây dựng nông thôn mới văn minh, giàu mạnh"- bà Công nói thêm.

Nhiều tiềm năng

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, cho biết Chương trình OCOP TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 xác định dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch là 1 trong 6 nhóm đối tượng tham gia đánh giá gắn sao OCOP. TP.HCM hiện có 66 sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao nhưng vẫn chưa có sản phẩm OCOP du lịch. Do đó, TP.HCM rất quan tâm nhóm sản phẩm này trong thời gian tới.

Theo ông Hiệp, phát triển sản phẩm OCOP phải dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, tập trung phát triển các đặc sản và làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch có lợi thế của địa phương, cộng đồng theo chuỗi giá trị. 

Các huyện ngoại thành TP.HCM có lợi thế du lịch sinh thái và lượng khách đến TP.HCM thuộc tốp đầu cả nước. Do đó, TP.HCM có nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP du lịch cũng như gắn kết các sản phẩm OCOP hiện có để phát triển du lịch.

Lãnh đạo Sở NNPTNT TP.HCM nhận định sản phẩm OCOP du lịch và gắn kết các sản phẩm OCOP hiện có để phát triển du lịch sẽ góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Nhờ vậy, thu nhập của người dân được nâng cao, các giá trị văn hóa được bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem