Chủ nhật, 19/05/2024

TP HCM đẩy nhanh thu phí ôtô vào trung tâm

01/11/2021 9:11 AM (GMT+7)

Việc thu phí ôtô vào khu trung tâm đang được TP HCM đẩy nhanh trên cơ sở thuận theo chủ trương của Chính phủ nhiều năm trước và nghị quyết HĐND TP hồi tháng 10-2020

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa báo cáo UBND TP việc lập dự án thu phí ôtô vào khu trung tâm, sau khi Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (nhà đầu tư) đề xuất thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BLT (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ). Kinh phí nghiên cứu, lập đề xuất dự án do nhà đầu tư chi trả.

 Thu luôn cả xe biển số xanh

Theo đề xuất của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong, các cổng thu phí sẽ bố trí trên vành đai khép kín quanh khu vực quận 1 và quận 3. Cụ thể, vành đai thu phí bắt đầu từ đường Hoàng Sa men theo bờ kênh Thị Nghè - Nhiêu Lộc đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao với đường Cách Mạng Tháng 8 - 3 Tháng 2 - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Ngoài ra, một số cổng thu phí đặt tại các đoạn đường có tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng là Cộng Hòa, Trường Sơn (quận Tân Bình).

Nhu cầu sử dụng đất của dự án là đất cho văn phòng trung tâm với khoảng 1.000 m2 hiện có của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong. Diện tích đất cho các cổng thu phí sử dụng mặt đường hè phố hiện hữu, không giải tỏa mặt bằng. Hệ thống thu phí thực hiện theo công nghệ đa làn, không dừng, thông qua trung tâm điều hành kết nối các cổng. Vốn đầu tư dự án dự kiến 2.274 tỉ đồng, bao gồm 478,1 tỉ đồng chi phí đầu tư ban đầu và 1.796 tỉ đồng chi phí vận hành trong 10 năm. Nguồn vốn đầu tư do nhà đầu tư tự thu xếp để thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BLT.

TP HCM đẩy nhanh thu phí ôtô vào trung tâm - Ảnh 1.

Đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM thường xảy ra ùn tắc giao thông vào lúc cao điểm đi lại Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo nhà đầu tư, dự án "Thu phí hạn chế ùn tắc giao thông đối với ôtô lưu thông vào nội đô TP HCM" đặt ra nhiều mục tiêu như: điều tiết giao thông vào các khu vực đang ùn tắc, giảm ùn tắc trên các trục giao thông chính dẫn đến trung tâm thành phố; bổ sung nguồn vốn ngân sách bảo trì đường bộ của thành phố; thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế ô nhiễm môi trường…

Nhà đầu tư đề xuất nếu thực hiện thì thời gian thu phí được tiến hành theo 2 khung giờ: từ 6 giờ đến 9 giờ và từ 15 giờ đến 19 giờ. Số tiền người dân phải trả khi lưu thông vào khu trung tâm là 40.000 đồng cho xe con tiêu chuẩn, 70.000 đồng cho xe tải và xe khách (kể cả xe biển xanh, nhằm bảo đảm sự đồng thuận của xã hội), không thu phí xe đi ra. Taxi có đăng ký tại TP HCM được giảm phí, tạm tính 20.000 đồng/xe. Riêng xe buýt và các loại xe ưu tiên theo quy định trong thu phí sử dụng đường bộ như xe cứu thương, cứu hỏa… sẽ được miễn phí.

Đã được đồng ý từ hơn 10 năm trước

Theo Sở GTVT TP HCM, việc lập dự án trên là cần thiết vì thu phí ôtô vào trung tâm thành phố là một trong những giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng theo Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân được UBND TP phê duyệt tháng 10-2020.

Liên quan đề án trên, ở kỳ họp thứ 20 HĐND TP HCM khóa IX hồi tháng 7-2020, các đại biểu đã thông qua nghị quyết về Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố. Theo đó, TP HCM sẽ thu phí ôtô lưu thông vào khu vực trung tâm giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, TP HCM sẽ phân vùng kiểm soát khí thải, thu phí ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021-2030.

Đề án trên được đánh giá là quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như cuộc sống của người dân. HĐND TP HCM xác định rõ phát triển giao thông công cộng phải kết hợp, đi đôi với hạn chế số lượng phương tiện cá nhân. Trong đó, ngân sách nhà nước giữ vai trò chỉ đạo (bao gồm đầu tư hạ tầng và vận hành khai thác), bảo đảm hệ thống giao thông công cộng bền vững.

Hồi đầu năm 2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã đồng ý về nguyên tắc việc thu phí ôtô lưu thông vào khu vực trung tâm TP HCM để hạn chế ùn tắc giao thông. Thời điểm này, Phó Thủ tướng còn giao Bộ Công an phối hợp với UBND TP HCM lập đề án thí điểm công tác quản lý các phương tiện đăng ký mới thông qua giấy chứng nhận quyền mua xe (COE) để hạn chế việc gia tăng phương tiện giao thông cá nhân. Đồng thời, sớm triển khai các biện pháp kinh tế, hành chính với lộ trình phù hợp nhằm hạn chế nhu cầu sử dụng xe máy lưu thông, thay thế bằng các phương tiện giao thông công cộng phù hợp. Đối với các phương tiện vận tải công cộng, TP HCM có nhiệm vụ hiện đại hóa xe buýt trong đô thị, bố trí xe có kích cỡ phù hợp với các tuyến đường lưu thông, lựa chọn động cơ và sử dụng các nhiên liệu thân thiện với môi trường như khí LPG, CNG... 

Các chuyên gia nói gì?

ThS Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách và Du lịch liên tỉnh TP HCM, cho biết đây là một trong những giải pháp được áp dụng tại các đô thị lớn trên thế giới khi tình trạng ô nhiễm không khí do phát thải phương tiện, ùn tắc và tai nạn giao thông tăng. Việc lập vành đai để thu phí ôtô vào trung tâm sẽ hạn chế lượng phương tiện cá nhân, cải thiện những vấn đề kể trên, ngoài ra sẽ tạo thêm một nguồn thu vào ngân sách để phát triển hạ tầng…

"Đề xuất lập vành đai quanh quận 1 và quận 3 của nhà đầu tư theo tôi là vừa phải, thời gian và mức thu theo đề xuất cũng hợp lý. Tuy nhiên, do thời gian thu phí sẽ phụ thuộc vào chi phí đầu tư ban đầu của nhà đầu tư nên khi thẩm định mức đầu tư này, các sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư… cần thực hiện chặt chẽ, tránh thời gian thu phí kéo dài. Khoản thu thừa sau khi hoàn vốn cho nhà đầu tư nên đưa vào quỹ phát triển vận tải hành khách công cộng để phục vụ người dân" - ThS Lê Trung Tính đề xuất.

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng muốn hạn chế người dân dùng phương tiện cá nhân vào khu trung tâm thì phải đáp ứng hạ tầng công cộng để họ đi xe buýt, metro…, có bãi đậu xe thông minh. Ngoài ra, mạng lưới tuyến xe buýt phải phủ đều, dễ dàng cho người dân tiếp cận.

"Nếu không có hệ thống hạ tầng này, người dân sẽ tiếp tục đi xe cá nhân, taxi, ôtô công nghệ… Khi thiết lập vành đai quanh quận 1 và quận 3 thì trong bán kính 500 m phải có ít nhất 10 bãi đậu xe, mỗi bãi 5.000 chiếc, để người dân gửi xe, đón xe buýt vào trung tâm thành phố" - TS Phạm Viết Thuận nói.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Lãng phí lớn từ số lượng khủng căn hộ tái định cư bỏ hoang tại TP.HCM, Hà Nội

Lãng phí lớn từ số lượng khủng căn hộ tái định cư bỏ hoang tại TP.HCM, Hà Nội

Tại các thành phố lớn, nhiều khu tái định cư có tỷ lệ lấp đầy rất thấp, thậm chí có những tòa nhà không có người ở. Các tòa nhà xây dựng với quy mô lớn, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại bị bỏ không hoặc sử dụng không hiệu quả, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng ngân sách Nhà nước mỗi năm.

Đề xuất mới cho hệ thống buýt TP.HCM: Xe điện 100%

Đề xuất mới cho hệ thống buýt TP.HCM: Xe điện 100%

Công ty Phương Trang cho biết sẵn sàng đầu tư xe buýt thuần điện mới nhằm góp phần "xanh hóa" hệ thống giao thông đô thị tại TP.HCM.

Dự án hydro xanh đầu tiên ở Việt Nam được ngân hàng ngoại tư vấn tài chính

Dự án hydro xanh đầu tiên ở Việt Nam được ngân hàng ngoại tư vấn tài chính

Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam vừa ký thỏa thuận với công ty The Green Solutions trụ sở tại TP.HCM để cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính cho dự án hydro xanh Trà Vinh, dự án năng lượng hydro xanh đầu tiên tại Việt Nam.

Chinh phục Olympic Games Paris 2024: Các phần thưởng giá trị lớn đã có chủ.

Chinh phục Olympic Games Paris 2024: Các phần thưởng giá trị lớn đã có chủ.

Kết thúc giai đoạn 1 chương trình “Chinh phục Olympic Games Paris 2024”, Sacombank đã tìm ra 41 khách hàng may mắn sở hữu các phần thưởng giá trị. Giai đoạn 2, Sacombank triển khai chương trình hoàn tiền khi chi tiêu tại nước ngoài với tổng ngân sách đến 2 tỷ đồng.

TP.HCM thúc đẩy phát triển năng lượng sạch từ hơn 11 triệu USD của USAID

TP.HCM thúc đẩy phát triển năng lượng sạch từ hơn 11 triệu USD của USAID

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Sở Công Thương TP.HCM hôm nay 17/5 tổng kết kết quả về hợp tác thúc đẩy năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sau 5 năm tại thành phố.

NHNN dự kiến cho kéo dài thời gian giãn nợ, hoãn nợ thêm 6 tháng

NHNN dự kiến cho kéo dài thời gian giãn nợ, hoãn nợ thêm 6 tháng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024 thay vì chỉ đến cuối tháng 6/2024.