Ngày 21/11, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM tiếp nhận bé gái 13 tuổi được chuyển đến từ Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng dập gan. Trước đó do giận mẹ kiểm tra điện thoại của mình nên em nhảy lầu tự tử. May mắn, em không rơi thẳng xuống đất mà ngã xuống mái tôn tầng 2, sau đó đụng vào xe máy rồi tiếp đất.
Đây không phải lần đầu chúng ta đọc hay nghe thấy thông tin dạng này. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp trẻ phản ứng mạnh khi cho rằng cha mẹ không tôn trọng sự tự do của mình.
![]() |
Hãy tôn trọng quyền riêng tư con bằng cách gõ cửa trước khi bước vào phòng con. Ảnh: Freepik |
Anh Hoàng Ân (37 tuổi, ở Q.3) có thói quen thỉnh thoảng bất ngờ kiểm tra điện thoại con trai đang học lớp 6 hoặc vô phòng con nhưng không gõ cửa. Đó cũng là nguyên nhân khiến gia đình hay xảy ra những tranh cãi.
Vợ anh cho rằng con dù lớn hay nhỏ, đang ở độ tuổi nào cũng cần có sự tôn trọng mới có thể dạy bảo, thuyết phục được con. Anh nói con cái không được quyền giấu giếm cha mẹ bất cứ chuyện gì, nếu báo trước thì làm sao bắt tại trận những hành vi sai trái của con. Cậu con trai không dám phản ứng ba nhưng xem ra cũng không mấy vừa lòng khi càng lớn càng thêm lầm lì, ít nói.
Với chị Ngọc Dung (45 tuổi, ở Bình Thạnh) thì mâu thuẫn giữa chị và con gái đang học lớp 8 nhiều khi bị đẩy lên đến đỉnh điểm không khác gì… một cuộc chiến. Lần đó khi thấy kết quả học tập của con sa sút chị đã tịch thu điện thoại, không cho sử dụng. Nào ngờ chỉ hơn tuần sau, con đã có ngay chiếc điện thoại khác. Đến lúc này chị dùng biện pháp cắt luôn đường truyền internet của cả nhà, nhưng con lại vẫn sử dụng điện thoại như bình thường nhờ các loại sim 4G có bán đầy ngoài đường.
Sau đó, mọi việc chỉ tạm ổn khi cả gia đình cùng ngồi lại trao đổi thẳng thắn với nhau về những suy nghĩ của mình cũng như tìm ra một cách giải quyết ổn thỏa cho cả cha mẹ lẫn con cái.
Cấm đoán dường như không còn là biện pháp hữu hiệu khi cuộc sống hôm nay có quá nhiều thay đổi so với trước dù biết rằng các bậc phụ huynh luôn luôn mong muốn những gì tốt đẹp nhất cho con em mình.
Người làm cha mẹ cần hiểu nhiều hơn về đời sống tâm lý của con. Sức chịu đựng và môi trường sống của mỗi đứa trẻ mỗi khác. Nhất là khi cuộc sống luôn có nhiều thay đổi như hiện nay.
Khi cho con mình sử dụng điện thoại hay mạng xã hội thì đồng thời cha mẹ cần phải lường trước những khả năng tích cực lẫn tiêu cực sẽ xảy ra đối với con em mình. Để rồi có những thỏa thuận phù hợp về những điều con được và không được phép làm.
Như vậy sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn, được tôn trọng ngay từ đầu hơn là để xảy ra chuyện thì cha mẹ mới nhảy vào để la mắng, cấm đoán.
Thực tế cho thấy, ở tuổi thiếu niên, trẻ bắt đầu cần có cuộc sống riêng tư nhiều hơn. Vì vậy, đây là lúc bố mẹ nên chú ý đến quyền riêng tư của con cái thay vì cứ nghĩ trẻ vẫn còn là con nít và cần giám sát 24/24. Nếu bạn cứ chú ý giám sát thì trẻ sẽ bị ngộp và thậm chí không thể tự lập.
Trẻ muốn có thêm không gian riêng chưa chắc là vì trẻ có điều gì muốn giấu cha mẹ. Bí mật thường đi cùng với sự phát triển tính độc lập. Đó là một điều hoàn toàn tự nhiên khi trẻ bước vào tuổi thanh thiếu niên.
Càng lớn trẻ lại càng cần nhiều không gian riêng tư hơn. Điều này là do trẻ đang phải đối mặt với những thay đổi lớn cả về cảm xúc và suy nghĩ.
Ngoài ra, thể chất, tư duy và các kỹ năng xã hội của trẻ cũng có nhiều sự thay đổi. Để có thể trưởng thành, trẻ cần phải học cách giải quyết những khó khăn này với sự độc lập và trách nhiệm.
![]() |
Thể hiện sự tôn trọng quyền riêng tư của con là cách giáo dục trẻ văn minh nhất. Ảnh IT |
Cha mẹ có thể thảo luận với con về vấn đề riêng tư, thiết lập một số quy tắc. Tuy nhiên những điều này có thể thay đổi khi con lớn lên.
Đồng thời, để thể hiện sự tôn trọng quyền riêng tư của con cái, tốt nhất bạn nên tránh làm những điều sau: nghe lén trẻ nói chuyện điện thoại, tìm tòi, lục lọi đồ đạt riêng của con, lén đọc nhật ký hoặc truy cập vào tài khoản email của con mà không được sự đồng ý, gọi điện thoại kiểm tra con mọi mọi nơi, mọi lúc...
Gửi bình luận