Gỡ thế bí trong việc lấy nguồn kinh phí giải quyết tinh giản biên chế đơn vị sự nghiệp công

Thùy Anh Thứ tư, ngày 16/08/2023 19:25 PM (GMT+7)
Hiện nay nhiều đơn vị sự nghiệp công lập đang gặp khó khăn trong việc sắp xếp nguồn để thực hiện tinh giản biên chế. Để giải quyết vấn đề này, mới đây Bộ Tài chính đã phải dự thảo thông tư hướng dẫn về vấn đề này.
Bình luận 0

Sử dụng kinh phí đơn vị và nguồn kinh phí nhà nước cho tinh giản biên chế 

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ - CP. Trong đó, có nguồn kinh phí giải quyết chính sách tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Dự thảo quy định nguồn kinh phí giải quyết chính sách tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập cụ thể. Kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với viên chức (bao gồm cả viên chức theo quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP), hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập, được thực hiện như sau:

1. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên: Sử dụng từ nguồn thu và nguồn kinh phí hợp pháp khác của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện các chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 29.

kinh phí để tinh giản biên chế

Ngân sách trung ương và ngân sách từ nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập được bố trí để tinh giản biên chế. Ảnh: Trung tâm DVVL Hà Nội - Nguyệt Tạ

2. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thì đơn vị đó được sử dụng nguồn thu để lại chi thường xuyên được giao hàng năm (nếu có) và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để chi trả cho hoạt động tinh giản biên chế.

Đối tượng được tinh giản biên chế theo diện này sẽ được trợ cấp bằng 3 tháng tiền lương hiện hưởng theo quy định tại Nghị định số 29.

Ngoài ra, lao động còn được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho những người trong diện tinh giản biên chế trong độ tuổi quy định có nguyện vọng đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc.

Công chức, viên chức bị tinh giản biên chế còn được trả lương trong thời gian đi học nghề và trợ cấp khoản kinh phí học nghề cho đối tượng trong độ tuổi được tạo điều kiện cho đi học nghề.

 Đơn vị sử dụng từ nguồn thu của đơn vị, dự toán ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên được giao hàng năm và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để chi trả các chính sách tinh giản biên chế đối với lao động hợp đồng không xác định thời hạn, thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng.

nguồn kinh phí để tinh giản biên chế

Đơn vị sự nghiệp công lập như bệnh viện sẽ sử dụng nguồn kinh phí thực hiện tinh giản biên chế từ nguồn thu của bệnh viện, kết hợp với một phần kinh phí nhà nước cấp. Ảnh: BV Bạch Mai - N.T

Ngân sách nhà nước bố chí thực hiện chế độ đào tạo nghề, BHYT... khi tinh giản biên chế 

Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí để thực hiện các chế độ còn lại đối với viên chức theo quy định theo nguyên tắc:

- Đối với đối tượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trung ương quản lý do ngân sách trung ương đảm bảo, bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các đơn vị sự nghiệp.

- Đối với đối tượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương quản lý do ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí thực hiện các chế độ theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và được bố trí từ nguồn thực hiện cải cách tiền lương đã bố trí trong dự toán ngân sách của đơn vị.

Toàn văn dự thảo thông tư hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế đã được Bộ Tài chính đăng tải để lấy ý kiến. Thông tư được phê duyệt sẽ là căn cứ để các đơn vị bám vào đó thực hiện chế độ tinh giản biên chế cho công chức, viên chức theo tinh thần của Nghị định 29/2023/NĐ-CP.

Nghị định 29 vừa có hiệu lực vào ngày 20/7/2023 vừa qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem